STNN - Theo "Báo cáo dự báo hải sản" của Det Norske Veritas, cùng với việc dân số toàn cầu vượt quá 9 tỉ người vào năm 2050, nhu cầu hải sản bình quân đầu người sẽ tiếp tục tăng. Xu hướng này sẽ kéo theo nhu cầu lớn về thực phẩm bền vững và thúc đẩy tăng trưởng theo cấp số nhân trong sản xuất hải sản.
Hiện trạng hải sản thế giới
Theo số liệu của FAO, năm 2020 tổng sản lượng hải sản toàn cầu đạt 214 triệu tấn, trong đó sản lượng động vật thuỷ sinh là 178 triệu tấn và tảo là 36 triệu tấn.
Trong sản lượng động vật thuỷ sinh, ngành đánh bắt cá đóng góp 90 triệu tấn (chiếm 51%), con số này tương đối ổn định; nuôi trồng thủy sản đóng góp 88 triệu tấn (tương đương 49%), lập kỷ lục sản lượng cao nhất trong lịch sử.
Tuy nhiên, ước tính của FAO không bao gồm hoạt động đánh bắt trái phép, không báo cáo và không theo quy định, nên con số đánh bắt thực tế còn cao hơn.
Trung Quốc vẫn là quốc gia lớn nhất thế giới về đánh bắt thủy sản, tiếp theo là Indonesia và Peru. Hầu hết sản lượng đánh bắt chủ yếu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của con người, 11% được sử dụng cho mục đích phi thực phẩm, chủ yếu để sản xuất bột cá và dầu cá.
Trong nuôi trồng thủy sản, về sản lượng, Trung Quốc và Indonesia dẫn đầu thế giới, Chile dẫn đầu ở Mỹ Latinh và Na Uy dẫn đầu ở châu Âu.
Trong nuôi trồng hải sản, cá hồi Đại Tây Dương và tôm thẻ chân trắng Nam Mỹ là những loài chính. Các loài có giá trị cao khác như cá ngừ và tôm hùm, vẫn là những loài được đánh bắt tự nhiên phổ biến nhất.
Dự báo thị trường hải sản toàn cầu năm 2050
Dự đoán, đến năm 2050, tổng sản lượng hải sản toàn cầu sẽ tăng khoảng 20%, bao gồm cá có vây, động vật giáp xác và động vật thân mềm. Trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản biển sẽ tăng gấp đôi, chủ yếu là cá biển; đồng thời, sản lượng đánh bắt cá sẽ trì trệ.
Cá có vây sẽ duy trì vị trí là loại hải sản phổ biến nhất, với nhu cầu dự kiến sẽ chiếm khoảng 70% tổng thị trường hải sản vào năm 2050.
Đến năm 2050, Đông Nam Á sẽ tiếp tục là thị trường tiêu thụ cá có vây lớn nhất, trong khi đó, Trung Quốc Đại lục tiếp tục thống trị thị trường giáp xác và nhuyễn thể, trở thành một trong những thị trường chính tiêu thụ hải sản toàn cầu, chiếm khoảng 24%.
Mặc dù nhu cầu về hải sản ngày càng tăng, nhưng mức tiêu thụ protein và cơ cấu khẩu phần ăn tổng thể của người dân sẽ không thay đổi đáng kể.
DNV dự đoán đến năm 2050, tổng nhu cầu tiêu dùng protein sẽ tăng 33%, nhu cầu thịt tăng 30%. Nhu cầu hải sản bình quân đầu người sẽ tăng nhanh hơn các lựa chọn thịt và đồ chay ở tất cả các khu vực ngoại trừ châu Mỹ Latinh và OECD Thái Bình Dương, trong đó Đông Nam Á có nhu cầu hải sản bình quân đầu người cao nhất.
Xét về số lượng tuyệt đối, Trung Quốc sẽ trở thành thị trường tiêu thụ hải sản lớn nhất
Ở châu Âu và Bắc Mỹ, sản lượng rong biển sẽ tăng trưởng nhanh chóng do nhu cầu từ ngành công nghiệp và phụ gia thực phẩm, nhưng mức tiêu thụ trực tiếp như thực phẩm lại khá thấp.
Do sự khác biệt lớn giữa các vùng và mức tiêu thụ hải sản của từng vùng là không giống nhau: Ở châu Âu, mức tiêu thụ thịt sẽ giảm trong khi mức tiêu thụ cá sẽ tăng; tuy nhiên, ở Mỹ Latinh, mức tiêu thụ thịt có thể tăng nhiều hơn cá.
