Trung Quốc ngừng nhập thanh long Việt Nam vì phát hiện virus corona (SARS-CoV-2), khiến mặt hàng nông sản này của Việt Nam mất giá trong nước, kim ngạch xuất khẩu trái cây, hoa quả từ Việt Nam sang Trung Quốc cũng giảm mạnh.
Thực tế, dù nông sản, thực phẩm Việt Nam đặc biệt được ưa chuộng ở thị trường Trung Quốc, nhưng cơ quan chức năng nước này liên tục viện nhiều lý do siết chặt, kiểm dịch nghiêm ngặt, ‘chặn đường’ xuất khẩu nông sản của Việt vào thị trường tỷ dân.
Mới nhất, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc đã đồng thuận thành lập nhóm công tác thuận lợi hóa thương mại Việt – Trung, biên bản ghi nhớ “Kế hoạch hợp tác giai đoạn 2021 – 2025”.
Người Trung Quốc rất thích nông sản Việt Nam
Ngày 16/9 đã diễn ra Hội nghị giao thương trực tuyến nông sản, thực phẩm Việt Nam – Trung Quốc (Quảng Đông) 2021 do Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tổ chức.
Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công Thương khẳng định, nông sản, thực phẩm Việt Nam đặc biệt được ưa chuộng ở thị trường gần 1,4 tỷ dân.
Ông Tài nhấn mạnh, Trung Quốc là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Trong 7 tháng năm 2021, bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 28,8 tỷ USD, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Đặc biệt, các mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam đã và đang được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng nhờ chất lượng và khả năng cung ứng ngày càng được cải thiện.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh chung hiện nay, nhất là việc phía Trung Quốc tăng cường siết chặt các quy định nhập khẩu nông sản, thực phẩm của Việt Nam, Bộ Công Thương lưu ý, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ thị trường, nghiên cứu phương thức kinh doanh của đối tác, thói quen tiêu dùng và lưu ý các tiêu chuẩn chất lượng, mẫu mã, bao bì, quy cách đóng gói, nỗ lực khai thác tốt nhất thị trường tiềm năng rất lớn này.
Lãnh sự Thương vụ, Tổng lãnh sự quán Việt Nam ở Quảng Châu Nguyễn Duy Phú thông tin cho biết, chỉ tính riêng tỉnh Quảng Đông, năm 2020, thương mại hai chiều Việt Nam - Quảng Đông đạt 41 tỷ USD, chiếm từ 20-21% trong tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc, trong đó, Việt Nam xuất khẩu 21 tỷ USD, nhập khẩu 19 tỷ USD.
Việt Nam xuất mạnh nhất sang Quảng Đông là inh kiện điện tử và điện thoại di động chiếm giá trị lớn nhất với 10,5 tỷ USD, thuỷ sản 300 triệu USD, trái cây chủ yếu là thanh long 183 triệu USD, gạo 160 triệu USD. Riêng 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu cà phê sang Quảng Đông 450.000 USD, trà 30.000 USD, tiêu, ớt 1,4 triệu USD, thực phẩm chế biến 60 triệu USD.
Tuy nhiên, ông Phú lưu ý, phía doanh nghiệp Trung Quốc thời gian qua đã chủ động tìm đến cửa khẩu biên giới, thành lập hiệp hội, đi vào vùng sản xuất của Việt Nam để mua hàng hoá.
Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp Việt Nam là bên bán nhưng lại chưa đạt được các đại diện, chưa tiến sâu được vào những trung tâm giao dịch lớn của Trung Quốc để xúc tiến. Do đó, lãnh sự Thương vụ Việt Nam ở Quảng Đông nhấn mạnh rằng, doanh nghiệp cần đầu tư hoạt động xúc tiến thương mại sâu hơn nữa ngay tại thị trường Trung Quốc chứ không chỉ qua biên giới như hiện nay.
Trong đó, các doanh nghiệp Việt Nam không nên chỉ nghĩ đến việc hoàn thành giao hàng mà cần quan tâm đến sản phẩm được sử dụng ra sao, có dán mác hàng Việt Nam không bởi đó là sản phẩm của chúng ta, của chính người nông dân Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam.
