Từ chỉnh sửa gen cây trồng đến phát triển nông nghiệp bền vững

STNN - Hội nghị “Thành tựu trong Công nghệ Sinh học thực vật – Từ chỉnh sửa gen cây trồng đến phát triển nông nghiệp bền vững” đã được tổ chức tại Quy Nhơn, Việt Nam vào ngày 11 và 12/4, do Cold Spring Harbor Laboratory Hoa Kỳ, Hội Gặp gỡ Việt Nam, Viện Công nghệ Sinh học thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng ICISE hợp tác tổ chức.

Toàn cảnh Hội nghị - Ảnh: chinhphu.vn.

Đây là hội nghị quốc tế lớn nhất về chỉnh sửa gen trên cây trồng từ trước đến nay tại Việt Nam, thu hút nhiều học giả, chuyên gia hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực lai tạo giống cây trồng.

Giáo sư David Jackson từ Viện Cold Spring Harbor Laboratory Hoa Kỳ, phát biểu khai mạc, đã nhấn mạnh mục tiêu của hội nghị là chia sẻ và tiếp tục nghiên cứu các tiến bộ mới nhất trong lĩnh vực chỉnh sửa gen cây trồng, nhằm nâng cao năng suất nông nghiệp và đảm bảo an ninh lương thực và môi trường bền vững.

Tiến sỹ Đỗ Tiến Phát từ Viện Công nghệ sinh học – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết rằng: "Chúng tôi rất vinh dự khi có được sự tham gia của những diễn giả đáng kính, những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu chỉnh sửa gen trên toàn cầu. Chia sẻ và những hiểu biết sâu sắc họ sẽ giúp những người tham dự hội thảo có cái nhìn đúng đắn và toàn diện hơn về tiềm năng nghiên cứu chỉnh sửa bộ gen trên thực vật và những giá trị mà công nghệ này mang lại trong thực tế ngành nông nghiệp và tầm nhìn phát triển bền vững. Tổ chức tại Việt Nam lần này, chúng tôi kỳ vọng hội nghị không chỉ là cơ hội trao đổi thông tin cho các nhà khoa học trong nước với các chuyên gia đầu ngành quốc tế mà còn tạo điều kiện để các đơn vị liên quan trong ngành cùng trao đổi phương thức tiếp cận và quản lý phù hợp cho việc ứng dụng giải pháp cây trồng này tại Việt Nam.”

Hội nghị bao gồm gần 20 bài trình bày từ các diễn giả đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, giải thích về cơ chế chỉnh sửa gen trên thực vật và các nghiên cứu mới nhất trên các loại cây trồng như lúa gạo, đậu tương, cà chua, mía đường… Đặc biệt, các diễn giả nhấn mạnh khả năng cải thiện chất lượng và nâng cao khả năng chịu đựng của cây trồng dưới các điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Hội nghị nhận định rằng: Từ những năm 1980, năng suất nông nghiệp của Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng nhanh, đóng góp đáng kể vào an ninh lương thực quốc gia và nâng cao vị thế cạnh tranh của nông sản Việt trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, Việt Nam đang đối mặt với thách thức từ biến đổi khí hậu và môi trường. Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã xếp Việt Nam vào top 5 quốc gia có nguy cơ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi hiện tượng nóng lên toàn cầu. Trong bối cảnh này, công nghệ sinh học, đặc biệt là chỉnh sửa gen, đang được ứng dụng để cải thiện cây trồng, giúp chúng chịu đựng và phát triển tốt hơn dưới các điều kiện khí hậu thay đổi. Sự ra đời của kỹ thuật chỉnh sửa gen như CRISPR-Cas9 mở ra khả năng tạo ra các giống cây trồng cải tiến với hàm lượng dinh dưỡng cao và khả năng chống chịu tốt hơn.

Ngoài ra, hội nghị cũng có một phiên riêng để cập nhật về quy định pháp lý và cách tiếp cận quản lý cây trồng chỉnh sửa gen trên thế giới. Nhiều quốc gia ở châu Âu đã hoàn thiện hướng dẫn pháp lý cho cây trồng chỉnh sửa gen, nhưng hiện tại Việt Nam hiện vẫn chưa có hướng dẫn pháp lý cụ thể về nông sản biến đổi gen.

Hội nghị là diễn đàn quan trọng để chia sẻ và tiếp tục nghiên cứu các tiến bộ mới nhất trong lĩnh vực chỉnh sửa gen cây trồng, với mong muốn đóng góp vào phát triển bền vững của nông nghiệp Việt Nam và giải quyết những thách thức toàn cầu.

Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam được thành lập bởi Giáo sư Trần Thanh Vân năm 1993 nhằm hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực khoa học và giáo dục. Trong hơn 30 năm, hội đã xây dựng mạng lưới hợp tác nghiên cứu khoa học và kết nối lớp trẻ Việt Nam với bạn bè năm châu. Năm 2012, hội trở thành đối tác chính thức của UNESCO. Năm 2008, dưới sự hỗ trợ của lãnh đạo Bình Định và ông Vũ Hoàng Hà, ICISE được quyết định xây dựng tại thung lũng Quy Hoà, thành phố Quy Nhơn, Bình Định nhắm là nơi tổ chức các chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” hàng năm. Trung tâm được khánh thành vào ngày 12/08/2013. ICISE ra đời với hy vọng phát triển khoa học và giáo dục, hỗ trợ sinh viên và nhà khoa học trẻ Việt Nam tham gia vào cộng dồng khoa học quốc tê, tạo cơ hội cho thế hệ trẻ nâng cao trình độ hiểu biết thông qua việc tham dự các sự kiện gặp gỡ và chia sẻ ý tưởng với các đồng nghiệp quốc tế có trình độ cao. ICISE mong muốn trở thành điểm đến cho các nhà khoa học và là điểm sáng không chỉ của Việt Nam mà còn của khu vực Đông Nam Á, nâng cao vị thế của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.


PV

Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/tu-chinh-sua-gen-cay-trong-den-phat-trien-nong-nghiep-ben-vung-a28348.html