STNN - Nhiều năm qua, tỉnh Cà Mau ban hành nhiều văn bản, chỉ thị về việc tăng cường quản lý các hoạt động đánh bắt thủy sản có tính hủy diệt, tận diệt. Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc và làm tốt việc tuyên truyền, vận động cho nên phần lớn người dân đồng thuận chung tay góp phần bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đã tuyên bố: “…Địa phương nào trong tỉnh còn để xảy ra tình trạng người dân dùng hóa chất, dùng xung điện để bắt tôm, bắt cá… thì người đứng đầu cấp ủy và chính quyền địa phương đó phải chịu trách nhiệm”…
Điểm sáng từ vùng ngọt
Ngay ngày làm việc đầu tiên của năm 2024, Chi bộ Ấp 12 đã họp triển khai nội dung chuyên đề “Ngăn chặn sử dụng kích điện để khai thác tôm, cá”.
Đây cũng là một trong 15 ấp trên địa bàn xã Khánh Thuận, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau triển khai chuyên đề nêu trên nhằm thực hiện Nghị quyết số 22/NQ-ĐU (ngày 26/7/2023) của Đảng ủy xã và Kế hoạch hành động số 25A/KH-UBND của Ủy ban nhân dân xã Khánh Thuận về “nâng cao trách nhiệm trong công tác phòng, chống sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản, giai đoạn 2023-2025”.
Bí thư Chi bộ Ấp 12 Trần Văn Yếu cho biết, nhiều tháng qua, các đảng viên trong chi bộ được phân công xuống từng hộ dân để tuyên truyền. Qua rà soát, toàn ấp có 78 hộ dân thì hiện có 8 hộ nguy cơ cao sử dụng xung điện, kích điện để bắt cá.
“Những hộ nguy cơ cao đã ký cam kết không sử dụng xung điện để khai thác cá và đã có một hộ dân là ông Đinh Văn Thừa chủ động giao nộp bộ kích điện. Các hộ còn lại, chúng tôi tiếp tục vận động, khi nào làm hết cách mà không được mới tiến hành tịch thu, xử phạt”, ông Yếu nói…
U Minh hiện được xem là “vựa cá đồng” lớn nhất ở vùng ngọt tỉnh Cà Mau với hơn 9.700 ha mặt nước nuôi cá đồng theo nhiều hình thức, như, cá dưới tán rừng tràm (6.600 ha); cá trong ruộng lúa (hơn 2.700 ha) và cá nuôi trong ao, hồ (hơn 400 ha).
Trong đó, Khánh Thuận là xã có diện tích cá đồng nhiều nhất huyện U Minh với hơn 3.900 ha, chủ yếu là cá nuôi lan tự nhiên dưới tán rừng tràm. Nhiều năm qua, cá đồng là nguồn lợi “ngắn ngày” của cư dân miệt rừng xã Khánh Thuận nhưng có chiều hướng suy giảm mạnh bởi vấn nạn dùng xung điện để đánh bắt cá.
Ông Phan Thanh Trung, hộ dân có 13 ha đất rừng kết hợp nuôi cá đồng ở Ấp 12 (xã Khánh Thuận) cho biết, nguồn lợi cá đồng tự nhiên dưới tán rừng giúp gia đình ông có thêm thu nhập mỗi năm khoảng 50 triệu đồng. Hai năm gần đây, cá chỉ đủ ăn chứ không dư nhiều để bán.
Ông Trung cho biết thêm: “Diện tích đất rừng quá lớn, gia đình không thể kiểm soát được số đối tượng lén lút dùng kích điện để bắt cá. Do vậy, đến mùa thu hoạch thì không còn cá để bán”…
Từ năm 2021, Khánh Thuận đã xây dựng và triển khai mô hình điểm “Không có đối tượng dùng xung điện khai thác thủy sản trái phép” tại các ấp 17, 18 và 19. Các hộ dân trong khu vực đồng thuận, ký cam kết thực hiện.
Sau hơn hai năm triển khai, Công an xã Khánh Thuận thu 45 bộ kích điện do hộ dân tự giao nộp; phát hiện, xử lý 85 vụ dùng dụng cụ kích điện để đánh bắt thủy sản trái phép.
Thiếu tá Nguyễn Chí Thống, Phó trưởng Công an xã Khánh Thuận, cho hay, thấy được hiệu quả từ mô hình thí điểm ban đầu nên gần đây Đảng ủy xã xây dựng nghị quyết chuyên đề nhằm bài trừ vấn nạn dùng xung điện trong khai thác thủy sản, được lãnh đạo huyện ủng hộ và triển khai trên địa bàn toàn xã.
“Nhờ có chủ trương và công cụ pháp luật vững chắc mà trong năm 2023, lực lượng chức năng tịch thu thêm 14 bộ kích điện, xử phạt 14 vụ liên quan 16 đối tượng dùng xung điện để bắt cá, tổng số tiền phạt hơn 60 triệu đồng”, Thiếu tá Thống cho biết thêm...