Mảng thương mại điện tử vốn đang phát triển rất mạnh ở Trung Quốc cũng cần được lưu ý. Hiệp hội ngành hàng Việt Nam, nhất là nông sản, thực phẩm cần khai thác yếu tố này khi quảng bá, thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản.
Trung Quốc chặn thanh long của Việt Nam vì phát hiện virus corona
Trung Quốc liên tục thông báo tạm ngưng nhập khẩu thanh long Việt Nam khiến loại quả này bị mất giá trong nước, kim ngạch xuất khẩu trái cây nông sản của Việt Nam đi Trung Quốc cũng giảm mạnh nhiều tháng qua.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết về thực trạng này tại hội nghị trực tuyến bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi chế biến, xuất khẩu nông sản, thủy sản sau giãn cách xã hội ở Nam Bộ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức sáng 17/9.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam thông tin, theo dõi kim ngạch xuất khẩu hàng tháng của từng thị trường trong 7 tháng đầu năm 2021 cho thấy, xu hướng giảm sút của các thị trường, nhất là Trung Quốc.
Ông Bình nêu các con số cụ thể, 7 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu rau, quả sang Trung Quốc đạt 1,13 tỷ USD, tăng so với cùng kỳ năm 2020 (khoảng 1,1 tỷ USD) nhưng từ tháng 4 – tháng 7 năm nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam đi Trung Quốc liên tục giảm, mỗi tháng giảm trung bình đến 15%.
Trong khi đó, nông sản, rau quả, trái cây Việt Nam xuất đi Mỹ giữ tăng trưởng ổn định, trái ngược với xu hướng ở thị trường Trung Quốc. Trong 7 tháng qua, đạt 149 triệu USD, tăng gần 50% so với năm 2020.
Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam nêu rõ, mặc dù so với năm 2020, xuất khẩu rau quả vẫn thể hiện sự tăng trưởng nhưng trong ngắn hạn xu hướng là sụt giảm mạnh.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng thống kê cho thấy, trong tháng 8, Trung Quốc đã tạm ngừng nhập khẩu thanh long tại các cửa khẩu Hà khẩu và Thiên Bảo, thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), làm mặt hàng thanh long trong nước xuống giá mạnh. Nguyên nhân phía Trung Quốc đưa ra là do hàng hóa Việt Nam bị nghi có virus corona.
Ông Nguyễn Thanh Bình lưu ý, dù các bộ, ngành, địa phương đã tích cực làm việc với phía Trung Quốc, thông tin mới nhất là Trung Quốc đã mở lại các cửa khẩu tại Vân Nam cho chuối, thanh long Việt Nam. Nhưng những sự việc tương tự như vậy còn tiếp tục xảy ra sẽ gây thiệt hại không nhỏ cho kinh tế Việt Nam cũng như bản thân các doanh nghiệp.
Chiều qua, 16/9, thông tin từ Bộ Công Thương cho hay, mới đây Bộ đã nhận được thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh về việc chính quyền Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc thông báo tạm dừng thông quan nhập khẩu đối với mặt hàng thanh long của Việt Nam qua khu vực Cầu phao tạm Đông Hưng (phía Việt Nam là Điểm xuất hàng Km3+4, Quảng Ninh).
Thời gian dừng nhập khẩu được phía Trung Quốc áp dụng là 7 ngày, từ ngày 15 - 21/9/2021 do phát hiện virus SARS-CoV-2 trên bao bì bọc quả thanh long và thùng carton đựng thanh long nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo thông báo của phía Trung Quốc, sau 23h00 ngày 21/9/2021, mặt hàng thanh long sẽ tự động được khôi phục thông quan nhập khẩu qua địa điểm Đông Hưng, Quảng Tây. Tuy nhiên, nếu tiếp tục phát hiện virus corona (bằng phương pháp xét nghiệm PCR) trên thanh long hoặc mặt hàng khác, cơ quan phòng chống dịch Covid-19 Đông Hưng sẽ gia hạn thời gian tạm dừng thông quan nhập khẩu thêm một tuần đối với mặt hàng đó.
