STNN – Đối với hiện trạng môi trường chịu tác động tiêu cực từ chất thải nhựa được nêu ra ở kỳ trước, bài viết kỳ này sẽ đề xuất một số giải pháp nhằm giảm thiểu những tác động của chất thải nhựa tới môi trường cũng như những bước đi trong thực tế mà Việt Nam đã thực hiện được.
Một trong những vấn đề lớn khiến số lượng chất thải nhựa khổng lồ làm ảnh hưởng tới tình trạng môi trường là việc thu gom và xử lý không hiệu quả. Lượng chất thải nhựa không được xử lý đúng cách sẽ lan ra môi trường, gây ô nhiễm và làm mất mỹ quan cảnh quan tự nhiên, đồng thời lượng rác thải ấy có thể gây hại cho sức khỏe con người thông qua quá trình hô hấp các khí độc từ việc đốt cháy và tiêu thụ thức ăn và nước uống chứa chất thải nhựa.
Quá trình giải quyết vấn đề này cần có sự quan tâm, tham gia và hỗ trợ từ cả cộng đồng cũng như một lộ trình, giải pháp rõ ràng.
Trong đó, những biện pháp cốt lõi cần được chú trọng nhất là việc phân loại chất thải tại nguồn đi đôi với xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng cường thu gom và xử lý chất thải nhựa đã phân loại để nâng cao hiệu quả của việc phân loại chất thải tại nguồn, giảm tiêu thụ sản phẩm nhựa và khuyến khích tái chế chất thải nhựa.
Phân loại rác từ đầu nguồn là biện pháp chia rác thải ra thành các loại khác nhau dựa trên các đặc tính của chúng để dễ dàng trong công tác xử lý hoặc tái chế. Biện pháp này nhằm tách rác có giá trị tái chế tạo nguồn, góp phần tạo nguồn nguyên liệu cho hoạt động tái chế và giảm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được chôn lấp. Song, biện pháp cũng vướng phải những khó khăn nhất định như hệ thống công trình hạ tầng đô thị chưa phát triển đồng bộ, trình độ và năng lực quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu để thực hiện biện pháp này nên trên phần lớn địa phương, phân loại tác thải từ đầu nguồn chỉ được thực hiện như một biện pháp mang tính thử nghiệm, chưa đồng bộ và chính thức hóa.
Việc hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần có thể được thực hiện ngay trong cuộc sống hằng ngày của người tiêu dùng như ưu tiên chọn các vật dụng bằng vật liệu thân thiện với môi trường có thể sử dụng nhiều lần.
Tái sử dụng đồ nhựa là biện pháp đi đôi với hạn chế sử dụng đồ nhựa. Đây là biện pháp được rất nhiều cơ quan môi trường khuyến khích và khuyên người dân nên làm, thay vì dùng một lần và bỏ, người dân có thể tái chế vật dụng bằng nhựa một cách đơn giản với chi phí rẻ và sử dụng cho những mục đích khác.
Bên cạnh những giải pháp cốt lõi như xử lý chất thải nhựa một cách bền vững, giảm sử dụng nhựa một lần và tăng cường tái chế, người dân cần suy xét đến những biện pháp riêng biệt nhằm xử lý những kiểu hình môi trường tự nhiên khác nhau.
Trong môi trường đất, để giảm thiểu tác động của chất thải nhựa, việc áp dụng kỹ thuật quản lý đất bền vững, hạn chế việc sử dụng đồ nhựa trong nông nghiệp cũng như khuyến khích sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường là những giải pháp quan trọng để bảo vệ môi trường đất khỏi chất thải nhựa.
Trong môi trường không khí, để giảm thiểu tác động của chất thải nhựa, cần hướng đến những giải pháp như áp dụng công nghệ xanh (công nghệ chuyên cung cấp các chế phẩm hỗ trợ vừa mang lại lợi ích kinh tế vừa tránh gây hại tới môi trường) cũng như những quy trình sản xuất sạch sẽ.
Với môi trường nước, ngoài những biện pháp cốt lõi được nêu ở trên, cần tăng cường quản lý chất thải, đặc biệt là quá trình rửa sạch và phân loại chất thải trước khi xả vào hệ thống thoát nước, đồng thời tăng cường giáo dụng, nâng cao nhận thức cộng đồng là những biện pháp cần thiết để thúc đẩy nhận thức về vấn đề ô nhiễm nhựa, khuyến khích hành động bảo vệ môi trường nước.
Việt Nam và những ứng phó với ô nhiễm chất thải nhựa
Với nhận thức về tính cấp bách của việc giảm thiểu ô nhiễm chất thải nhựa, Việt Nam đã trở thành một thành viên tích cực và có trách nhiệm của Liên hợp quốc trong việc giảm thiểu chất thải nhựa để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, môi trường và đại dương. Việt Nam nỗ lực đẩy mạnh sự hợp tác sâu rộng với các tổ chức quốc tế, các nước với Việt Nam nhằm thúc đẩy hình thành khuôn khổ hợp tác khu vực và toàn cầu về phòng, chống, giảm thiểu rác thải nhựa. Đồng thời, Chính phủ và các cơ quan liên quan đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật, đề án và kế hoạch để thực thi nhiều chiến lược nhằm giảm thiểu rác thải nhựa và bảo vệ môi trường.
Năm 2020, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường 2020 được nhiều bên chung tay hưởng ứng nhằm bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng ban hành nhiều văn bản pháp lý với phương hướng phát triển lâu dài như Chiến lược quốc gia về Quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Chỉ thị số 33/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Kế hoạch hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 1316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam; Kế hoạch hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030,…
Minh Huyền
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/giam-tac-dong-cua-chat-thai-nhua-toi-moi-truong-ky-2-a25639.html