STNN - Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với đới gió đông trên cao nên từ hôm nay (13/10) đến sáng 15/10 khu vực Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện Kỳ Anh, bị ngập cục bộ, sạt lở…
Đêm qua và sáng sớm nay (13/10), lượng mưa khu vực các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Hương Khê phổ biến từ 50 - 78mm, riêng Bàn Nước (Cẩm Xuyên) 102mm, các khu vực khác phổ biến từ 10 - 30mm.
Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh cảnh báo: Ngày 15/10 mưa có xu hướng giảm hơn về lượng tuy nhiên một số khu, chủ yếu ở vùng đồng bằng ven biển vẫn còn có mưa to. Từ ngày 16/10, mưa lớn ở khu vực Hà Tĩnh có khả năng còn kéo dài và diễn biến phức tạp. Lượng mưa phổ biến 150 - 350mm, có nơi trên 400mm. Nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở khu vực vùng núi và ngập úng vùng thấp trũng. Trên các sông ở khu vực Hà Tĩnh có khả năng xuất hiện một đợt lũ, đỉnh lũ khả năng ở mức báo động 1 đến báo động 2. Đề phòng mưa với cường độ lớn trong thời gian ngắn gây ngập úng ở các khu đô thị. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Mưa lớn kéo dài đã khiến một số tuyến đường trên địa bàn huyện Kỳ Anh bị sạt lở, ngập sâu khiến giao thông bị chia cắt. Cụ thể, mưa lớn khiến một số tuyến đường dân sinh ở xã Kỳ Tây bị ngập lụt, tỉnh lộ 551 qua địa phận thôn Nam Phong (xã Kỳ Phong, Kỳ Anh) bị sạt lở khiến đất đá tràn xuống đường, gây ách tắc giao thông. Dự báo sau ngày 17/10, mưa lớn còn tiếp tục kéo dài và diễn biến phức tạp.
Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, để đảm bảo an toàn, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng đã cắm biển cảnh báo yêu cầu người dân không được qua lại các đoạn đường bị ngập, sạt lở. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành công điện khẩn để ứng phó với mưa lũ, đồng thời yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa, lũ theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thiệt hại do mưa, lũ gây ra.
Những biện pháp tiên quyết được gửi về các sở, ban, ngành cấp tỉnh nhằm triển khai để ứng phó với mưa lũ bao gồm:
Chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở tuyên truyền đầy đủ thông tin mưa lũ đến các địa phương, đơn vị và người dân được biết; đồng thời, phổ biến, hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng để người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.
Kiểm tra, rà soát tất cả các vị trí có nguy cơ cao về lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt sâu để kịp thời thông báo cho người dân chủ động, phòng tránh. Tổ chức rà soát các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để sẵn sàng sơ tán đến nơi an toàn. Chủ động lực lượng, phương tiện di dời các hộ dân tại các khu vực nguy hiểm nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Hướng dẫn người dân chủ động dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu để đề phòng mưa, lũ gây ngập lụt chia cắt kéo dài.
Triển khai phương án đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến giao thông trọng điểm, các tuyến đường đang thi công, đề phòng mưa lớn gây sạt lở, làm ách tắc; cử người trực và hướng dẫn tại các khu vực xung yếu, như: ngầm qua suối, đường bị ngập, đò ngang, đò dọc... nghiêm cấm vớt củi, đánh bắt cá ở những khu vực lũ lụt để đảm bảo an toàn cho người dân; tránh lơ là, chủ quan trong mưa, lũ để xảy ra những tai nạn chết người do bất cẩn. Căn cứ tình hình mưa lũ xảy ra trên địa bàn, chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn (trong trường hợp cần thiết).
Hoàng Nghĩa
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/mua-lon-keo-dai-o-ha-tinh-khien-mot-so-tuyen-duong-bi-ngap-cuc-bo-sat-lo-a24736.html