Triển khai công tác truy xuất nguồn gốc thực phẩm bảo vệ sức khỏe kinh doanh trong các doanh nghiệp dược, nhà thuốc trên trên địa bàn tỉnh Phú Thọ năm 2023

STNN - Đoàn kết hợp công tác tuyên truyền cho các chủ cơ sở và người kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh TPBVSK.

Đoàn số 2- Tthực hiện truy xuất nguồn gốc TPBVSK đối với nhà thuốc tại huyện Thanh Thủy.
Thực hiện truy xuất nguồn gốc TPBVSK đối với nhà thuốc tại huyện Thanh Thủy.

Để tăng cường trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm của các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm và từng bước kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn tỉnh Phú Thọ theo chỉ đạo của Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế tại Văn bản số 3169/ATTP-PCTTR ngày 12/12/2022 về việc tăng cường công tác quản lý việc kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khoẻ tại các nhà thuốc và dưới sự chỉ đạo của Sở Y tế Phú Thọ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã ban hành Kế hoạch số 41/KH-ATVSTP ngày 13/02/2023 về Truy xuất nguồn gốc thực phẩm bảo vệ sức khỏe và thành lập 02 Đoàn truy xuất nguồn gốc thực phẩm bảo vệ sức khỏe kinh doanh trong các doanh nghiệp dược/nhà thuốc trên địa bàn tỉnh Phú Thọ năm 2023.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với Phòng Y tế thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm bảo vệ sức khỏe kinh doanh tại 13 nhà thuốc trên địa bàn 09 huyện, thành, thị của tỉnh Phú Thọ. Quá trình truy xuất, các Đoàn đã tiến hành việc xem xét hồ sơ, tài liệu liên quan (danh mục thực phẩm bảo vệ sức khỏe, hóa đơn/chứng từ nhập các loại TPBVSK, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố và bản công bố sản phẩm TPBVSK) đối với các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, điều kiện trong kinh doanh, điều kiện về kiến thức và sức khỏe của chủ cơ sở và người trực tiếp tiếp xúc TPBVSK, đồng thời kết hợp với việc đánh giá điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe; xem xét thông tin trên nhãn sản phẩm TPBVSK theo quy định cơ sở đang kinh doanh, tình trạng sản phẩm, bảo quản TPBVSK. Kết quả 13/13 nhà thuốc được truy xuất các TPBVSK đang kinh doanh đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng theo quy định.

Đoàn kết hợp công tác tuyên truyền cho các chủ cơ sở và người kinh doanh TPBVSK các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh TPBVSK, thực hiện tốt nội dung chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Tuyệt đối không để sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe không không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng được kinh doanh, lưu thông trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là trong các doanh nghiệp dược, nhà thuốc nhằm bảo vệ tốt sức khỏe nhân dân.

Theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh. Thực phẩm bảo vệ sức khỏe chứa một hoặc nhiều chất hoặc hỗn hợp các chất sau: (a) Vitamin, khoáng chất, axit amin, axit béo, enzyme, probiotic và chất có hoạt tính sinh học khác; (b) Chất có nguồn gốc tự nhiên, bao gồm động vật, khoáng vật và thực vật dưới dạng chiết xuất, phân lập, cô đặc và chuyển hóa; (c) Các nguồn tổng hợp của những thành phần đề cập tại điểm a và điểm b trên đây; Và, thực phẩm bảo vệ sức khỏe được trình bày ở dạng chế biến như viên nang, viên hoàn, viên nén, chế phẩm dạng cốm, bột, lỏng và các dạng bào chế khác và được phân liều (để sử dụng) thành các đơn vị liều nhỏ.

Điều 14 của Nghị định này cũng quy định rõ yêu cầu đối với sản phẩm động vật trên cạn, sản phẩm động vật thủy sản, sản phẩm thực vật dùng làm thực phẩm nhập khẩu:

Sản phẩm động vật trên cạn, sản phẩm động vật thủy sản, sản phẩm thực vật dùng làm thực phẩm nhập khẩu, trừ các thực phẩm đã qua chế biến, bao gói sẵn, thực phẩm do tổ chức, cá nhân Việt Nam xuất khẩu sang nước ngoài nhưng bị trả về và các trường hợp quy định tại Điều 13 Nghị định này phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Có xuất xứ từ quốc gia, vùng lãnh thổ có hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm đáp ứng quy định của Việt Nam và được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đưa vào danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ đăng ký xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc động vật, thực vật, thủy sản vào Việt Nam;

b) Đối với sản phẩm động vật trên cạn dùng làm thực phẩm, sản phẩm động vật thủy sản dùng làm thực phẩm: Phải được sản xuất bởi cơ sở sản xuất, kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công nhận đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của Việt Nam;

c) Mỗi lô hàng nhập khẩu có nguồn gốc động vật, thủy sản nhập khẩu phải kèm theo giấy chứng nhận đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp (trừ trường hợp thủy sản do tàu cá nước ngoài thực hiện đánh bắt, chế biến trên biển bán trực tiếp cho Việt Nam).

Hiền Minh

Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/trien-khai-cong-tac-truy-xuat-nguon-goc-thuc-pham-bao-ve-suc-khoe-kinh-doanh-trong-cac-doanh-nghiep-duoc-nha-thuoc-tren-tren-dia-ban-tinh-phu-tho-nam-2023-a24545.html