STNN - WWF-Việt Nam vừa khởi động chiến dịch truyền thông “Giữ rừng nguyên vẹn - Tái hẹn sao la” nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về nguy cơ tuyệt chủng của loài sao la và kêu gọi các hành động thiết thực để bảo vệ loài động vật nguy cấp này.
Chiến dịch khởi động ngày 1/10, thuộc khuôn khổ dự án “Giải cứu sao la khỏi bờ vực tuyệt chủng” do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ thông qua tổ chức Re:wild.
Chiến dịch nhấn mạnh bảo vệ rừng là điều kiện tiên quyết để bảo tồn loài động vật đặc hữu nguy cấp này cũng như bảo vệ những lợi ích sinh thái và sinh kế cộng đồng. Thông điệp được lồng ghép trong cuốn Nhật ký sao la, kể lại những câu chuyện chân thực, sinh động chưa từng được biết đến tại núi rừng Trung Trường Sơn.
WWF và các đối tác cũng sẽ phổ biến thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng, dự kiến bao gồm các báo điện tử uy tín, phát sóng trên kênh truyền hình quốc gia cũng như các nền tảng mạng xã hội nhằm kêu gọi sự hưởng ứng của các nhà báo, nghệ sỹ và những người có tầm ảnh hưởng.
Qua chiến dịch truyền thông này, WWF mong muốn truyền tải những câu chuyện về sao la lần đầu tiên thu thập được tại địa bàn dự án đến với thanh thiếu niên sinh sống tại các tỉnh miền Trung Việt Nam - vùng sinh cảnh của sao la. Từ đó, chiến dịch hướng đến nâng cao nhận thức của người dân về hiểm họa tuyệt chủng của sao la và kêu gọi bảo vệ rừng để bảo tồn loài vật nguy cấp này.
Sao la, có tên khoa học Pseudoryx nghetinhensis, thuộc nhóm thú sừng rỗng trông giống loài linh dương, với hai cặp sừng song song, nhọn dần về phía sau và có thể dài tới 50cm. Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn thế giới (IUCN) và Sách đỏ Việt Nam đã xác định, sao la là loài có nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên rất cao. Sao la được mệnh danh là "Kỳ lân châu Á”, là một trong những loài thú lớn đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới. Cho đến nay, chưa có nhà sinh vật học nào từng nhìn thấy sao la ngoài tự nhiên, và những hình ảnh hoang dã hiếm hoi của loài này có được là nhờ vào hệ thống bẫy ảnh do các nhà bảo tồn thiết lập trong các khu rừng tại Lào và Việt Nam.
Hoàng Hà (TH)
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/khoi-dong-chien-dich-giai-cuu-sao-la-khoi-bo-vuc-tuyet-chung-a24353.html