Đi tìm “công tắc sinh trưởng” của cây kim tiền

STNN - Cây kim tiền là loài cây cảnh rất được ưa chuộng bởi không chỉ tạo không gian đẹp mà còn được quan niệm là loài cây tượng trưng cho sự giàu sang, đem lại may mắn.

Nguồn gốc cây kim tiền 

Đây là loài cây có nguồn gốc từ châu Phi, vốn là khu vực có khí hậu khắc nghiệt, nên khả năng chịu hạn rất tốt. Cây kim tiền thân thảo, lá mọc thành từng đôi đối xứng, mặt lá mịn, màu sắc xanh bóng, tươi sáng. Có lẽ do những chiếc lá trông giống như những đồng tiền đồng cổ nên loài cây này mới có cái tên như vậy(?). Thân cây mọc vươn thẳng, mọng nước và phình to ở phần gốc. Loài cây này thường có chiều cao từ 0,3 m đến 1 m.

Theo quan niệm dân gian, cây kim tiền hợp với cả 12 con giáp và với tất cả các mệnh ngũ hành. Dân gian tin rằng những người mệnh Mộc và mệnh Hỏa, trồng cây kim tiền sẽ tương sinh hợp mệnh, may mắn và tài lộc đến nhiều hơn. Người mệnh Thủy và mệnh Kim khi trồng cây kim tiền thì nên chọn chậu màu trắng hoặc vàng để tăng cường vượng khí; người mệnh Thổ, khi trồng cây kim tiền nên chọn chậu màu đỏ, nâu đất hoặc tím. 

Quan sát kỹ loài cây này, ta thấy nó có một củ rễ rất lớn dưới lòng đất, trông giống như một củ khoai tây lớn, đây cũng là đặc điểm độc đáo khiến sức sống của nó vô cùng dẻo dai, lượng lớn nước và chất dinh dưỡng dự trữ khiến loại cây chịu hạn tương đối tốt nên cũng là loài “cây lười”. Do “lười biếng” nên loài cây này dễ rơi vào tình trạng không phát triển mà nhiều khi người trồng không rõ nguyên nhân tại sao: Do yếu tố môi trường bên ngoài, hay do thiếu chất dinh dưỡng? Đơn giản, chỉ là do chúng ta chưa biết cách “bật công tắc sinh trưởng” cho cây.

 

Đầu tiên, bón phân để kích thích nảy chồi

Trong thời kỳ cây sinh trưởng, vào mùa xuân và mùa thu cần bón phân cho cây; đặc biệt, bón phân cho cây vào mùa xuân sẽ kích thích cây nảy chồi mới. Đơn giản, chỉ cần tưới cây bằng nước gạo lên men hay nước đậu nành từ 2 đến 3 lần mỗi tuần, cây có thể tích trữ chất để sinh trưởng quanh năm. Vào mùa hè nóng nực hay tới mùa đông giá buốt, khi cây kim tiền có thể “ngủ đông” và ngừng phát triển, nếu bạn bón phân để thúc cây tăng trưởng thì “lợi bất cập hại”, có thể gây tổn thương bộ rễ của cây. 

Thứ hai, tắm nắng tăng cường thể chất cho cây

 

Về ánh sáng: Chúng ta phải chủ động đặt cây ở những nơi có đủ ánh sáng để cây hấp thu ánh sáng mặt trời và thực hiện quá trình quang hợp tốt nhất, thúc đẩy cây phát triển toàn diện, nâng cao sức đề kháng. Tất nhiên, vào mùa hè, khi ánh nắng mạnh và nhiệt độ cao, cần đặt cây ở nơi có ánh nắng sớm, thời gian mặt trời chiếu sáng trực tiếp vào cây không dài, nếu không lá cây sẽ bị cháy nắng.

Thường xuyên thay đổi hướng của chậu cây cũng sẽ giúp mỗi chiếc lá được “tắm đều” trong ánh nắng, cây phát triển đều các hướng. Nếu không chú ý điều này, bạn sẽ thấy cây kim tiền của mình mọc lệch sang một bên, sẽ trở nên mất thẩm mỹ.

Thứ ba, tưới nước phải phù hợp

Chúng ta đã biết, cấu tạo của cây kim tiền khá đặc biệt, củ rễ to có thể chứa rất nhiều nước, nhưng dù vậy nếu bị để ở trạng thái khô hạn lâu ngày sẽ làm cho lá trở nên mềm, cành rủ ra mọi phía, theo thời gian lá sẽ rụng xuống và cây sẽ chết.

Về việc tưới nước, không được để rễ ngâm nước cũng không được để khô hạn lâu ngày. Nửa tháng mà cây không được tưới nước thì thật đáng trách! Thông thường, tưới nước bảy ngày một lần, sau đó điều chỉnh tần suất tưới nước theo tốc độ bay hơi nước và nhiệt độ thực tế của môi trường.

Lá cây kim tiền xanh bóng, tuy nhiên theo thời gian lá cũng sẽ bị bám nhiều bụi bẩn làm mất đi vẻ đẹp vốn có. Bằng cách phun nước lên lá cây, lau lá cây cho sạch sẽ, bạn có thể loại bỏ bụi trả lại sự xanh mướt, bóng bẩy cho lá.

Thứ tư, cắt tỉa để tập trung chất dinh dưỡng

Khi lá mất dần màu xanh chuyển sang trắng hoặc vàng, bạn cần kiểm tra nguyên nhân, có thể là do thiếu sáng và dư nước. Hãy mang cây ra ngoài ánh sáng như ban công, cửa sổ, hành lang có môi trường thông thoáng, nhiệt độ tăng cây sẽ thoát nước nhanh hơn; tránh ánh sáng gắt mạnh như ánh nắng mặt trời khiến cây bị sốc nhiệt. 

Nếu bạn nhận thấy cây kim tiền ở nhà có dấu hiệu không phát triển hoặc phát triển chậm, hãy lấy kéo sắc mạnh dạn cắt tỉa những nhánh chậm phát triển. Sau khoảng 2 đến 3 tuần, các chồi mới sẽ xuất hiện, đây cũng là cách kích chồi hiệu quả. Nguyên do là sau khi cắt tỉa, chất dinh dưỡng có thể “chảy ngược” về rễ và “bật công tắc” kích thích sự nảy mầm.

Phong Lan

Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/di-tim-cong-tac-sinh-truong-cua-cay-kim-tien-a27356.html