STNN - Vườn Nemo nằm ở vịnh Noli (Italia), là một dự án nông nghiệp chứa đầy những ý tưởng sáng tạo và thân thiện với môi trường. Trang trại độc đáo dưới nước đầu tiên trên thế giới này tạo ra một hệ sinh thái sôi động dưới biển.
Nhà kính dưới đáy biển
Đến năm 2050, dân số toàn cầu dự kiến sẽ đạt xấp xỉ 10 tỷ người và Liên hợp quốc ước tính rằng, sản lượng lương thực sẽ cần tăng thêm 60% để đáp ứng nhu cầu này. Khi mô hình nông nghiệp trên đất truyền thống gây áp lực rất lớn đến môi trường như thiếu nước, thoái hóa đất, ô nhiễm thuốc trừ sâu... thì sự xuất hiện của các trang trại dưới biển mang đến một mô hình phát triển nông nghiệp mới.
Bằng cách tận dụng tài nguyên biển, các trang trại dưới biển có thể được hình thành nhờ xây dựng hệ thống nhà kính dưới đáy biển, tạo môi trường phát triển phù hợp cho cây trồng, đồng thời có thể sử dụng nước biển để tưới tiêu, giải quyết hiệu quả vấn đề thiếu nước trên đất liền.
Ngoài ra, quá trình sản xuất của các trang trại dưới đáy biển còn có thể thúc đẩy việc bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái biển và góp phần phát triển bền vững. Do đó, sự xuất hiện của các trang trại dưới biển mang đến những ý tưởng và hướng đi mới cho sự phát triển nông nghiệp và trở thành một trong những xu hướng quan trọng trong phát triển nông nghiệp trong tương lai.
Vườn Nemo là một mô hình trang trại dưới biển bao gồm sáu "sinh quyển" được làm bằng thủy tinh hữu cơ polyacrynat, nhìn từ ngoài rất trong và bóng, được cố định ở độ sâu 4,5 m và 11 m dưới đáy biển. Mỗi “sinh quyển” được đỡ bằng một khung kim loại, trông giống như một quả bóng lớn lơ lửng trong nước được cố định bằng dây xích. Khoảng 600 loài thực vật được trồng ở đây. Những cây này phát triển nhanh chóng trong môi trường dưới nước và cho năng suất khá cao.
Khi làm vườn Nemo, vấn đề đặt ra là làm thế nào để xây dựng một nhà kính ổn định dưới đáy biển có thể thích ứng với những thay đổi của môi trường biển. Cuối cùng, sau nhiều lần thất bại, "sinh quyển" kết hợp khung thép và thủy tinh hữu cơ có thể chịu được các dao động dưới đáy biển trong một phạm vi nhất định đã ra đời. Vấn đề về cung cấp năng lượng và nước ngọt trong môi trường đáy biển cũng được giải quyết nhờ một hệ thống thiết bị không quá phức tạp. Điện được cung cấp từ các tấm pin mặt trời trên mặt biển và tuabin gió. Nước biển trong quả cầu bốc hơi lên trên vòm sau đó ngưng tụ thành nước ngọt. Hệ thống này không chỉ cung cấp nguồn năng lượng và nước dồi dào mà còn hạn chế được những tác động tiêu cực đến môi trường, góp phần bảo vệ hệ sinh thái biển.
“Cây sự sống” kiêu hãnh vươn lên
Dự án vườn Nemo là một dự án nông nghiệp có tính sáng tạo cao, phá vỡ các phương pháp trồng trọt nông nghiệp truyền thống và đưa việc trồng trọt nông nghiệp vào môi trường biển. Xây dựng nhà kính dưới đáy biển và tận dụng môi trường biển để canh tác nông nghiệp, ý tưởng này đã chỉ ra hướng đi mới cho phát triển nông nghiệp trên quy mô toàn cầu.
Bằng cách xây dựng nhà kính dưới đáy biển, có thể giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên trên cạn và giảm tác động của nông nghiệp đến môi trường. Việc tận dụng các điều kiện tự nhiên của môi trường biển để canh tác nông nghiệp có thể giảm mức tiêu thụ năng lượng và giảm lượng khí thải carbon. Ngoài ra, trồng cây dưới đáy biển có thể tránh lãng phí tài nguyên đất và bảo vệ sự cân bằng của hệ sinh thái trên cạn.
Sử dụng tài nguyên biển để canh tác nông nghiệp, chúng ta có thể giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên nước ngọt và giảm bớt vấn đề thiếu nước. Chưa kể, do trồng trọt dưới đáy biển nên có thể tránh được các vấn đề như suy thoái tài nguyên đất và ô nhiễm đất. Các biện pháp như sử dụng năng lượng tái tạo để cung cấp năng lượng và sử dụng vật liệu phân hủy sinh học cho sản xuất nông nghiệp càng nâng cao tính bền vững của dự án.
“Sinh quyển” trong vườn Nemo được tạo thành từ sự kết hợp giữa thủy tinh hữu cơ và khung thép, có thể tháo rời bất cứ lúc nào, có thể chịu được chấn động của sóng biển. Mỗi "hệ sinh thái" được trang bị dây cáp, cảm biến và cơ sở hạ tầng cung cấp nước cũng như năng lượng cho cây trồng, cho phép giám sát nhiệt độ trong nhà kính, thành phần không khí và việc sử dụng năng lượng ở thời gian thực.
Hệ thống điều khiển thông minh của vườn Nemo cho phép nhân viên theo dõi nhiệt độ, thành phần không khí và việc sử dụng năng lượng trong nhà kính theo thời gian thực từ văn phòng. Nước và chất dinh dưỡng mà thực vật cần trong mỗi “sinh quyển” cũng được kiểm soát thông qua hệ thống điều khiển thông minh.
Tính nghệ thuật cũng là một nét đặc sắc của dự án. Trong quá trình quy hoạch và thiết kế dự án, sự hài hòa với thiên nhiên và tính nghệ thuật được coi trọng. Ví dụ, một “cây sự sống” được dựng lên ở giữa một số sinh quyển, cây này không chỉ có ý nghĩa biểu tượng mà còn chứa những sợi cáp nối các sinh quyển. Ngoài ra, việc lựa chọn và bố trí cây trồng cũng chú trọng đến yếu tố thẩm mĩ, biến vườn Nemo trở thành một công trình nông nghiệp mang đậm chất khoa học, công nghệ và giàu tính nghệ thuật.
Chử Cường
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/vuon-nemo-suc-hap-dan-cua-nong-nghiep-dai-duong-a26868.html