STNN - Sáng ngày 26/9, buổi họp báo Triển lãm quốc tế Chuyên ngành chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi & Chế biến thịt - Vietstock 2023 được tổ chức tại Khách sạn Sheraton, Hà Nội với sự góp mặt của các chuyên gia, doanh nghiệp chăn nuôi và các cơ quan thông tấn báo chí.
Sự kiện có sự góp mặt của ông Dương Tất Thắng (Cục trưởng Cục Chăn nuôi Việt Nam), ông Trần Cao (Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam), bà Rose Chitanuwat (Giám đốc chuỗi Dự án Asian, Đại diện BTC Triển lãm Vietstock), TS. Võ Trọng Thành (Cục Chăn nuôi) cùng các doanh nghiệp, các cơ quan thông tấn báo chí.
Tăng cường chăn nuôi bền vững nhằm cải thiện an ninh lương thực và an toàn thực phẩm
Dựa trên chủ đề của Triển lãm Vietstock 2023: “Tăng cường chăn nuôi bền vững nhằm cải thiện an ninh lương thực & an toàn thực phẩm” (“Enhance sustainable livestock to improve food security and safety”) và chiến lược phát triển ngành Chăn nuôi dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, trong buổi họp báo, ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục Chăn nuôi Việt Nam - đã nhấn mạnh vào hai nội dung chính: (1) Những thành tựu ngành Chăn nuôi Việt Nam đã đạt được trong những năm gần đây; (2) Những thách thức, khó khăn mà ngành Chăn nuôi Việt Nam đang phải đối mặt. Từ đó, ông khẳng định, phát triển ngành Chăn nuôi Việt Nam phải đi đôi với bảo vệ môi trường (an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh).
Về những thành tựu, Cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định, chăn nuôi là lĩnh vực mũi nhọn của nông nghiệp Việt Nam, là ngành luôn đạt mức tăng trưởng ổn định trong những năm qua, chiếm hơn 1/4 tỉ trọng (27%) trong đóng góp GDP chung toàn ngành trong nửa đầu năm 2023. Năm 2022, ngành Chăn nuôi Việt Nam nói riêng ghi nhận sự phát triển năng động, lợi nhuận đạt 21 tỷ đô la, tương đương với mức tăng trưởng từ 5% đến 6% so với năm 2021. Sở dĩ, ngành Chăn nuôi có được những bước tiến như vậy xuất phát từ các nguyên nhân chính như:
Thứ nhất, sự phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội Việt Nam trong thời gian qua đã mang lại nhiều cơ hội bứt phá cho ngành Chăn nuôi. Cụ thể, Việt Nam đứng thứ 7 toàn cầu về tốc độ gia tăng tầng lớp trung lưu, đạt 50 triệu người vào năm 2030. Với dân số trẻ, tỉ lệ đô thị hoá cao và thu nhập của người dân tăng mỗi năm tại cả khu vực nông thôn và đô thị, đem lại cơ hội phát triển cho ngành Chăn nuôi và chế biến thức ăn.
Thứ hai, các Hiệp định thương mại tự do được ký kết trong những năm gần đây giữa Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới đã mở đường cho các sản phẩm ngành Chăn nuôi trong nước tham gia vào những thị trường có mức tiêu thụ cao.
Thứ ba, với sự quan tâm và hỗ trợ ngày càng tích cực từ Chính phủ cũng như sự phát triển của công nghệ, ngành Chăn nuôi Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng 4% đến 5% vào năm 2025 và 3% đến 4% trong giai đoạn từ 2026 - 2030.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu trên, ngành Chăn nuôi Việt Nam hiện nay cũng phải đối mặt với nhiều thách thức lớn:
Một là, phụ thuộc vào nguyên liệu chăn nuôi nhập khẩu. Việt Nam nhập khẩu khoảng 22 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi mỗi năm, tương đương 60% nhu cầu toàn ngành. Sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu này là điểm yếu của ngành chăn nuôi khi tình hình kinh tế, chính trị thế giới đang trải qua giai đoạn có nhiều biến động phức tạp và khó lường.
