Cà Mau bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản

STNN - Tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu đến năm 2030 nguồn ô nhiễm, chất thải từ các hoạt động thủy sản được điều tra, đánh giá, quản lý và kiểm soát; chấm dứt việc sử dụng các loại hóa chất độc hại trong nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm nguồn nước và làm suy giảm đa dạng sinh học.

STNN - Nhằm kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm trong các hoạt động thủy sản, UBND tỉnh Cà Mau vừa ban hành kế hoạch thực hiện Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021 - 2030.

Tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu đến năm 2030 nguồn ô nhiễm, chất thải từ các hoạt động thủy sản được điều tra, đánh giá, quản lý và kiểm soát; chấm dứt việc sử dụng các loại hóa chất độc hại trong nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm nguồn nước và làm suy giảm đa dạng sinh học.

Theo đó, tỉnh sẽ tập trung xử lý các vấn đề môi trường trong hoạt động thủy sản; tăng cường năng lực phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ sự cố môi trường trong ngành thủy sản. Khai thác hiệu quả hoạt động của mạng lưới quan trắc môi trường phục vụ quản lý ngành thủy sản và cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường thủy sản; tích hợp các nguồn quan trắc vào cơ sở dữ liệu môi trường của bộ, quốc gia.

Đồng thời, giai đoạn từ nay đến năm 2023, tỉnh Cà Mau sẽ triển khai các biện pháp để bảo vệ môi trường sống các loài thủy sinh, phục hồi hệ sinh thái quan trọng đối với nguồn lợi thủy sản được triển khai hiệu quả, góp phần ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học; thực hiện cụ thể hóa kế hoạch hành động của Trung ương về bảo tồn, bảo vệ và tái tạo một số loài thủy sản ưu tiên bảo vệ trên địa bàn tỉnh.

Cà Mau có gần 300.000 ha nuôi trồng thủy sản
Cà Mau có gần 300.000ha nuôi trồng thủy sản (nguồn: CTTĐT tỉnh Cà Mau)

Đề án đặt mục tiêu: 100% cán bộ, công chức, viên chức ngành thủy sản; 100% doanh nghiệp thủy sản; trên 50% ngư dân, 100% hộ nuôi trồng thủy sản thâm canh, siêu thâm canh được tập huấn, phổ biến pháp luật, kế hoạch bảo vệ môi trường ngành thủy sản. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và đẩy mạnh giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; duy trì mức tăng hàng năm 08% diện tích nuôi trồng thủy sản áp dụng quy trình thực hành nuôi trồng thủy sản tốt và bền vững. Mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong chuỗi giá trị thủy sản được nghiên cứu, áp dụng và từng bước được nhân rộng.

Cà Mau luôn dẫn đầu cả nước về diện tích nuôi trồng và sản lượng nuôi trồng thủy sản, diện tích nuôi trồng thủy sản lên đến hơn 300.000ha.

Theo kết quả điều tra, đánh giá ô nhiễm đất tỉnh Cà Mau, khu vực nuôi trồng thủy sản có dấu hiệu ô nhiễm chỉ tiêu chất hữu cơ. Cụ thể, diện tích đất bị ô nhiễm 66,21ha, gồm khu vực nuôi trồng thủy sản ở các huyện: Phú Tân, Đầm Dơi, Cái Nước và thành phố Cà Mau. Diện tích đất cận ô nhiễm 76,01ha, gồm khu vực nuôi trồng thủy sản các huyện: Thới Bình, Cái Nước, U Minh, Năm Căn, Trần Văn Thời, Đầm Dơi.

Để phòng ngừa, giải quyết và khắc phục tình trạng ô nhiễm, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này đề xuất thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cân đối, hợp lý và hiệu quả; Xử lý nước thải bằng ao sinh học; Tuyên truyền, giáo dục trong bảo vệ môi trường và Kiểm tra, giám sát.

Sở TN&MT tỉnh Cà Mau cũng đề nghị lồng ghép bảo vệ môi trường trong các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhằm tránh bố trí những loại hình sử dụng đất có thể làm suy thoái và ô nhiễm môi trường.

Nguồn: CTTĐT Bộ TN&MT

Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/ca-mau-bao-ve-moi-truong-trong-nuoi-trong-thuy-san-a24948.html