Thực trạng của nông nghiệp đô thị tại Việt Nam hiện nay

STNN - Nông nghiệp đô thị của Việt Nam hiện đang phát triển mang tính tự phát, chưa có một chủ trương, chính sách chính thức nào của Nhà nước liên quan và cũng chưa hề có quy hoạch, chiến lược, đề án hay chương trình cụ thể nào cho việc cho phát triển. Chính điều này đã làm cho việc phát triển nông nghiệp đô thị thiếu ổn định.

Theo tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO - The Food and Agriculture Organisation), nông nghiệp đô thị là trồng trọt và chăn nuôi trong và xung quanh thành phố để cung cấp thực phẩm tươi sống, tạo việc làm, tái chế chất thải và tăng cường khả năng phục hồi của thành phố trước biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, các hoạt động trong nông nghiệp đô thị tại Việt Nam có thể rộng hơn, bao gồm: Sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản (gồm cả động vật, chim, cá cảnh); Sản xuất hàng hóa không phải lương thực, thực phẩm (gồm hoa chậu, hoa cắt cành, hoa thảm), cây cảnh, cây xanh đô thị; Chế biến và thương mại các nông sản và phi nông sản; Xử lý chất thải làm phân bón; Xử lý và tái sử dụng nước thải và các hoạt động khai thác khoảng trống trong công viên, khu đất quy hoạch chưa sử dụng hoặc quy hoạch treo, mặt ao, hồ nước, mặt sông thậm chí ban công, mái nhà đều có thể coi là các hoạt động của nông nghiệp đô thị.

Với tầm quan trọng của nông nghiệp đô thị, từ những năm 1990 của thế kỷ trước, FAO đã đưa ra nhiều sáng kiến để thúc đẩy phát triển nông nghiệp đô thị trên phạm vi toàn cầu như Chương trình Lương thực, thực phẩm cho các thành phố (Food for Cities); Chương trình phát triển thành phố xanh hơn (Growing Greener Cities program), hay Chương trình nghị sự cho lương thực-thực phẩm đô thị (Framework for the Urban Food Agenda) cũng như sáng kiến Thành phố xanh (Green Cities Initiative).

Trong khi đó, tại Việt Nam, tuy chưa có các đề án hay chương trình cụ thể cấp quốc gia về nông nghiệp đô thị, nhưng các tỉnh, thành phố đều bắt đầu có các chính sách cho phát triển nông nghiệp đô thị (có thể dưới các tên khác nhau như nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh...).

Đặc biệt gần đây, hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đã ban hành đề án phát triển nông nghiệp đô thị. Đó là Quyết định số 5568/QĐ-UBND ngày 01/11/2023 của UBND TP Hà Nội phê duyệt “Đề cương Đề án nông nghiệp đô thị thành phố Hà Nội” và Quyết định số 6002/QĐ-UBND ngày 29/12/2023 của UBND TP.HCM phê duyệt “Chương trình phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa - chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, việc áp dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam vẫn còn hạn chế, chủ yếu trồng trọt và chăn nuôi các loại động thực vật thích hợp như hoa kiểng, rau, sinh vật cảnh. Dù vậy, các thành phố và đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Long Xuyên... cũng đang manh mún hình thành các mô hình nông nghiệp đô thị.

Dù chưa có các đề án hay chương trình cụ thể cấp quốc gia, nhưng nông nghiệp đô thị hiện nay vẫn đang được các địa phương phát triển mạnh mẽ - Ảnh minh họa.

Cụ thể, tại TP.HCM có chương trình phát triển hoa, cây và cá cảnh nhằm chuyển hướng nông nghiệp, từ truyền thống với lúa là cây trồng chính sang nông nghiệp đô thị với hoa, cây cảnh, cá cảnh, bò sữa, rau an toàn… có giá trị kinh tế cao hơn. Các trung tâm nông nghiệp công nghệ cao như: Khu Nông nghiệp công nghệ cao (Củ Chi), Trung tâm Công nghệ sinh học (Quận 12), Trung tâm Thủy sản (Cần Giờ), Trại Thực nghiệm Bò sữa công nghệ cao hợp tác với Israel (Củ Chi)... được xây dựng để tạo ra các giống cây trồng vật nuôi chất lượng cao, phân bón, kỹ thuật để cung cấp cho nhu cầu phát triển nông nghiệp đô thị.

