Tác động của canh tác nông nghiệp và biến đổi môi trường đến quần xã tuyến trùng thực vật trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng tại Lâm Đồng

STNN - Nhóm tuyến trùng gây hại, đặc biệt gây hại cho cây cà phê và cây rau, là nhóm tuyến trùng sần rễ và tuyến trùng nội ký sinh di chuyển.

STNN - Nghiên cứu "Tác động của canh tác nông nghiệp và biến đổi môi trường đến quần xã tuyến trùng thực vật trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng tại Lâm Đồng" được thực hiện bởi TS. Trịnh Quang Pháp từ đầu năm 2021 đến cuối năm 2022 và được chủ trì bởi Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật.

Tác động của canh tác nông nghiệp và biến đổi môi trường đến quần xã tuyến trùng thực vật trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng tại Lâm Đồng
Thu mẫu tuyến trùng tại Lâm Đồng - Nguồn: Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.

Mục tiêu của nghiên cứu là xác định thành phần loài tuyến trùng ký sinh thực vật tại các điểm điều tra tại Lâm Đồng và xây dựng mô hình chuyển dịch sinh thái của các nhóm tuyến trùng ký sinh trên cây trồng.

Kết quả chính của nghiên cứu cho thấy, đã ghi nhận 38 loài và 23 loài ghi nhận đầu tiên cho Lâm Đồng. Đề tài đã hoàn thành 100 tiêu bản của 38 loài và đã đăng ký 07 trình tự DNA (D2D3, ITS và 18S) của 4 loài tuyến trùng thực vật trên GenBank.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nhóm tuyến trùng quan trọng có khả năng gây hại đối với cây trồng là nhóm tuyến trùng sần rễ và tuyến trùng nội ký sinh di chuyển, đặc biệt gây hại cho cây cà phê và cây rau.

Các yếu tố về lý hóa đất ảnh hưởng tới tuyến trùng như pH, chỉ số OM và dung trọng đất là tương quan chặt nhất đối với mật độ tuyến trùng trong đất của các nhóm tuyến trùng sần rễ và tuyến trùng nội ký sinh di chuyển. Thành phần tuyến trùng khá tương đồng nhau không có sự khác biệt rõ rệt giữa 3 huyện Đơn Dương, Di Linh và Đức Trọng. Yếu tố cây chủ cây rau là yếu tố mẫn cảm nhất đối với tuyến trùng nhóm tuyến trùng sần rễ và tuyến trùng nội ký sinh di chuyển.

Kết quả nghiên cứu đã cung cấp dữ liệu quan trọng cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng để đưa ra dự báo, là cơ sở định hướng cho địa phương trong việc phát triển cây trồng và phát triển vùng kinh tế. Kết quả cũng giúp nhận biết các loài tuyến trùng có khả năng gây hại và dự đoán khả năng bùng phát của từng loài. Hơn nữa, yếu tố về đất như tăng pH, hàm lượng hữu cơ và dung trọng đất cũng được quan tâm trong quá trình canh tác và phòng trừ dịch hại giảm thiểu thuốc hóa học trong nông nghiệp.

Với những đóng góp mới, nghiên cứu đã ghi nhận 3 loài tuyến trùng thực vật lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam và 1 loài tuyến trùng ký sinh gây bệnh côn trùng có khả năng sử dụng trong phòng trừ tổng hợp dịch hại nông nghiệp. Nghiên cứu cũng đã phân tích và đưa ra dự báo về khả năng bùng phát dịch của nhóm tuyến trùng tại Lâm Đồng, góp phần quan trọng trong quyết định định hướng vùng sản xuất cây trồng trong tương lai của các nhà quản lý.

Nghiên cứu này đóng góp quan trọng cho việc hiểu rõ hơn về tác động của canh tác nông nghiệp và biến đổi môi trường đến quần xã tuyến trùng thực vật trong quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng tại Lâm Đồng. Kết quả và những kiến nghị của nghiên cứu này có thể được áp dụng để phát triển các biện pháp quản lý và canh tác bền vững, góp phần vào phát triển nông nghiệp và bảo vệ môi trường ở khu vực nghiên cứu cũng như các vùng có điều kiện địa lý và khí hậu tương tự.

Hoàng Hà

Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/tac-dong-cua-canh-tac-nong-nghiep-va-bien-doi-moi-truong-den-quan-xa-tuyen-trung-thuc-vat-trong-chuyen-dich-co-cau-cay-trong-tai-lam-dong-a25358.html