Lời tòa soạn:
Nông nghiệp Pháp đang trải qua cuộc Cách mạng nông nghiệp lần thứ ba (hay Nông nghiệp 4.0, Cách mạng nông nghiệp số hóa) nhằm thiết lập một nền nông nghiệp tự chủ hơn, bền vững hơn và “kiên cường” hơn để sẵn sàng đối mặt với thách thức và biến đổi, như biến đổi khí hậu, tăng cường khả năng đối phó với khủng hoảng, và thích nghi với môi trường thay đổi. Công nghệ kỹ thuật số cung cấp các giải pháp công nghệ, có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi đã bắt đầu trong lĩnh vực nông nghiệp. Công nghệ số là một trong những trụ cột của cuộc Cách mạng nông nghiệp lần thứ ba này, bên cạnh sự xuất hiện của các robot nông nghiệp, cải tiến về lựa chọn giống và quản lý sinh học. Từ đầu năm 2022, Pháp công bố lộ trình phát triển của Chính phủ, trong đó bao gồm 7 lĩnh vực trọng tâm, nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và triển khai công nghệ số trong nông nghiệp. |
1. Đưa nội dung đào tạo công nghệ số vào giáo dục, tư vấn nông nghiệp
Trong lĩnh vực nghề nghiệp liên quan đến nông nghiệp, lâm nghiệp và thực phẩm, công nghệ số đang trở nên ngày càng quan trọng, và ngành này yêu cầu các kỹ năng sử dụng các công cụ kỹ thuật số một cách thành thạo. Ngành nông nghiệp Pháp đang phát triển các công cụ hỗ trợ để đảm bảo ổn định quá trình chuyển đổi kỹ thuật số cho nông dân.
2. Phát huy tính tích cực của R&D để quản lý các hệ thống nông nghiệp và thực phẩm ngày càng phức tạp
R&D (Nghiên cứu và Phát triển) có thể bao gồm việc thử nghiệm ý tưởng mới, tạo ra công nghệ mới, tối ưu hóa sản phẩm hiện có, và tiến hành các hoạt động liên quan đến sáng tạo và đổi mới. R&D đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển và cạnh tranh trong thị trường. Trong nghiên cứu nông nghiệp cơ bản và ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, từ lâu người ta đã dựa vào việc thu thập và phân tích dữ liệu, bao gồm cả công nghệ thông tin địa lý.
Những tiến bộ trong công nghệ thu thập dữ liệu trong thập kỷ qua (cảm biến hiện trường, hình ảnh vệ tinh, phân tích bộ gen...), đã thúc đẩy những đổi mới mang tính đột phá như: chọn lọc bộ gen để nhân giống gia súc, xác định kiểu hình cây trồng hiệu suất cao và các công cụ hỗ trợ quyết định xử lý phân bón dựa trên hình ảnh vệ tinh.
Ngày nay, thách thức nằm ở việc sử dụng các công cụ kỹ thuật số để giúp nông dân, các ngành và địa phương thiết kế, quản lý các hệ thống nông nghiệp và thực phẩm ngày càng phức tạp, nhằm đáp ứng đồng thời các yêu cầu về hiệu quả xã hội, kinh tế, bảo vệ môi trường và sức khỏe. Đồng thời, việc này cũng phải dựa trên nguyên tắc của nông nghiệp sinh thái để giảm lãng phí tài nguyên và thích nghi với biến đổi khí hậu.
3. Quản lý dữ liệu - trọng tâm trong quá trình số hóa nông nghiệp
Quản lý dữ liệu đang là một vấn đề lớn cần được quan tâm bởi lẽ, pháp luật hiện không đảm bảo quyền kiểm soát việc sử dụng dữ liệu của nông dân, ngoài các thỏa thuận hợp đồng mà họ có với các nhà cung cấp. Sự thiếu sự bảo đảm này có thể gây cản trở cho nông dân khi sử dụng các công cụ số hóa.
Tuy nhiên, việc cung cấp dữ liệu cho các nhà nghiên cứu và sáng chế là vô cùng quan trọng để họ có thể sử dụng dữ liệu này một cách sáng tạo và xây dựng các dịch vụ số hóa trong tương lai, ví dụ như dữ liệu này có thể được sử dụng để phát triển các công cụ hỗ trợ nông dân trong việc đưa ra các quyết định. Do đó, các tổ chức nông nghiệp của Pháp đang cố gắng thúc đẩy áp dụng các tiêu chuẩn về việc sử dụng dữ liệu nông nghiệp được thiết lập tại châu Âu. Chính phủ ủng hộ nguyên tắc dán nhãn (labeling) cho các nhà cung cấp dịch vụ số hóa.
Ngoài ra, cần có cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cho phép trao đổi dữ liệu dễ dàng cùng với các công cụ cho phép nông dân biết và kiểm soát việc họ ủy quyền chuyển giao dữ liệu cho các bên thứ ba.