Gìn giữ cho mai sau
Sau chuyển dịch sang nuôi tôm vào năm 2000, nguồn lợi cá đồng ở Cà Mau chỉ còn nhiều ở các địa phương vùng ngọt, như U Minh, Trần Văn Thời, một phần của huyện Thới Bình và thành phố Cà Mau. Đa phần, người dân vẫn dùng ngư cụ đánh bắt cá đồng theo hình thức thủ công.
Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ dùng kích điện để khai thác cá được nhanh, cả cá nuôi trong ao hồ nhà mình và cá tự nhiên ngoài kênh, rạch... Cách đánh bắt này không chỉ tổn hại nghiêm trọng môi trường sinh thái tự nhiên mà còn làm suy kiệt nguồn lợi cá đồng.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Khánh Thuận Hồ Tương Lai, dùng kích điện để bắt cá vô tình làm chết luôn cả cá non. Những con cá may mắn sống sót cũng chậm phát triển hoặc bị dị tật.
Gần đây, chính quyền xã quyết liệt hơn trong tuyên truyền, vận động, xử phạt gắn với mở rộng dần vùng chuyên canh nuôi cá đồng. Việc này nhận được sự đồng thuận rất lớn từ nhân dân. Người dân khi báo tin tố giác tội phạm sử dụng kích điện bắt cá được xã khen thưởng 300.000 đồng/trường hợp.
Nhờ đó, hiện trong số hơn 2.900 hộ dân toàn xã chỉ còn khoảng 15 hộ nguy cơ cao dùng xung điện bắt cá.
Vấn nạn sử dụng xung điện để đánh bắt thủy sản diễn ra phức tạp trong nhiều năm qua tại Cà Mau, cả vùng nội đồng và trên biển, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái tự nhiên và làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản.
Nhiều năm qua, Cà Mau đã ban hành nhiều văn bản, chỉ thị nhằm thực hiện hiệu quả các văn bản pháp lý của Trung ương, như:
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau, từ năm 2005 đến tháng 9/2023, lực lượng thanh tra chuyên ngành nông nghiệp đã phát hiện 1.220 trường hợp vi phạm, tịch thu 132 bình ắc-quy, 1.137 kích điện, hơn 4.450m dây điện..., xử phạt vi phạm hành chính nộp ngân sách hơn 5,7 tỷ đồng.
Lực lượng Bộ đội Biên phòng, Công an trong tỉnh còn phát hiện, bắt giữ và tịch thu tang vật gần 2.000 trường hợp sử dụng xung điện khai thác thủy sản cả trên biển và trong nội đồng.
Tại huyện Đầm Dơi, nơi có sông, rạch chằng chịt và có nhiều đơn vị hành chính cấp xã nhất so với các huyện còn lại của Cà Mau, Ủy ban nhân dân huyện có chỉ thị chuyên đề nhằm đẩy lùi vấn nạn dùng xung điện khai thác thủy sản.
Qua tố giác của người dân, trong năm 2022 và 2023, lực lượng chuyên trách huyện này phát hiện và xử lý 126 trường hợp dùng xung điện bắt tôm, cá..., giảm khoảng 40% so với trước.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau Ðỗ Chí Sĩ cho biết: “Cùng với tuyên truyền, xử phạt, trong hơn 15 năm qua, ngành chức năng và chính quyền các địa phương trong tỉnh thả hơn 58,3 triệu con giống các loại và hơn 6.340 kg tôm giống về môi trường biển tự nhiên và vùng nội đồng, góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản”.
Tháng 11/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND về việc “Tăng cường công tác quản lý các hoạt động khai thác nguồn lợi thủy sản có tính hủy diệt, tận diệt trên địa bàn tỉnh Cà Mau”.
Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt, chia sẻ: “Chỉ thị số 10 thay thế các văn bản chỉ đạo trước đó, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, có giao trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị chức năng và chính quyền các cấp trong tỉnh nhằm triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp góp phần đẩy lùi vấn nạn nêu trên”.
Mới đây, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau tổ chức hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Kết luận tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo nhiều việc cần làm ngay, trong đó có nội dung “Tỉnh Cà Mau nói không với khai thác thủy - hải sản hủy diệt”.
Đồng chí yêu cầu Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan khẩn trương triển khai lộ trình thực hiện xử lý vi phạm khai thác tận diệt thủy sản.
Ngay trong tháng 1/2024, phải triển khai ngay việc tổ chức tuyên truyền, phát động cuộc vận động các cơ sở, người dân không mua, bán và tự giác nộp tất cả các dụng cụ, thiết bị, vật liệu,... khai thác, đánh bắt thủy hải sản mang tính chất tận diệt.
Sau cuộc vận động, cơ quan chức năng tiến hành tịch thu, thu giữ, nếu phát hiện người dân còn lưu giữ, sử dụng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Theo Nhân Dân
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/ca-mau-bao-ve-va-tai-tao-nguon-loi-thuy-san-a26447.html