STNN - Vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Công điện số 973/CĐ-TTg của Chính phủ về việc tập trung ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng thành bão và mưa lũ; gửi tới các UBND tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của cơn bão số 5; đồng thời gửi tới các bộ, ban, ngành có liên quan trong việc phòng tránh, giảm thiểu và ứng phó kịp thời với các sự cố; chuẩn bị kỹ lưỡng cho công tác tìm kiếm cứu nạn.
Công điện nêu rõ từ ngày 10 tháng 10 năm 2023 đến nay, tại khu vực miền Trung đã liên tiếp xảy ra các đợt mưa lớn kéo dài, nhất là tại Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, tổng lượng mưa nhiều nơi đã vượt trên 1000 mm, đặc biệt tại Thành phố Đà Nẵng có nơi trên 1200 mm. Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, các bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương đã chủ động, quyết liệt chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với mưa lũ từ sớm, kịp thời. Tuy nhiên, mưa lớn dồn dập kéo dài, vượt quá khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng nên tại nhiều nơi xảy ra ngập lụt sâu trên diện rộng, nhiều tuyến đường bị sạt lở, chia cắt giao thông, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân và đã xảy ra một số trường hợp thiệt hại về người do lũ cuốn, tàu thuyền đánh bắt thủy sản bị chìm.
Trong công điện, Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất đến thân nhân các gia đình có người bị nạn do thiên tai, chia sẻ với những khó khăn, mất mát của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương vùng lũ.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến ngày 20 tháng 10 năm 2023, khu vực Trung Bộ chịu ảnh hưởng của tổ hợp các hình thái thời tiết xấu, áp thấp nhiệt đới ngoài khơi vùng biển Trung Trung Bộ có khả năng mạnh lên thành bão trong 24 giờ tới, gây gió mạnh, sóng lớn trên biển và ven biển khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định, sau đó có thể ảnh hưởng đến khu vực Vịnh Bắc Bộ, đồng thời tiếp tục gây mưa lớn trên diện rộng, nguy cơ ngập sâu trở lại tại các khu vực thấp trũng, ven sông suối và đô thị miền Trung, nhất là từ Quảng Bình đến Quảng Nam, sạt lở đất, lũ quét tại vùng núi.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó mưa lũ, áp thấp nhiệt đới, bão nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, không được để xảy ra thiệt hại về người do lơ là, chủ quan, bị động, bất ngờ trong chỉ đạo, ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân và nhà nước, trong đó tập trung một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, nhất là mưa lũ, áp thấp nhiệt đới, bão, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét để chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả, phù hợp với tình hình và điều kiện cụ thể tại địa phương, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, nhất là những người yếu thế, học sinh, trong đó:
a) Tập trung kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền, phương tiện còn hoạt động trên biển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú, triển khai ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển, ven biển và tại nơi tránh trú.
b) Tiếp tục rà soát, kiên quyết tổ chức sơ tán các hộ dân ở khu vực nguy hiểm để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, nhất là các hộ dân tại khu vực bị ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét.
c) Chỉ đạo dự trữ lương thực, thực phẩm đề phòng mưa lũ gây chia cắt kéo dài nhiều ngày; chủ động đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân tại các vùng bị ngập lũ, vùng có nguy cơ bị chia cắt kéo dài; kịp thời tổ chức cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ khó khăn, hộ có nguy cơ thiếu đói, nhất là các hộ phải sơ tán, hộ ở nơi bị ngập sâu, không được để người dân bị đói, rét.
d) Chỉ đạo bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát chặt chẽ, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông qua các ngầm tràn, khu vực bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn.
đ) Chỉ đạo, triển khai các biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm an toàn hồ đập, đê điều, hạn chế thiệt hại đối với các công trình cơ sở hạ tầng, nhất là công trình y tế, giáo dục, giao thông, thủy lợi.
e) Tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình bị thiệt hại, nhất là những gia đình có người bị chết, mất tích; huy động các lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường, khôi phục các tuyến giao thông, công trình hạ tầng thiết yếu và sản xuất ngay sau thiên tai.
10. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan khảo sát thực tế, nghiên cứu, đánh giá cụ thể nguyên nhân và có phương án khắc phục tình trạng ngập úng khi mưa lớn, hạn chế thiệt hại, ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân.
Chi tiết công điện. Xem tại đây.
Vân Quỳnh
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/tap-trung-ung-pho-ap-thap-nhiet-doi-co-kha-nang-thanh-bao-a24929.html