4. Hỗ trợ các công ty công nghệ nông nghiệp
Các đổi mới công nghệ mang lại cơ hội để tạo ra những hệ thống nông nghiệp sử dụng ưu việt và tiết kiệm tài nguyên hơn. Điều này thúc đẩy sự kết hợp giữa cuộc cách mạng sinh thái nông nghiệp, nhu cầu về đổi mới thiết bị và quá trình số hóa.
Để tối ưu hóa quá trình chuyển đổi nền nông nghiệp Pháp hướng tới hệ thống sản xuất theo nguyên tắc sinh thái, Chính phủ Pháp cam kết hỗ trợ phát triển công nghệ nông nghiệp và số hóa để đối phó với các thách thức của cuộc Cách mạng nông nghiệp thứ ba (bao gồm công nghệ robot, xe tự hành, cảm biến, phần mềm, trí tuệ nhân tạo, máy bay không người lái, quản lý sức khỏe động vật điện tử,…). Hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi sinh thái trong nông nghiệp và các thực tiễn liên quan cũng bao gồm việc tăng cường hỗ trợ cho đổi mới và công nghệ số hóa thông qua việc tiến hành các thực nghiệm thực tế, để tìm ra các giải pháp phù hợp cho nhiều người dùng cuối và công cụ đổi mới.
5. Loại bỏ rào cản pháp lý đối với nhà sản xuất thiết bị nông nghiệp
Cần phải đảm bảo rằng, các công nghệ số mới này tuân theo các quy định về môi trường và an toàn. Hơn nữa, việc triển khai các hệ thống kiểm soát dựa trên dữ liệu cung cấp các giải pháp để quản lý và tối ưu hóa hoạt động trên từng trang trại nông nghiệp cụ thể.
Chia sẻ dữ liệu trong điều kiện bảo mật có thể thúc đẩy việc tận dụng giá trị của dữ liệu trên quy mô lớn hơn, bởi vì khi nhiều trang trại chia sẻ thông tin và kinh nghiệm của họ, các phương pháp và ứng dụng hiệu quả có thể được lan truyền rộng rãi hơn và các người tiêu dùng có thể nhận được thông tin chính xác hơn về sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm mà họ tiêu dùng.
6. Tạo ra giá trị trong chuỗi thực phẩm thông qua số hóa
Số hóa cải thiện mối quan hệ giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng theo nhiều cách. Có thể kể đến việc đảm bảo về an toàn thực phẩm, trong đó việc xây dựng hệ thống theo dõi vật nuôi qua truy xuất dữ liệu hiệu quả hơn, giúp giảm chi phí theo dõi và cải thiện tốc độ thông tin thu hồi sản phẩm. Ngoài ra, các công cụ (thường do các doanh nghiệp tư nhân khởi xướng) có thể cung cấp cho người tiêu dùng thông tin về sản phẩm, Chính phủ hỗ trợ các sáng kiến này bằng cách tạo ra hoặc hỗ trợ cơ sở dữ liệu.
7. Hỗ trợ phát triển công nghệ nông nghiệp tại Pháp
Sự phát triển của số hóa trong lĩnh vực nông nghiệp còn phụ thuộc vào các công cụ, thường được phát triển bởi các doanh nghiệp khởi nghiệp, có thể được sử dụng để tạo ra các ứng dụng mới hoặc triển khai phương pháp mới trong thực tiễn, nhằm mang lại lợi ích cho người nông dân, như: Thúc đẩy sự phát triển và chuyển đổi sinh thái trong nông nghiệp, tạo ra các hệ thống nông nghiệp bền vững hơn và giúp bảo vệ môi trường. Ngoài ra, việc sử dụng công nghệ còn có thể cải thiện mối quan hệ giữa người sản xuất (nông dân) và người tiêu dùng bằng cách cung cấp thông tin trong thời gian thực về nguồn gốc và chất lượng của sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo tính minh bạch và an toàn thực phẩm.
Để đẩy nhanh đổi mới nông nghiệp, khuyến khích sự đổi mới và tiến bộ trong lĩnh vực nông nghiệp và để ủng hộ quyền kiểm soát thực phẩm và an toàn thực phẩm tại Pháp, Chính phủ hợp tác với French AgriTech (các công ty và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp tại Pháp) nhằm hỗ trợ các công ty khởi nghiệp về công nghệ nông nghiệp (AgriTech) và thực phẩm (FoodTech) của nước này, mục tiêu là đưa Pháp trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về đổi mới nông nghiệp.
Hiệp hội Nông nghiệp sẽ phát triển một "Agristore", nền tảng dành riêng cho nông dân, nơi họ có thể tìm hiểu và truy cập các công cụ và giải pháp công nghệ được phát triển bởi French AgriTech để sử dụng trong nông nghiệp, nơi cung cấp thông tin chi tiết về các sản phẩm và dịch vụ công nghệ nông nghiệp, giúp nông dân lựa chọn và sử dụng chúng một cách hiệu quả.
Chử Cường (theo Nông nghiệp số)
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/__trashed-10-a24313.html