Dự báo nuôi trồng thủy sản toàn cầu
DNV cho biết sự tăng trưởng đã được nhìn thấy ở tất cả các nguồn nuôi được mô hình hóa cho nuôi trồng hải sản. Trong đó, sản lượng cá có vây tăng trưởng mạnh nhất, tăng gấp ba lần trong giai đoạn 2020 - 2050, từ 8,3 triệu tấn lên 23,2 triệu tấn. Cá có vây sẽ vượt qua động vật thân mềm để trở thành nhóm loài đơn lẻ lớn nhất tính theo trọng lượng sống.
Trong nuôi cá có vây, khoảng 1/8 (12%) sản lượng sẽ đến từ việc sử dụng hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn (RAS) và các cơ sở tương tự trên đất liền, với 7% sản lượng khác đến từ các cơ sở ngoài khơi mở. Đồng thời, sản lượng nuôi giáp xác tăng gấp đôi từ 6,8 triệu tấn lên 13 triệu tấn vào năm 2020. Ngược lại, tốc độ nuôi nhuyễn thể tăng trưởng tương đối chậm, chỉ đạt 22,5 triệu tấn, tăng 25% so với 17,5 triệu tấn vào năm 2020.
Dự báo thương mại hải sản toàn cầu
Khi sự mất cân bằng giữa cung và cầu trong nghề đánh bắt hải sản tăng lên, mô hình thương mại hải sản sẽ thay đổi.
Tốc độ tăng trưởng thương mại hải sản đang tăng nhanh hơn sản xuất và dự kiến đến năm 2050, thương mại xuyên biên giới các sản phẩm hải sản toàn cầu sẽ tăng 50%.
Thương mại quốc tế về hải sản sẽ tăng đáng kể, từ 2,9 triệu tấn năm 2020 lên 7,3 triệu tấn, phù hợp với xu hướng tăng trưởng của toàn ngành.
Khu vực châu Phi cận Sahara được dự báo sẽ trở thành khu vực nhập khẩu hải sản lớn nhất, do sản lượng đánh bắt giảm và nhu cầu thực phẩm tăng nhanh.
Châu Âu sẽ trở thành khu vực xuất khẩu hải sản biển chính, chủ yếu sang châu Phi cận Sahara, Trung Đông và Bắc Phi.
Mỹ Latinh sẽ trở thành nước xuất khẩu lớn nhất các sản phẩm nuôi trồng thủy sản (cá và giáp xác), với thị trường chính là Bắc Mỹ.
Dự báo thức ăn thủy sản
Theo số liệu của FAO, tính đến năm 2020, gần 70% nguyên liệu biển được sử dụng trong thức ăn thủy sản có nguồn gốc từ đánh bắt tự nhiên. Phần còn lại đến từ nuôi trồng thủy sản và các phụ phẩm đánh bắt tự nhiên, cung cấp 27% bột cá và 48% dầu cá.
Dự kiến đến năm 2050, nguồn cung cấp thức ăn nuôi trồng thủy sản sẽ đa dạng hơn và ít phụ thuộc hơn vào nguyên liệu thô từ biển và nông nghiệp.
Dự kiến tỉ trọng bột cá và dầu cá trong thức ăn cá sẽ giảm từ 18% năm 2020 xuống còn 9% vào năm 2050, trong khi tỉ trọng bột cá và dầu cá từ các phụ phẩm cá sẽ tăng lên hơn 50%.
Việc đưa vào sử dụng các nguyên liệu thô mới như protein đơn bào, bột côn trùng và dầu tảo dự kiến sẽ chiếm 30% trong thức ăn chăn nuôi. Mặc dù thực vật vẫn là nguồn nguyên liệu quan trọng nhất nhưng tỉ trọng của chúng trong thức ăn chăn nuôi sẽ giảm từ 66% vào năm 2020 xuống còn 50% vào năm 2050.
Điều này có nghĩa là ngành nuôi trồng thủy sản sẽ đa dạng hóa thành phần thức ăn hơn, ít phụ thuộc hơn vào nguồn lực hạn chế và đáp ứng nhu cầu tăng trưởng trong tương lai theo cách bền vững hơn và thân thiện với môi trường hơn.
Diệu Huyền - Minh Dịu (theo Yiyuye)
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/thi-truong-hai-san-toan-cau-vao-nam-2050-se-ra-sao-a27311.html