STNN - Tiếp nối các lần tổ chức trước, Cuộc thi tiếp tục tìm kiếm, phát hiện, ươm mầm và trao giải cho các dự án xuất sắc, giúp hiện thực hóa các dự án, ý tưởng đó trở thành các doanh nghiệp phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp.
“Tìm kiếm, tuyển chọn và ươm tạo các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” là hoạt động được tổ chức thưởng niên do Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao và Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp tổ chức. Năm 2017, sự kiện được tổ chức lần đầu tiên, là chương trình đầu tiên dành riêng cho cộng đồng khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.
Trải qua 6 năm tổ chức, hoạt động đã lan tỏa và thu hút hơn 100.000 lượt quan tâm theo dõi và có gần 500 dự án đăng ký tham gia, trong đó, đã hỗ trợ ươm tạo và thương mại hóa sản phẩm cho hơn 35 doanh nghiệp với hơn 120 sản phẩm trên thị trường.
Hiện nay, do tình hình đô thị hóa diễn ra với tốc độ nhanh khiến đất đai nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, ngành nông nghiệp đang dần dịch chuyển theo hướng nông nghiệp đô thị. Vì vậy, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất các giống cây trồng là phương án tối ưu nhất.
Tiếp nối thành công của các lần tổ chức trước, Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao tiếp tục triển khai dự án năm 2023 với chủ đề “Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”.
Mục tiêu của dự án nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh - thành phố khởi nghiệp cho giới trẻ; khuyến khích và khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo trong cộng đồng trí thức trẻ; hỗ trợ phát triển ý tưởng thành sản phẩm có tiềm năng thương mại hóa, hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng khả năng kết nối các nguồn lực cho hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Sự kiện năm nay sẽ tập trung hướng đến phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững; chú trọng các dự án ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp, các dự án về bảo quản và chế biến sau thu hoạch, các dự án ứng dụng IoT trong nông nghiệp.
Trong suốt 5 tháng diễn ra, sự kiện đã nhận được nhiều sự hưởng ứng, ủng hộ nhiệt tình, với các con số ấn tượng, theo thống kê có: hơn 15.000 lượt quan tâm, theo dõi; gần 80 dự án đăng ký tham gia; 50 dự án đã được chọn để bước tiếp vào vòng bán kết; kết quả có 25 dự án tốt nhất tham gia tranh tài tại vòng cuối.
Các dự án tham gia vòng chung kết gồm có:
Xơ mướp – Vật liệu xanh
LOTUSLEEP – Phim ngậm hỗ trợ giấc ngủ tự nhiên từ tim sen và thảo mộc Việt Nam
Sài Gòn TCS – Nhang lúa bảo vệ hốc mũi
THE POLAFOAM – Mỹ phẩm thiên nhiên dầu dừa
PAGO APP - Ứng dụng quản lý trang trại công nghệ cao hướng tới Net Zero
Rượu vang cà phê Việt Nam – Tận dụng phần thịt quả cà phê khi chế biến cà phê nhân để lên men thành rượu vang cà phê Việt Nam
YersinFarm – Mô hình nông nghiệp tuần hoàn ứng dụng trong nuôi trồng các loại nấm quý có giá trị kinh tế cao (Nấm Linh Chi, nấm mối đen, nấm Hầu Thủ, nấm Thái Dương…) và các loại thảo dược (hương thảo, bạc hà) quản lý kiểm soát năng suất, rủi ro an toàn sinh học bằng công nghệ IoT.
Green Dream Farm – Nghiên cứu sâu các bệnh hại và nhân nuôi cấy meo Nấm rơm, nấm mối giống F1 chuẩn và nhiều loại nấm khác.
Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Tuần Hoàn Việt Nam – Ứng dụng công nghệ sấy khô đông vào chế biến các sản phẩm từ dừa bản địa.
Nano Silver – Sản phẩm xanh phục vụ nông nghiệp bền vững.
7 đội thi xuất sắc đạt được các giải thưởng
01 Giải Nhất thuộc về dự án “Nhang lúa” của Công ty TNHH Sài Gòn TCS. Sản phẩm sử dụng nguyên liệu chính là rơm lúa (chiếm 90%) và cây bời lời; kết hợp với việc sử dụng công nghệ vi sinh nhằm tạo ra mùi hương trung tính, dễ chịu. Đồng thời, áp dụng kỹ thuật nén chặt và sấy bằng sóng hồng ngoại, tẩm tinh dầu qua công nghệ đồng hóa nano để tạo ra hương thơm. Theo Trung tâm Khoa học Công nghệ Dược Sài Gòn (Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh) kiểm định có tác dụng diệt một số chủng vi khuẩn gây bệnh cho đường hô hấp như Staphylococcus aureus.
01 Giải Nhì được trao cho dự án “Rượu vang cà phê Việt Nam” của Công ty TNHH Vang Bảo Ngọc. Công ty sử dụng vỏ cà phê có tính axit để điều chỉnh độ pH trong quá trình lên men, thay cho hóa chất công nghiệp. Trong vỏ cà phê có chứa polyphenol giúp phòng ngừa ung thư, giảm nguy cơ xảy ra các bệnh về tim mạch, tăng cường hệ miễn dịch. Nhóm nghiên cứu đã tận dụng được phần thải bỏ sau khi chế biến cà phê nhân, để lên men thành rượu vang; vừa tận dụng được thụ phẩm nông nghiệp giúp bảo vệ môi trường, vừa có thể sáng tạo được sản phẩm giá trị kinh tế.
02 Giải Ba lần lượt thuộc về hai dự án: “Green Dream Farrm” - Nghiên cứu các sâu bệnh hại và nhân nuôi cấy men nấm rơm và các loại nấm khác của Công ty TNHH PCL Én Việt, và dự án “PAGO APP - Ứng dụng quản lý trang trại công nghệ cao hướng tới Net Zero” của Công ty TNHH UTAGRI.
03 Giải Khuyến khích, thuộc về các dự án: "Xơ mướp - Vật liệu xanh” và "LOTUSLEEP - Phim ngậm hỗ trợ giấc ngủ tự nhiên từ tim sen và thảo mộc Việt Nam” của hai nhóm sinh viên Trường Đại học Công Thương TP.HCM; và Dự án "Ứng dụng công nghệ sấy khô đông vào chế biến các sản phẩm từ dừa bản địa” của Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm tuần hoàn Việt Nam.
Ngoài ra, BTC còn tiến hành trao các giải phụ khác như: dự án được yêu thích nhất, dự án thuyết trình ấn tượng nhất, dự án có tính ứng dụng cao.
Theo đó, các dự án đạt giải cao sẽ được ưu tiên xem xét, lựa chọn tham gia chương trình ươm tạo doanh nghiệp tại Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao và tham gia chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM với số tiền hỗ trợ lên đến 2 tỷ đồng/dự án.
Đồng thời, các dự án đoạt giải đều được hỗ trợ các chi phí về cơ sở vật chất phục vụ cho việc triển khai dự án; được nhận tư vấn từ các chuyên gia để hoàn thiện ý tưởng kinh doanh cũng như quy trình công nghệ, nghiên cứu thị trường; được tham gia đào tạo nghiệp vụ về quản trị doanh nghiệp, sở hữu trí tuệ; và nhận được hỗ trợ về vấn đề quảng bá và thương mại hóa sản phẩm.
Vân Quỳnh