Hai là, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Biến đổi khí hậu. Thiên tai, lũ lụt và các hình thái thời tiết cực đoan xảy ra liên tục trong những năm gần đây đang ảnh hưởng trực tiếp tới các hoạt động sản xuất chăn nuôi. Bên cạnh đó, dịch bệnh đã gây ra vấn đề “sản xuất được nhiều nhưng xuất khẩu rất ít”; vì vậy, xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh đang là một trong những giải pháp mà Bộ NN-PTNT Việt Nam rất quan tâm và đầu tư thực hiện.
Khi được đại diện các đơn vị thông tấn báo chí đặt câu hỏi về vấn đề: “Làm thế nào để phát triển môi trường chăn nuôi tăng trưởng xanh?”, ông Thắng nhấn mạnh, phát triển chăn nuôi cần đi đôi với an toàn sinh học (bao gồm cả an toàn dịch bệnh) chính là hướng đi hữu hiệu nhằm giảm thiểu rủi ro trong chăn nuôi. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN-PTNT đã xây dựng đề án phát triển giống chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi và môi trường chăn nuôi.
Đồng tình với quan điểm của ông Dương Tất Thắng (Cục trưởng Cục Chăn nuôi Việt Nam), TS. Võ Trọng Thành nhấn mạnh những cơ hội và triển vọng của ngành Chăn nuôi Việt Nam trong giai đoạn sắp tới, trong đó:
1. Kinh tế thế giới được dự báo hồi phục năm 2024, dự kiến từ quý 2/2024 sẽ có bước tăng trưởng khá;
2. Kinh tế tăng trưởng khi Việt Nam và Mỹ thực hiện thoả thuận đối tác chiến lược toàn diện: thương mại hai chiều tăng lên, Mỹ sẽ hạn chế biện pháp phòng vệ thương mại đối với Việt Nam;
3. Các ngành kinh tế liên quan hồi phục trong thời gian tới sẽ thúc đầy thị trường tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi tăng trưởng;
4. Khoa học công nghệ phát triển mạnh, tạo đòn bẩy và động lực sản xuất;
5. Chuyển đổi số và công nghệ phát triển làm tăng năng suất và hiệu quả chăn nuôi.
Vietstock 2023 có sự tham gia của lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo áp dụng chuỗi giá trị khép kín từ giống đến quy trình sản xuất, chế biến
Trên cơ sở những định hướng trên, bà Rose Chitanuwat (Giám đốc chuỗi Dự án Asian, Đại diện BTC Triển lãm Vietstock) đã khẳng định:“Một trong những thách thức lớn đối với ngành Chăn nuôi Việt Nam nói riêng và các nước trong khu vực nói chung là việc tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: Làm sao để vừa sản xuất được nhiều sản phẩm, vừa đảm bảo được chất lượng, chuỗi cung ứng bền vững và phát triển?” Hơn hết, Triển lãm Vietstock 2023 với diện tích khu triển lãm gần 11.000m2, dự kiến bao gồm 350 đơn vị trưng bày đến từ hơn 30 quốc gia/vùng lãnh thổ, thu hút hơn 11.000 khách tham dự từ khắp nơi trên thế giới sẽ là một trong những sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với ngành Chăn nuôi Việt Nam.
Bà Rose cho biết thêm, Vietstock 2023 không chỉ có sự góp mặt của các công ty sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi mà còn có sự tham gia của cả lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo để áp dụng chuỗi giá trị khép kín từ giống đến quy trình sản xuất, chế biến (tức từ trang trại đến bàn ăn).
Tiếp nối nền tảng kết nối kinh doanh trực tuyến, không gian kết nối trực tiếp đảm bảo tính chuyên nghiệp, trang trọng và lịch sự sẽ được Vietstock chuẩn bị sẵn sàng tại Khu vực Match & Meet cùng rất nhiều các hoạt động khác, như: Khu gian hàng Trứng (Eggcellent Theater); Khu gian hàng Phát triển Bền vững; Khu vực Giới thiệu công nghệ và sản phẩm…
Bà Rose cho biết thêm, Việt Nam và Thái Lan (quê hương của bà) đều là những quốc gia coi trọng ngành Nông nghiệp, xem đây là một trong những mũi nhọn kinh tế; vì vậy, muốn sản xuất nông nghiệp bền vững không chỉ cần nâng cao sản lượng, năng suất mà còn phải đặc biệt quan tâm đến việc giảm thiểu chất thải. Sản xuất chăn nuôi cần gắn liền với an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Để thực hiện được chiến lược này, đòi hỏi ngành Chăn nuôi cần phải áp dụng khoa học và công nghệ vào trong chuỗi sản xuất. Khi đảm bảo được an toàn thực phẩm, an ninh lương thực, người dân sẽ có thể an tâm sử dụng các sản phẩm trong nước nhiều hơn thay vì phải sử dụng các thực phẩm nhập khẩu.
