Khi khoa học gặp gỡ cuộc sống

STNN - “Science Meets Life” - “Khoa học gặp gỡ cuộc sống”, là thông điệp ghi nhận được trong khuôn viên một Viện Khoa học ở nước ngoài. Một thông điệp đơn giản nhưng giàu cảm xúc, định vị vai trò của khoa học đối với xã hội. Một thông điệp định hướng sứ mạng cao cả của các nhà khoa học là tạo ra giá trị cho đời sống con người.

Khi khoa học gặp gỡ cuộc sống
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan.

Một thông điệp nhắc nhở mọi sản phẩm nghiên cứu khoa học cần phải xuất phát từ cuộc sống và trả lời những câu hỏi từ cuộc sống.

Cuộc sống luôn vận động không ngừng nghỉ! Trong sự vận động đó, biết bao vấn đề phát sinh cần có giải pháp xử lý, biết bao câu hỏi cần có câu trả lời thỏa đáng. Lịch sử khoa học bắt đầu từ khi con người biết quan sát, giải thích và dự báo những hiện tượng trong thế giới tự nhiên. Quan sát, khác với những điều trông thấy, cùng với trí tưởng về một cuộc sống tốt đẹp hơn kích thích sự tìm tòi, sáng tạo, phát kiến những điều mới mẻ phục vụ con người. Nhà bác học của thuyết tương đối đã đưa ra nhận định: “Logic sẽ đưa chúng ta từ điểm A đến điểm B. Trí tưởng tượng sẽ đưa chúng ta tới mọi nơi”.

Vậy các nhà khoa học hãy cùng tưởng tượng điều gì sẽ làm cho cuộc sống của con người, trong đó có người nông dân, ngày càng tốt đẹp hơn? Có phải nhà khoa học bắt đầu tìm kiếm những câu trả lời cho những câu hỏi từ người nông dân? Có phải đó cũng là cách tư duy để đưa những sản phẩm khoa học đi ra cuộc sống? Người nông dân đang cần làm thế nào để nâng cao năng suất lao động? Người nông dân cần làm thế nào để nông sản làm ra vừa giảm được chi phí, vừa gia tăng chất lượng? Người nông dân cần phải làm thế nào để tối đa hóa lợi ích trên một đơn vị diện tích đất sản xuất? Một nhà khoa học, đồng thời cũng là một doanh nhân, tâm sự: hằng ngày từ nhà đến nơi làm việc, nhìn đâu cũng thấy những vấn đề đặt ra cần phải nghiên cứu. Đó phải chăng là khởi nguồn của tri thức?

Nền nông nghiệp nước nhà đã chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng đa tầng giá trị. Một không gian nông nghiệp đang được trải rộng ra, kèm theo đó là biết bao vấn đề cần nghiên cứu và ứng dụng. Nông nghiệp phải thích ứng với biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng. Khoa học nông nghiệp phục vụ nông dân phải xông vào những không gian còn quá nhiều điều mới mẻ. Khoa học phục vụ nông nghiệp phục vụ nông dân phải tích hợp với chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật, dữ liệu lớn vào mỗi đề tài khoa học. Khoa học nông nghiệp phục vụ nông dân, phải chạm sâu vào những tầng đất, tầng nước, chạm vào nổi đau của xã hội và người nông dân. Nào là “được mùa mất giá”. Nào là chi phí đầu vào cao đã bào mòn thu nhập của bà con nông dân. Nào là việc lạm dụng phân thuốc đang tác động đến môi trường thiên nhiên, mất đi sự đa dạng sinh học, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và chính người nông dân.

Tư duy về một nền nông nghiệp chất lượng cao, giảm phát thải, gắn với tăng trưởng xanh phải đi vào từng đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có khoa học nông nghiệp. Nền nông nghiệp tuần hoàn sẽ là hướng nghiên cứu hữu ích, vừa giảm tác động môi trường, vừa tạo ra nhiều sản phẩm mới, ngành nghề mới, sinh kế mới ở nông thôn. Nền nông nghiệp mô phỏng tự nhiên sẽ trở thành nền nông nghiệp giúp cân bằng hệ sinh thái. Nền nông nghiệp thông minh sẽ cân đo chi phí đầu vào theo hướng “Ít hơn để được nhiều hơn”.

Khi khoa học gặp gỡ cuộc sống
Giống chanh dây do Nafoods lai tạo. Nhờ R&D, Nafoods đã vươn lên trở là nhà xuất khẩu chanh dây hàng đầu châu Á.

Một triết lý nhân sinh làm cho công việc của mỗi người có giá trị hơn, đó là “Nghĩ cho người khác”. “Nghĩ cho người khác” không có nghĩa là không nghĩ đến bản thân mình, nhưng như có người cho rằng “Nghĩ cho người khác” là một loại trí tuệ hơn cả “trí tuệ nhân tạo”. Trong bộn bề cuộc sống, mỗi người vẫn đủ thời gian nghĩ cho người khác, thấu hiểu nổi đau của người khác, nhu cầu của người khác. Đó cũng là thể hiện tình yêu thương và cao nhất là lòng trắc ẩn ở mỗi người. Lòng trắc ẩn khiến con người vượt qua khó khăn của bản thân, tích tụ nguồn năng lượng để hành động. Thành công của mỗi người thông qua công việc của mình đôi khi chỉ đơn giản là vậy.

Một câu danh ngôn cũng đáng suy ngẫm: “Người ta không quan tâm đến bạn biết gì mà chỉ quan tâm đến bạn đang làm gì”. Kiến thức trong mỗi người là thứ tài sản phải tạo ra giá trị cho cuộc sống. Kiến thức đó sẽ kích hoạt sự thay đổi trong nông nghiệp như một cuộc cách mạng mới. Kiến thức đó sẽ giúp cho người nông dân hạnh phúc hơn khi nghề nông mang lại sự trù phú, khá giả cho nhà nông. Nhà khoa học giúp cho nhà nông biết phát hiện vấn đề và cùng giải quyết vấn đề. Nhưng, như câu danh ngôn “Giúp cho người khác cũng là giúp cho chính mình”, những kinh nghiệm từ cuộc sống ngược lại cũng giúp cho nhà khoa học tiến gần cuộc sống hơn, chạm vào cuộc sống hơn.

Giá trị một sản phẩm khoa học đôi khi không nằm ở dung lượng hàn lâm mà ở sự lan tỏa rộng khắp trên mỗi cánh đồng, mỗi khu vườn, mỗi ao chuồng. Giá trị sản phẩm khoa học đôi khi bằng sự trao gửi trọn vẹn tấm lòng của nhà khoa học. Giá trị một sản phẩm khoa học đôi khi không đo lường bằng những giải thưởng được đón nhận mà bằng thái độ đón nhận của người nông dân. Càng nhiều người nông dân được tiếp cận, càng chứng tỏ “Khoa học đã gặp gỡ cuộc sống”!

“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”, tấm lòng yêu thương và lòng trắc ẩn của mỗi nhà khoa học phục vụ nhà nông, mang đến hạnh phúc cho nhà nông và những miền quê!

Theo https://tiasang.com.vn/quan-ly-khoa-hoc/khi-khoa-hoc-gap-go-cuoc-song/

Lê Minh Hoan

 

Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/khi-khoa-hoc-gap-go-cuoc-song-a27093.html