Khẳng định chất lượng, giá trị gạo Việt Nam

STNN - Gạo Việt Nam vừa đoạt giải nhất tại Hội thi gạo ngon nhất thế giới lần thứ 15 do The Rice Trader tổ chức, trong khuôn khổ Hội nghị thương mại lúa gạo toàn cầu diễn ra tại Cebu, Philippines. Tại cuộc thi này, gạo Campuchia đoạt giải nhì và gạo Ấn Độ đoạt giải ba.

Ảnh minh họa.

Cuộc thi gạo ngon nhất thế giới năm nay có 30 mẫu gạo của hơn 10 quốc gia dự thi, trong đó Việt Nam có 6 loại gạo tham dự của 3 doanh nghiệp, gồm: gạo Lộc Trời 28 và Nàng Hoa 9 của Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời; gạo TBR39-1 và nếp A Sào của Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed; gạo ST 24, ST 25 của doanh nghiệp Hồ Quang-Hồ Quang Trí.

Trước đó, năm 2019, gạo ST 25 cũng đã đoạt giải gạo ngon nhất tại cuộc thi này.

Kết quả trên đã góp phần tôn vinh giá trị hạt gạo Việt Nam hiện tại, đồng thời cũng là sự khẳng định chất lượng, tiềm năng và năng lực phát triển của gạo Việt Nam thời gian tới.

Gạo Việt Nam vừa đoạt giải nhất tại Hội thi gạo ngon nhất thế giới lần thứ 15 do The Rice Trader tổ chức, trong khuôn khổ Hội nghị thương mại lúa gạo toàn cầu diễn ra tại Cebu, Philippines. Kết quả trên đã góp phần tôn vinh giá trị hạt gạo Việt Nam hiện tại, đồng thời cũng là sự khẳng định chất lượng, tiềm năng và năng lực phát triển của gạo Việt Nam thời gian tới.

Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, 11 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt mức kỷ lục 4,41 tỷ USD, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng đang ở mức cao nhất thế giới là 663 USD/tấn gạo 5% tấm; trong khi giá gạo xuất khẩu cùng loại của Thái Lan và Pakistan lần lượt là 625 USD/tấn và 598 USD/tấn.

Có thể thấy, hiện gạo Việt Nam không chỉ chiếm lĩnh thị trường thế giới về sản lượng mà còn dẫn đầu thế giới về giá bán.

Đây là sự chuyển đổi rõ rệt từ “lượng” sang “chất”, là dấu ấn của ngành sản xuất lúa gạo trong tiến trình phát triển theo hướng chất lượng cao, theo chuỗi giá trị khép kín, lấy tăng trưởng xanh làm nền tảng, bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm và thích ứng biến đổi khí hậu.

Mới đây, ngày 27/11/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 1490/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.

Mục tiêu chung của đề án là hình thành một triệu héc-ta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa.

Đến năm 2030, lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu chất lượng cao, phát thải thấp sẽ chiếm hơn 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh. Bên cạnh đó, chúng ta sẽ xây dựng, đề xuất thí điểm chính sách và cơ chế chi trả tín chỉ carbon dựa vào kết quả cho vùng chuyên canh.

Tới đây, từ ngày 11 đến 15/12/2023, tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang sẽ diễn ra Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam-Hậu Giang 2023, là cơ hội giới thiệu tiềm năng, thế mạnh sản xuất, chất lượng hạt gạo và tạo đà thúc đẩy thương mại lúa gạo quốc gia.

Những quyết định và sự kiện quan trọng liên tiếp diễn ra trong ngành lúa gạo vừa qua đã thể hiện sự quan tâm lớn của Nhà nước và các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế đối với ngành hàng nông nghiệp chiến lược của Việt Nam.

Đây chắc chắn sẽ là bệ đỡ cho gạo Việt Nam ngày một nâng cao chất lượng và giá trị trên trường quốc tế; đồng thời tiếp tục giữ vững vai trò quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.

Theo Nhân Dân

Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/khang-dinh-chat-luong-gia-tri-gao-viet-nam-a25951.html