Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp là hướng đi tất yếu đảm bảo hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững của ngành nông nghiệp. Để lĩnh vực này phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương, đòi hỏi phải có những giải pháp, chính sách mang tính đột phá hơn.
Từ thực tiễn này, Hội thảo khoa học “Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp” được tổ chức sáng 04/12 tại Bà Rịa – Vũng Tàu là cơ hội để các chuyên gia – nhà khoa học – nhà quản lý – doanh nghiệp trao đổi thảo luận và đề xuất các giải pháp triển khai ứng dụng thực tế nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.
Hướng đi tất yếu
Phát biểu tại Hội thảo, ông Mai Thanh Quang, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản phẩm hàng hóa và sử dụng có hiệu quả trên diện tích đất nông nghiệp là bước phát triển tất yếu của ngành nông nghiệp cả nước nói chung và của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng.
Theo Quyết định 575/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã quy hoạch một số vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tập trung vào các đối tượng: Rau, hoa, cà phê, chè, thanh long, bò sữa, bò thịt, gia cầm, tôm. Còn tại Quyết định 66/2015/QĐ-TTg ngày 25/12/2015, Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh có thẩm quyền công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến năm 2017 đã có 1 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, thực hiện Đề án 04-ĐA/TU ngày 28/7/2017 của Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, tỉnh đang xây dựng 2 khu nông nghiệp và 7 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tính đến tháng 11/2020, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có 62 cơ sở sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, với tổng diện tích 2.726 ha, ước năm 2020 cung cấp ra thị trường trên 31 ngàn tấn sản phẩm, tổng giá trị sản phẩm trồng trọt ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 336 tỷ đồng, chiếm 5,7% giá trị sản phẩm ngành trồng trọt. Các công nghệ đáp ứng chủ yếu như: Nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tiết kiệm, kết hợp điều tiết dinh dưỡng tự động, công nghệ thủy canh, công nghệ Aquaponic, công nghệ theo dõi điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm theo cảm biến, sử dụng điện năng lượng mặt trời…
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp tiêu biểu đã trình bày các báo cáo tham luận về ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp với các nội dung: Phát triển Nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao tại Việt Nam và đề xuất giải pháp triển khai ứng dụng tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Ứng dụng công nghệ vi sinh trong nuôi trồng thủy sản; Nghiên cứu sử dụng ánh sáng chuyên dụng trong nông nghiệp công nghệ cao; Nuôi trồng thủy sản tuần hoàn, chính xác và 4.0: tương lai và cơ hội phát triển bền vững cho ngành nuôi trồng thủy sản Việt nam; hệ sinh thái nông nghiệp thông minh bền vững; các chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp bền vững; bảo quản nông sản bằng kho lạnh kết hợp với điện từ trường; công nghệ truy xuất nguồn gốc.
Đến nay cả nước đã có 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập bao gồm: Khu nông nghiệp công nghệ cao Hậu Giang và Khu nông nghiệp công nghệ cao Phú Yên; 3 địa phương gồm Thái Nguyên, Thanh Hóa, Lâm Đồng đã xây dựng Đề án thành lập khu NNCNC để xem xét tổ chức thẩm định.
PGS.TS. Dương Hoa Xô, Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, nông nghiệp Việt Nam đã không ngừng phát triển, từng bước được hiện đại hóa, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Tuy nhiên, vấn đề phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở nước ta còn một số hạn chế: sản xuất trong nông nghiệp không đồng bộ, giá trị sản xuất nông nghiệp chưa cao, sự gắn kết giữa KH&CN và hoạt động sản xuất kinh doanh còn vướng mắc. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp Việt Nam còn bị tác động mạnh, thách thức của điều kiện ngoại cảnh, các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp còn nhỏ lẻ, phân bố không đều. Công tác triển khai xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thường kéo dài do những chậm trễ liên quan đến công tác quy hoạch, khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng thiếu vốn đầu tư.
Chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế trên, PGS.TS. Dương Hoa Xô nêu: Do quy mô sản xuất nhỏ của nông hộ khiến khó khăn cho việc ứng dụng công nghệ cao và chưa có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp vào mối liên kết giữa nghiên cứu KH&CN và chuyển giao, ứng dụng. Liên kết giữa ba nhà khoa học – doanh nghiệp – nông dân còn yếu và thiếu bền vững, số lượng doanh nghiệp trong nông nghiệp còn ít, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đề xuất, gợi mở nhiều giải pháp
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã giới thiệu nhiều giải pháp mới, được hứa hẹn sẽ tạo cách mạng triệt để trong sản xuất nông nghiệp. Từ thực tế phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Bà Rịa – Vũng Tàu, theo PGS.TS. Dương Hoa Xô để phát triển nông nghiệp công nghệ cao hiệu quả cần phải dựa vào ưu thế nông nghiệp của tỉnh, gắn với sự hợp tác của Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai cũng như thị trường to lớn tại TP. Hồ Chí Minh. Việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải được triển khai một cách đồng bộ và có trọng điểm theo từng giai đoạn. Xác định sản phẩm chủ lực và thị trường kèm theo, từ đó gắn liền với những giải pháp cụ thể.
