Nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành kế hoạch thực hiện với mục tiêu tổng quát là: Tận dụng hiệu quả nguồn lực sẵn có của địa phương phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa theo chuỗi liên kết, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới.
Kế hoạch cũng xác định một số mục tiêu cụ thể đến năm 2025 như: giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân trên 4%/năm; tỷ lệ che phủ rừng trên 60%, có trên 84 xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân 120 triệu đồng/ha/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân giai đoạn 2021 - 2025 từ 2-2,5%/năm.
Để thực hiện được các mục tiêu trên, kế hoạch cũng đề ra nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để tổ chức thực hiện. Cụ thể là: nâng cao nhận thức về nông nghiệp, nông dân, nông thôn: xác định rõ vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Coi phát triển sản xuất nông nghiệp là then chốt, xây dựng nông thôn mới là căn bản, nông dân giữ vai trò chủ thể trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh liên kết giữa các khâu trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị một cách bền vững. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Tăng cường hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; chú trọng xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, xúc tiến thương mại, quảng bá nông sản; nâng cao năng suất lao động, nâng cao giá trị gia tăng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.
Xây dựng nông thôn mới toàn diện, đi vào chiều sâu gắn với công nghiệp hóa nông nghiệp, đô thị hóa nông thôn. Nâng cao chất lượng các tiêu chí đáp ứng tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, nhất là các tiêu chí về nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, đảm bảo an ninh xã hội nông thôn, nhất là ở các vùng xâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bảo vệ tài nguyên, môi trường, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Nghiên cứu, ban hành chính sách phù hợp để hộ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp tích tụ đất đai hình thành vùng sản xuất, chế biến tập trung, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất; thực hiện có hiệu quả chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh phát triển các hình thức tổ chức sản xuất như kinh tế hợp tác xã, tổ hợp tác, kinh tế trang trại, gia trại.
Thực hiện có hiệu quả các giải pháp đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động để tăng năng suất lao động nông nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp ở nông thôn. Thúc đẩy chuyển giao tiến bộ và ứng dụng khoa học công nghệ mới vào nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường nông sản, tăng sức cạnh tranh; thúc đẩy các hoạt động hợp tác đối với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với hội nhập và hợp tác quốc tế.
Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước và dịch vụ công, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Rà soát, nghiên cứu ban hành chính sách thu hút nguồn nhân lực có năng lực, trình độ về làm việc ở nông thôn, đặc biệt đối với lực lượng trí thức trẻ để phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Nguồn: Báo Tuyên Quang
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/tuyen-quang-day-manh-phat-trien-nong-nghiep-nong-thon-nang-cao-doi-song-nong-dan-a2518.html