Trước thực trạng này, Sở Công Thương Quảng Ninh đã có văn bản thông báo tới Sở Công Thương các địa phương, doanh nghiệp, thương nhân thường xuyên hoạt động xuất khẩu tại Điểm xuất hàng Km 3+4 để chủ động phương án phân luồng hàng hóa.
Tiếp đó, Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long chủ động theo dõi, cập nhật thông tin và trao đổi với đối tác Trung Quốc để thay đổi địa điểm giao nhận hàng phù hợp.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng lưu ý, các doanh nghiệp học tập kinh nghiệm của tỉnh Bắc Giang, chủ động kiểm tra, rà soát quy trình thu hoạch, đóng gói, chế biến và vận chuyển nông sản, nhất là trái cây, để giúp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong bối cảnh dịch Covid-19.
Xuất khẩu rau quả của Việt Nam liên tục giảm vì Trung Quốc siết chặt
Thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục đưa ra động thái siết nhập khẩu, kiểm dịch với trái cây Việt Nam xuất sang Trung Quốc với lý do lo ngại Covid-19.
Thực trạng tương tự đã từng xảy ra với thanh long Long An xuất sang Trung Quốc hồi tháng 7, đầu tháng 8 năm nay. Cần nhấn mạnh rằng, việc tăng cường biện pháp phòng chống dịch bệnh khiến hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, giảm tiến độ thông quan và ảnh hưởng xuất khẩu hàng hóa nông sản Việt Nam sang thị trường tỷ dân này.
Tuy nhiên, do Trung Quốc là thị trường tiêu thụ thanh long nhiều nhất thế giới và chủ yếu nhập khẩu từ Việt Nam với lượng nhập khẩu chiếm tới 99,99% tổng lượng thanh long nhập khẩu nên các doanh nghiệp Việt phải đặc biệt lưu ý.
Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, tháng năm 2021 xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt gần 2,5 tỷ USD, trong đó, riêng thị trường Trung Quốc đã chiếm hơn 58,02% thị phần với hơn 1,45 tỷ USD.
Tuy nhiên, từ tháng 5 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc đã liên tục giảm, đúng như lời Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam tuyên bố - con số giảm là 15% trung bình mỗi tháng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng tại các vùng nguyên liệu bị đứt gãy vì thiếu lao động, hay người lao động không thể làm việc khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu rau quả không tiếp cận được nguồn hàng.
Nông dân không bán được sản phẩm đến nơi tiêu thụ, vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương, hàng xuất khẩu khó khăn do các lệnh giãn cách, việc thực hiện các chỉ thị ở nhiều địa phương không nhất quán, thiếu sự phối hợp dẫn đến ách tắc. Đó là còn chưa kể đến những quy trình, thủ tục phát sinh làm mất thời gian, tiền bạc, tăng chi phí, tăng giá thành như câu chuyện giấy phép đi đường cho người và phương tiện được phản ánh rộng rãi thời gian qua.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng nêu rõ, ở các cửa khẩu đường bộ, từ tháng 5, 8 mặt hàng rau quả Việt xuất khẩu chính ngạch nhưng chưa được ký Nghị định thư chính thức về kiểm dịch thực vật với Trung Quốc nên phía cơ quan chức năng nước bạn đã áp dụng kiểm dịch thực vật rau quả nghiêm hơn trước với gần như là 100% các lô hàng bên cửa khẩu Trung Quốc.
Do đó, Chính phủ cần có các cuộc gặp với các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc nhằm tháo gỡ khó khăn, ách tắc tại cửa khẩu biên giới, đồng thời, đàm phán để thúc đẩy mở rộng thị trường cho các mặt hàng rau quả Việt Nam ngoài Trung Quốc tránh sự phụ thuộc.
Tại Hội nghị trực tuyến cấp Bộ trưởng ASEAN - Trung Quốc về hợp tác SPS lần thứ 7”, ngày 13/9 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Lê Quốc Doanh cho hay, việc Trung Quốc đưa ra nhiều quy định siết chặt việc thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu, nhất là với mặt hàng rau quả.
Thậm chí một số cửa khẩu giữa Việt Nam với tỉnh Vân Nam, phía Trung Quốc ngừng nhập khẩu mặt hàng thanh long suốt vài tháng, mới cho thông quan trở lại mặt hàng này.