Ngoài việc nhấn mạnh đến yếu tố phát triển bền vững trong ngành Chăn nuôi, bà Rose cũng giới thiệu khái quát chuỗi hoạt động trong Triển lãm Vietstock 2023.
Vietstock mang đến các phân tích chuyên sâu và giải pháp sáng tạo thông qua 05 hội thảo chuyên ngành tại các tỉnh chăn nuôi trọng điểm từ ngày 18/07 - 17/08. Với những chia sẻ quý báu từ 20 diễn giả, chuỗi hội thảo đã lan tỏa những kiến thức chuyên môn quan trọng đến hơn 1.400 khách tham gia chuyên ngành.
Cuối cùng, bà Rose khẳng định, Triển lãm Vietstock 2023 sẽ đề ra các biện pháp ứng dụng kỹ thuật và đổi mới để giúp người nông dân nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ của họ trong chuỗi thức ăn chăn nuôi. Những người nông dân sẽ được trang bị công nghệ, những phần mềm để có thể kiểm soát được chế độ dinh dưỡng của vật nuôi. Người nông dân sẽ có một hồ sơ ghi lại những thông tin chính xác về vật nuôi để góp phần phát triển chuỗi sản xuất theo mô hình bền vững, thân thiện với môi trường. Ngoài ra, để tiết kiệm thời gian, chi phí cho từng hộ chăn nuôi, Ban tổ chức kết hợp với Bộ NN-PTNT đã có những chương trình đào tạo tại chỗ cho người nông dân và sắp xếp xe Bus đưa đón họ đến tham dự buổi triển lãm.
Giải thưởng Vietstock 2023
Một trong những nội dung nổi bật nhất trong Triển lãm Vietstock 2023 chính là Giải thưởng ngành Chăn nuôi VIETSTOCK Award. Giải thưởng ngành Chăn nuôi và Thủy sản Việt Nam được tổ chức nhằm tôn vinh các doanh nghiệp, tổ chức có thành tích xuất sắc, có những đóng góp tích cực và ý nghĩa vào sự phát triển chung của ngành Chăn nuôi Việt Nam. Triển lãm Vietstock 2023 Vietstock là triển lãm đầu ngành chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản và chế biến thịt tại Việt Nam, thuộc chuỗi triển lãm chăn nuôi tại khu vực Châu Á. Với gần 20 năm tổ chức, Vietstock đồng hành cùng Cục Chăn nuôi, Bộ NN-PTNT; Sở NN-PTNT, Chi cục Chăn nuôi & Thú y các tỉnh; các tổ chức hiệp hội: Hội Chăn nuôi Việt Nam - AHAV, Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam - VINARUHA, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam - VIPA, Hội Nghề cá Việt Nam - VINAFIS, Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững - ICAFIS, Trung tâm Khuyến nông, các Viện và Trung tâm nghiên cứu… mang đến bức tranh toàn cảnh chăn nuôi Việt Nam. Vietstock luôn làm mới mình với rất nhiều chương trình và hoạt động phong phú. Không dừng lại ở triển lãm B2B, Vietstock là người bạn đồng hành, là cầu nối kinh doanh của ngành chăn nuôi Việt Nam và khu vực. Là sự kiện góp phần hiện đại hóa ngành chăn nuôi, Vietstock giúp đơn vị triển lãm và khách tham quan kết nối nhanh chóng chỉ với một vài thao tác trên ứng dụng Leadex. |
Tuyết Nhung - Vân Quỳnh
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/vietstock-2023-buc-tranh-toan-canh-nganh-chan-nuoi-viet-nam-a24194.html