STNN – Cải tạo đất là phương án hữu hiệu nhất giúp gia tăng dưỡng chất cho cây trồng và là tiền đề quan trọng để giúp người nông dân nâng cao năng suất cây trồng nhằm cải thiện kinh tế, nâng cao đời sống, đóng góp vào sự phát triển của xã hội.
Gia đình ông Nguyễn Trung Chính (ấp Võ Dõng 3, xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) có khu đất thửa số 79, tờ bản đồ số 48 thuộc bản đồ địa chính xã Gia Kiệm với diện tích 6.053,2m2. Khu đất này có mục đích sử dụng là đất trồng cây lâu năm.
Trước đây, gia đình ông Chính sử dụng khu đất này để trồng chuối nhằm phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, sau một thời gian dài canh tác, khu đất này đã trở nên cằn cỗi, khiến cây chuối không thể sinh trưởng được tốt. Điều này khiến nguồn thu nhập chính của gia đình bị giảm sút rõ rệt và gây tác động không nhỏ đến cuộc sống của gia đình ông.
Tìm hiểu kỹ, ông nhận thấy khu đất của gia đình mình chỉ có lớp đất mỏng phía trên và gần như nghèo kiệt dưỡng chất sau thời gian dài canh tác, chăm bón không phù hợp. Thêm vào đó, địa hình của khu đất với đặc thù tại địa phương là gồ ghề với các ngọn đồi nhỏ và đá bazan ở lớp dưới gây khó khăn cho việc sản xuất, thu hoạch chuối.
Do đó, gia đình ông đã lên kế hoạch san gạt khu đất cho bằng phẳng hơn. Đồng thời, tiến hành cải tạo lại đất, đổ thêm đất để tăng độ màu mỡ của đất, giúp phát triển kết cấu hạ tầng để làm tăng giá trị của đất. Sau khi cải tạo, gia đình ông sẽ chuyển đổi cây trồng khác như sầu riêng, bơ... xen canh với cây chuối để đưa lại hiệu quả về kinh tế cao hơn.
Tuân thủ theo quy định của pháp luật, ngày 16/01/2024, ông Nguyễn Trung Chính đã làm đơn xin cải tạo đất gửi đến UBND huyện Thống Nhất và UBND xã Gia Kiệm. Theo đó, ông xin được cuốc lấy những chỗ đá nhiều san lấp vào những chỗ trũng để thuận lợi cho việc trồng trọt. Mặt khác, ông cũng cam kết sẽ không buôn bán và chở đất ra khỏi khu đất.
UBND huyện Thống Nhất và UBND xã Gia Kiệm cũng đã lấy ý kiến các phòng ban để tạo điều kiện cho gia đình ông Chinh thực hiện việc cải tạo đất này. Trong quá trình gia đình ông Chinh thực hiện việc cải tạo đất, UBND xã Gia Kiệm cũng thường xuyên giám sát, nhắc nhở và xử phạt khi có sai phạm.
Được biết, tại xã Gia Kiệm, đã có không ít hộ dân thực hiện việc cải tạo đất để chuyển đổi loại hình cây trồng nhằm phát triển kinh tế hiệu quả. Ngay tại ấp Võ Dõng 3, cũng đã từng có 7 hộ thành viên thuộc Tổ hợp tác hồ tiêu thực hiện chuyển đổi sang trồng hồ tiêu với diện tích canh tác 12,1 ha được công nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Năng suất canh tác theo tiêu chuẩn GlobalGAP của Tổ hợp tác đạt từ 3-4 tấn/ha, cao hơn so với sản xuất đại trà khoảng 16%, hiệu quả kinh tế tăng 23-27%, chi phí đầu tư mua thuốc bảo vệ thực vật giảm từ 20-30%.
Hay như tại ấp Đông Kim, mô hình cây mãng cầu xiêm đang là nguồn thu chính của nhiều hộ nông dân bởi năng suất và giá trị kinh tế khá ổn định. Bởi, đây là loại cây có thể cho trái quanh năm. Vùng trồng mãng cầu xiêm ở ấp Đông Kim có khoảng 20-30 hộ trồng, diện tích cây mãng cầu của mỗi hộ từ 5-7 sào.
Có thể thấy, chính quyền xã Gia Kiệm nói riêng và huyện Thống Nhất nói chung đã luôn quan tâm, lắng nghe, hỗ trợ người dân nhằm giúp người dân ổn định đời sống xã hội, phát triển kinh tế. Bằng chứng là việc xã Gia Kiệm đã được UBND tỉnh Đồng Nai chính thức công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào tháng 12/2023.
Việc khuyến khích người dân cải tạo đất để phát triển kinh tế nông nghiệp tại địa phương này cũng phù hợp với các chính sách của Nhà nước đã và đang chú trọng. Cụ thể, tại Điều 9 Luật Đất đai 2013 quy định, Nhà nước có chính sách khuyến khích người sử dụng đất đầu tư lao động, vật tư tiền vốn và áp dụng thành tựu khoa học, công nghệ vào các việc như: Bảo vệ, cải tạo, làm tăng độ màu mỡ của đất; Khai hoang, phục hóa, lấn biển, đưa diện tích đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước hoang hóa vào sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Phát triển kết cấu hạ tầng để làm tăng giá trị của đất.
Hay mới đây, ngày 17/01/2024, Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản số 381/VPCP-NN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ nông dân, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn bền vững. Văn bản này là rất kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hỗ trợ nông dân, phục hồi phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.
Theo Luật sư Lê Vĩnh Ngọc Bảo - Công ty Luật TNHH Inter Justice, trong quá trình cải tạo đất và chuyển đổi cơ cấu loại cây trồng người dân cần thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Cụ thể, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng cây hằng năm khác sang cây lâu năm phải tuân theo quy định của Luật đất đai như quy định tại các Điều 57, Điều 59 Luật đất đai 2013. UBND cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất đối với tổ chức, UBND cấp huyện có thẩm quyền quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân.
Các trường hợp chuyển đất trồng cây hàng năm khác, đất nuôi trồng thủy sản sang trồng cây lâu năm và chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất nuôi trồng thủy sản, đất trồng cây hàng năm không phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng phải đăng ký biến động theo quy định tại Nghị định số 43/2014/NĐ-CP và Nghị định số 44/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 09/2021/TT-BTNMT có hiệu lực từ ngày 01/09/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đối với các trường hợp chuyển từ trồng cây lâu năm này sang loại cây lâu năm khác không làm thay đổi mục đích sử dụng đất, thì người dân căn cứ theo tình hình kinh tế, môi trường, quy luật thị trường, để đánh giá tiềm năng, sự phù hợp, đồng thời tiếp thu ý kiến đóng góp, cũng như quy hoạch từ cơ quan quản lý địa phương về nông nghiệp để việc chuyển đổi được phù hợp quy định pháp luật và đảm bảo được mục đích kinh tế. |
Thảo Ly
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/cai-tao-dat-de-phat-trien-kinh-te-nong-nghiep-la-phuong-an-huu-hieu-a29197.html