PGS.TS. Dương Hoa Xô cho rằng cần nhanh chóng hoàn thiện đầu tư các Khu nông nghiệp công nghệ cao do doanh nghiệp chủ trì, đây chính là hạt nhân, đầu mối thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Cần sự tham gia dẫn dắt và chủ lực của một đơn vị nghiên cứu ứng dụng của Nhà nước đầu tư vào trong Khu công nghệ cao. Và có những chính sách ưu đãi đầu tư vào khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
NGND.GS.TS. Nguyễn Quang Thạch, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Sinh học Nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, ánh sáng là yếu tố quyết định đến sự sống, sinh trưởng, phát triển hình thành năng suất và phẩm chất của cây trồng. Việc nghiên cứu chế tạo và quy trình sử dụng đèn chuyên dụng trong nông nghiệp công nghệ cao là một hướng đi mới mẻ đầy triển vọng rất cần tập trung phát triển như một giải pháp quan trọng trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
PGS.TS. Phạm Ngọc Tuấn, Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, hệ thống nuôi trồng thủy sản hiện nay ở nước ta không còn phù hợp vì còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khó kiểm soát và xử lý dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường... Do đó, cần phải có sự thay đổi mang tính cách mạng, chuyển từ hệ thống nuôi thủy sản mở sang nuôi thủy sản kín với chi phí thấp.
ThS. Đặng Hoàng Anh Tuấn, Viện Ứng dụng Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra giải pháp trong bảo quản nông sản bằng kho lạnh kết hợp điện trường. Giải pháp này sẽ làm giảm quá trình mất nước của nông sản bằng cách tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa phân tử nước với các thành phần khác trong cấu trúc của nông sản.Hiệu ứng điện trường các lỗ khí trên bề mặt rau quả được đóng lại, do đó sự bay hơi nước từ nông sản được hạn chế, giúp rau, quả, thịt, cá duy trì được độ tươi…Đây được xem là phương pháp bảo quản nông sản hiệu quả, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và phù hợp với điều kiện hạ tầng của Việt Nam”.
Ông Cao Nhật Anh Tú, Giám đốc Công ty TNHH 4K Farm, TP. Vũng Tàu cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đó là cần sự hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân. Từ đó hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với công nghiệp chế biến, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ sau thu hoạch tạo ra giá trị mới cho nông sản.Từ tháng 4/2020, với quy trình 4K (không thuốc trừ sâu, không chất tăng trưởng, không chất bảo quản, không biến đổi gen), Công ty TNHH 4K Farm đã liên kết với các hộ nông dân trên địa bàn Thị xã Phú Mỹ, Đất Đỏ triển khai trồng rau theo hướng công nghệ cao. Kết quả không chỉ tạo ra chuỗi liên kết trong việc tiêu thụ sản phẩm bền vững, 4K Farm còn triển khai tích hợp tổng thể hệ thống quản lý sản xuất bao gồm: nhật ký điện tử, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, quản lý chất lượng và sản lượng.
“Đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, mã QR code trên bao bì sẽ biết rõ về nguồn gốc rau như nhà màng nào trồng, tên nông hộ, loại giống, ngày gieo, ngày thu hoạch...và có thể đến trực tiếp nơi sản xuất thông qua hệ thống bản đồ, định vị. Với việc ứng dụng CNC, 4K Farm đã mang lại sản phẩm rau an toàn theo tiêu chuẩn 4k, qua đó bảo vệ sức khỏe cộng đồng”, ông Cao Nhật Anh Tú cho biết.
Tại Hội thảo, nhiều vấn đề cũng đã được đưa ra trao đổi thảo luận như: Làm thế nào để kết nối doanh nghiệp, hộ nông dân với các viện trường; công tác quản trị theo công nghệ 4.0 trong tổ chức sản xuất, bảo quản chế biến và tiêu thụ; giải pháp truy xuất nguồn gốc…
Nguồn: Bộ KH&CN
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/ung-dung-cong-nghe-cao-trong-nong-nghiep-can-nhung-giai-phap-but-pha-a2588.html