Phát hiện loài thằn lằn chân ngón mới ở Lào Cai

STNN - Loài thằn lằn mới được đặt theo tên của PGS.TS Phạm Văn Lực, nguyên Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.

STNN - Loài mới được đặt theo tên của PGS.TS Phạm Văn Lực, nguyên Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, một nhà động vật học có đóng góp to lớn cho việc nghiên cứu về đa dạng sinh học ở Việt Nam.

Một cá thể Cyrtodactylus luci đực. Ảnh: Nguyễn Quảng Trường/ Miami Herald.

Lẩn khuất trong màn đêm, một sinh vật với các nốt sần đang di chuyển trong khu rừng núi đá vôi ở huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Một tia sáng quét qua hàng cây. Các nhà khoa học đã nhìn thấy nó. Một loài mới đã được phát hiện.

Theo bài báo “A new species of the Cyrtodactylus chauquangensis species group (Squamata, Gekkonidae) from Lao Cai Province, Vietnam” được công bố gần đây trên tạp chí ZooKeys, các nhà khoa học đã đến rừng núi đá vôi của tỉnh Lào Cai để thực hiện một số chuyến thực địa khảo sát động vật hoang dã vào năm 2022 và 2023.

Bài báo cho biết, giữa các chuyến thực địa mạo hiểm trong đêm, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy năm cá thể thằn lằn lạ mà họ không nhận ra là loài nào. Sau một thời gian nghiên cứu, họ nhanh chóng nhận ra họ đã phát hiện một loài mới, và đặt tên loài này là Cyrtodactylus luci, hay thằn lằn chân ngón Luc, theo tên của PGS.TS Phạm Văn Lực (nguyên Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), một nhà động vật học “có đóng góp to lớn” cho việc nghiên cứu về đa dạng sinh học ở Việt Nam.
Thằn lằn chân ngón Luc có kích thước “trung bình”, dài khoảng 89,5 mm; mắt màu “đồng” với những đốm rìa màu vàng như mí mắt; thân màu nâu nhạt với các đốm màu nâu sẫm hơn; những nốt sần màu vàng rải rác trên lưng và các chi; các ngón ở mỗi chi uốn cong ở đoạn giữa.
Bài báo cho biết các con thằn lằn chân ngón Luc đều được thu thập trong khoảng thời gian từ 19:00 đến 22:00, cả trên vách đá vôi và trên cây, cách mặt đất khoảng 1,0–1,8 m. Môi trường sống xung quanh là rừng núi đá vôi thứ sinh gồm các loại cây gỗ cứng vừa và nhỏ, xen lẫn với cây bụi và dây leo. Nhiệt độ không khí là 25,9°C và độ ẩm tương đối là 92%.
Những con thằn lằn chân ngón Luc đều được tìm thấy vào ban đêm. Ảnh: Nguyễn Quảng Trường / Miami Herald.

Cho đến nay, thằn lằn chân ngón Luc mới chỉ được tìm thấy tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Phân tích DNA cho thấy loài mới có ít nhất 9% sự khác biệt di truyền so với các loài thằn lằn chân ngón khác.

Đây cũng là lần đầu các nhà khoa học ghi nhận một đại diện của chi Cyrtodactylus tại tỉnh Lào Cai. Một số loài của chi này đã được ghi nhận ở các khu rừng lân cận, bao gồm sáu loài ở tỉnh Vân Nam của Trung Quốc và năm loài khác tại các tỉnh Lai Châu, Sơn La.
Các nhà khoa học tham gia vào nghiên cứu này gồm GS.TS Nguyễn Quảng Trường, TS. Phạm Thế Cường (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam); TS. Lê Đức Minh, ThS. Đỗ Hạnh Quyên (ĐH Quốc gia Hà Nội); GS. TS Thomas Ziegler, Giám đốc khu thủy sinh và điều phối viên dự án nghiên cứu và bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam của Vườn thú Cologne (Đức) cùng các nhà khoa học trong nước lẫn quốc tế khác.
Theo: Khoa học & Phát triển

Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/phat-hien-loai-than-lan-chan-ngon-moi-o-lao-cai-a28568.html