Về cơ chế, từ 1995, Senegal xóa bỏ độc quyền nhập khẩu gạo của công ty Nhà nước và tự do hóa hoàn toàn việc nhập khẩu loại lương thực này. Từ nhiều năm nay, Chính phủ Senegal đã thực hiện chính sách phát triển trồng lúa nước để bảo đảm tự túc lương thực, tuy nhiên chỉ đáp ứng được từ 25-30%.
Năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường này đạt 12.392 tấn, kim ngạch 5,35 triệu USD (+215%). Trong 2 tháng đầu năm nay, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nước ta đã xuất khẩu sang Senegal 414 tấn gạo, kim ngạch đạt 307.820 USD.
Trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm và Senegal đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2024, khả năng nước này sẽ tăng cường nhập khẩu gạo tấm từ châu Á. Tháng 3/2023, Ấn Độ đã cho phép các doanh nghiệp tư nhân xuất khẩu 250.000 tấn gạo tấm sang Senegal. Quyết định này được xem là động thái hỗ trợ một số nước Tây Phi của Ấn Độ mặc dù nước này đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo 100% tấm và đánh thuế 20% với việc xuất khẩu các loại gạo khác kể từ tháng 9/2022. Trong cuộc thảo luận về nông nghiệp tại cuộc họp của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) tháng 2/2024, nhằm đa dạng hóa nguồn cung, Bộ trưởng Thương mại Senegal đã có cuộc trao đổi với người đồng cấp Campuchia về việc nhập khẩu gạo từ quốc gia Đông Nam Á.
Các loại thuế liên quan đến nhập khẩu gạo vào Senegal trong khuôn khổ biểu thuế chung của Liên minh kinh tế-tiền tệ Tây Phi (UEMOA) gồm: gạo trắng, gạo lức, thuế nhập khẩu là 12,7%, thuế VAT là 18%; gạo tấm, thuế nhập khẩu là 12,7%, thuế VAT là 18%; các loại gạo khác, thuế nhập khẩu là 12,7%, thuế VAT là 18%. Đầu năm 2022, trước tình trạng tăng giá lương thực, để giữ vững sức mua của người dân, Chính phủ Senegal đã đưa ra một loạt biện pháp trong đó có loại bỏ thuế VAT đối với gạo nhập khẩu và giảm thuế nhập khẩu gạo tấm và gạo thường từ 12,7% xuống còn 2,7%.
Nguồn Thương vụ Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Senegal