Đây là thực trạng đáng lo ngại và ông Doanh đề nghị phía Trung Quốc cần xem xét áp dụng linh hoạt hình thức kiểm tra trực tuyến hoặc qua video để mở cửa thị trường cho nông sản Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc trong thời gian sớm nhất.
Thành lập “Nhóm công tác thuận lợi hoá thương mại Việt – Trung”
Việt Nam và Trung Quốc vừa nhất trí thành lập “Nhóm công tác thuận lợi hoá thương mại Việt – Trung”, cũng như biên bản ghi nhớ “Kế hoạch hợp tác giai đoạn 2021-2025”.
Mới đây, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc đã nhất trí thành lập “Nhóm công tác thuận lợi hoá thương mại Việt – Trung” và biên bản ghi nhớ “Kế hoạch hợp tác giai đoạn 2021-2025”.
Trong giai đoạn 2010 – 2019, kim ngạch thương mại song phương luôn duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 17,6%/năm, cao hơn mức tăng trưởng thương mại trung bình của Việt Nam với thế giới cùng giai đoạn. Hai phía cũng giảm bớt hàng rào thuế quan theo khuôn khổ Hiệp định thương mại ASEAN và Trung Quốc (ACFTA), tháo gỡ vướng mắc hợp tác kinh tế thương mại (thuộc khuôn khổ đối thoại ASEAN – Trung Quốc).
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020, Bộ Công Thương Việt Nam đã tăng cường hợp tác chặt chẽ với Bộ Thương mại Trung Quốc và các cơ quan liên quan để nhanh chóng nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn và trao đổi các biện pháp nhằm duy trì tăng trưởng thương mại, tạo thuận lợi cho thông quan hàng hóa giữa hai bên.
Bên cạnh đó, hai bộ đã có các cuộc điện đàm vào tháng 4/2020 và tháng 6/2021, cung như thường xuyên trao đổi công thư và công hàm khi có các vấn đề trong thương mại song phương. Hai phía cũng duy trì kênh đối thoại Nhóm công tác hợp tác kinh tế thương mại thông qua việc tổ chức kỳ họp lần thứ 9 qua hình thức trực tuyến.
Tất cả những sự hợp tác đó đã góp phần duy trì trao đổi thương mại, đảm bảo chuỗi cung ứng phục vụ sản xuất và xuất khẩu. Các mặt hàng như trái cây, nông sản, đặc biệt là vải vẫn được xuất khẩu ổn định vào cao điểm thu hoạch, kể cả khi dịch đang bùng phát tại Việt Nam. Từ đó, thương mại Việt Nam – Trung Quốc vẫn tăng trưởng hai con số trong thời gian khó khăn của đại dịch, trở thành điểm sáng trong ngoại thương của mỗi nước.
Triển khai kết quả các cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng hai Bộ và nhân dịp Phiên họp lần thứ 13 Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt - Trung, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc đã ký kết Bản ghi nhớ về “Kế hoạch hợp tác giai đoạn 2021-2025” và Bản ghi nhớ về thành lập Nhóm Công tác thuận lợi hóa thương mại Việt – Trung.
Theo đó, hai bên nhất trí thúc đẩy thương mại song phương phát triển một cách ổn định, cân bằng, bền vững. Nhóm Công tác thuận lợi hóa thương mại được thành lập nhằm xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh và tháo gỡ khó khăn, rào cản đối với thương mại song phương.
Nhóm có nhiệm vụ tạo thuận lợi thông quan hàng hóa qua cửa khẩu biên giới Việt Nam – Trung Quốc, hỗ trợ doanh nghiệp hai nước tăng cường khả năng chống chịu và khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh trong và sau dịch Covid-19, tăng cường khai thác, tận dụng tuyến vận tải container liên vận đường sắt Việt - Trung trong thương mại song phương, nhất là vận tải nông sản qua các cửa khẩu đường sắt Việt Nam – Trung Quốc nhằm giảm áp lực thông quan tại các cửa khẩu đường bộ và đường biển.
Nguồn: Sputniknews
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/vi-sao-trung-quoc-chan-nong-san-viet-nam-a2903.html