Chuyển từ nhóm A sang nhóm B, bệnh Covid-19 vẫn cần được phòng ngừa

STNN - Chuyển sang nhóm B, Covid-19 vẫn có thể tiếp tục có những biến đổi; do vậy, vẫn cần phải giám sát trên ca bệnh, đồng thời giám sát lồng ghép với bệnh truyền nhiễm khác ví dụ như các ổ dịch đường hô hấp cấp hiện hành để theo dõi.

STNN - Với tinh thần như vậy, tại cuộc họp báo chiều ngày 20/10 do Bộ Y tế tổ chức, các chuyên gia khuyến cáo người dân vẫn nên tiếp tục thực hiện 2K (Khẩu trang - Khử khuẩn). Đeo khẩu trang ở nơi đông người, địa điểm công cộng không chỉ để phòng bệnh Covid-19, mà còn phòng các bệnh truyền nhiễm khác.

Giáo sư Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng tại buổi họp báo.
GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng tại buổi họp báo.

Tại đây, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) chia sẻ, trong năm 2023, số ca mắc Covid-19 đã giảm 82 lần so với năm 2022; tỷ lệ tử vong trên số ca mắc là 0,022, giảm gần 100 lần so với năm 2021.

"Chuyển sang nhóm B, Covid-19 vẫn có thể tiếp tục có những biến đổi; do vậy, vẫn cần phải giám sát trên ca bệnh, đồng thời giám sát lồng ghép với bệnh truyền nhiễm khác ví dụ như các ổ dịch đường hô hấp cấp hiện hành để theo dõi", theo ông Lân.

Từ góc độ của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục này khuyến cáo: Sau khi Covid-19 được chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, thì vẫn sẽ còn những trường hợp nặng, do vậy, phác đồ điều trị vẫn được duy trì theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế vào tháng 6/2023. Trong đó, đã cập nhật những chỉ định điều trị, cũng như những phương án quản lý bệnh nhân, đáp ứng theo tình hình dịch.

Cũng tại đây, các chuyên gia y tế cho biết, ngay sau khi có sự chuyển dịch mức độ bệnh Covid-19 từ A sang B, một số bệnh viện điều trị Covid-19 đã và đang rục rịch được giải thể như Bệnh viện Điều trị người bệnh Covid-19 (gọi tắt là Bệnh viện Covid-19) trực thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đặt tại quận Hoàng Mai, Hà Nội chẳng hạn. Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho biết, hiện nay, Bệnh viện Covid-19 đã giải thể và được xem xét chuyển đổi công năng, tiếp nhận bệnh nhân bình thường để tận dụng cơ sở hạ tầng hiện có. “Thực tế, cơ sở dã chiến có điều kiện khác, do vậy, khi chuyển thành cơ sở điều trị đòi hỏi có thêm nhiều yêu cầu và đáp ứng phải được quy định của pháp luật", ông Khoa nói.

Cũng theo ông Khoa, với Bệnh viện dã chiến 13 tại Bình Chánh (TP.HCM), Sở Y tế TP.HCM vẫn đang duy trì và sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân trong trường hợp dịch Covid-19 quay trở lại, hoặc có những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện. Tuy nhiên, sau khi đánh giá lại tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn, Sở và Bộ Y tế cũng sẽ xem xét giải thể, chuyển đổi công năng của cơ sở này.

Quang cảnh cuộc họp báo
Quang cảnh cuộc họp báo

Sau khi có sự chuyển dịch nói trên, đại diện Bộ Y tế cho biết, từ ngày 20/10, sẽ không thực hiện chi trả chế độ phòng chống dịch với người tham gia chống dịch.

Liên quan đến tiêm phòng vaccine Covid-19, đại diện Bộ Y tế cho biết việc tiêm vaccine Covid-19 vẫn cần tiếp tục được theo dõi. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện chưa có khuyến cáo tiêm vaccine Covid-19 hàng năm, tuy nhiên dựa trên những yếu tố thực tiễn như biến chủng mới sẽ có khuyến cáo mới tiếp theo, Bộ Y tế đã có kế hoạch sử dụng vaccine Covid-19 của năm 2023, hiện việc tiêm chủng vẫn thực hiện miễn phí.

NK

Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/chuyen-tu-nhom-a-sang-nhom-b-benh-covid-19-van-can-duoc-phong-ngua-a24999.html