STNN - Đề tài "Nghiên cứu thuốc trừ sâu sinh học" được thực hiện bởi TS. Lê Cảnh Việt Cường và ThS. Bakeo Souvannalath từ ngày 01/4/2020 đến ngày 30/4/2023 tại Viện Nghiên cứu khoa học miền Trung, với sự phối hợp của Viện Khoa học Quốc gia Lào.
Mục tiêu của đề tài nhằm tăng cường hợp tác khoa học giữa hai đơn vị nghiên cứu và hai quốc gia trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, đồng thời xác định loại nấm côn trùng có khả năng diệt sâu hại cây trồng để phát triển thuốc trừ sâu sinh học trong nông nghiệp.
Đề tài đã thu được 20 mẫu châu chấu (Oxya chinensis) hại lúa có dấu hiệu bị nhiễm nấm ở phường Hương Toàn, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế; đã phân lập được 37 chủng vi nấm trên đĩa PDA, trong đó, 12 chủng nấm (NL1-NL12) có đặc điểm hình thái khuẩn lạc khác nhau.
Đồng thời, đề tài đã đánh giá hoạt tính diệt châu chấu (Oxya chinensis), qua đó xác định được các chủng NL3, NL4 và NL12 có tác dụng gây bệnh cao nhất đối với châu chấu non với tỉ lệ chết lần lượt là 87,73%, 89,81%, và 100% sau 15 ngày thử nghiệm; Đã định danh các chủng nấm có hoạt tính cao lần lượt là Aspergillus tamarii, Beauveria bassiana và Metarhizium anisopliae; Đã lên men lượng lớn và khảo sát thành phần hóa học của chủng nấm Aspergillus tamarii NL3, qua đó đã phân lập và xác định cấu trúc hóa học của 5 hợp chất phân lập được gồm: griseofulvin (1), isogriseofulvin (2), cytochalasin J (3), solasonine (4) và solamargine (5).
Đóng góp mới của đề tài là đã phân lập và xác định được ba chủng nấm có hoạt tính diệt sâu hại mạnh (Aspergillus tamarii, Beauveria bassiana và Metarhizium anisopliae) từ mẫu châu chấu hại lúa thu ở Thừa Thiên Huế; Đã phân lập và xác định cấu trúc hóa học 5 hợp chất từ chủng nấm Aspergillus tamarii gồm griseofulvin (1), isogriseofulvin (2), cytochalasin J (3), solasonine (4) và solamargine (5). Đáng chú ý, hợp chất (1)-(4) lần đầu tiên được phân lập từ chi Aspergillus và hợp chất (5) là lần đầu tiên được phân lập từ loài Aspergillus tamarii.
Việc phân lập và xác định cấu trúc hóa học của 5 hợp chất từ chủng nấm Aspergillus tamarii cũng mang lại những thông tin mới về sự đa dạng sinh học và tiềm năng ứng dụng của nấm côn trùng trong lĩnh vực nông nghiệp. Đề tài cũng đã đạt được mục tiêu hợp tác khoa học giữa Viện Nghiên cứu khoa học miền Trung và Viện Khoa học Quốc gia Lào, đóng góp vào việc phát triển nghiên cứu cơ bản và ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp.
Chương Dương
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/viet-lao-hop-tac-nghien-cuu-phat-trien-thuoc-tru-sau-sinh-hoc-tu-nam-con-trung-a26065.html