Ở địa phương này, trong ngành giáo dục, nhiều nơi cũng đã phát triển mô hình trồng rau trong trường cho học sinh. Ví dụ như Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quận 1) dành hơn 400 m2 khuôn viên sân thượng tầng 4 để học sinh trồng rau trong các thùng xốp; Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Quận 4) tận dụng hơn 200 m2 sân thượng để trồng 288 thùng rau với hệ thống tưới và thoát nước đầy đủ. Các mô hình này tạo môi trường giáo dục lao động sinh động cho học sinh, đồng thời cung cấp nguồn thực phẩm tươi sạch cho bếp ăn bán trú và có thêm thu nhập để hỗ trợ các học sinh khó khăn, điều mà nhiều thầy cô có tâm huyết tại TP.HCM nhắm đến.

Tại Hà Nội, Đề án nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội được thực hiện theo quy hoạch của Thủ đô Hà Nội là đô thị đặc biệt đối với chùm đô thị bao gồm các loại đô thị: Đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh, thành phố thuộc Thủ đô, các đô thị sinh thái, các thị trấn chiếm 40% diện tích đất tự nhiên của toàn thành phố. Đề án cũng áp dụng ở các huyện dự kiến phát triển thành quận và khu vực nông thôn trên cơ sở thực hiện quy hoạch nông thôn.

Theo Tiến sĩ Nghĩa, để thực hiện những mục tiêu theo Đề án nông nghiệp đô thị này, ngành nông nghiệp Thủ đô cũng như các huyện, thị xã cần tập trung phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng sinh thái, hiện đại, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, bảo đảm an toàn thực phẩm, anh ninh dinh dưỡng, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ và nhu cầu của dân cư đô thị.

Hay trên địa bàn TP. Đà Nẵng nông nghiệp đô thị không phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa đại trà mà có tính đặc thù, gắn với sản phẩm du lịch. Trong những năm qua, ngành khoa học và công nghệ đã nghiên cứu và chuyển giao nhiều mô hình cho nông dân địa phương; thực hiện chương trình nghiên cứu khoa học về công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp; hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó có các dự án về nông nghiệp.

Giá trị sản xuất nông nghiệp của TP. Đà Nẵng năm 2022 đạt 2.441 tỷ đồng. Nhiều mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao đã góp phần tăng thu nhập, ổn định và nâng cao mức sống cho kinh tế hộ nông nghiệp. Một số mô hình điển hình như: Trồng hoa treo các loại, trồng rau mầm trên khay, nghề đúc chậu phục vụ trồng hoa, trồng nấm và mô hình trồng lan...

Theo vị chuyên gia này, Việt Nam là quốc gia có nhiều diện tích đất nông nghiệp hơn Singapore, Malaysia và các quốc gia khác, nhưng với xu hướng đô thị hóa đang diễn ra rất mạnh mẽ và trong tương lai, đất sử dụng cho sản xuất nông nghiệp sẽ ngày càng giảm đi. Do đó, những kinh nghiệm phát triển nông nghiệp đô thị mà các quốc gia này đã đạt được là gợi ý quan trọng cho việc xây dựng chiến lược và mô hình phát triển nông nghiệp đô thị tại Việt Nam.

Tương tự, Tiến sĩ Vũ Thị Quyền - Trưởng ngành Công nghệ Sinh học, Khoa Công nghệ ứng dụng, Trường Đại học Văn Lang cho rằng, quá trình đô thị hóa tại Việt Nam diễn ra nhanh chóng trong những năm qua khiến quỹ đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp. Thực tế này đòi hỏi lãnh đạo các địa phương, ngành nông nghiệp cũng như các hộ nông dân phải thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp, thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng - vật nuôi, mở ra hướng phát triển cho nông nghiệp đô thị.

Trước tình hình đó, ngoài chính quyền hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đã có những quyết sách riêng về phát triển nông nghiệp đô thị, thì các địa phương, thành phố khác: Đà Lạt, Cần Thơ, Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Nẵng... cũng có những chương trình phát triển nông nghiệp đô thị của mình. Có thể kể đến như: Nông nghiệp phục vụ cho nhu cầu của các đô thị du lịch tại Hạ Long, Đồ Sơn, Đà Lạt, Nha Trang, Vũng Tàu...; Nông nghiệp phòng hộ môi trường bao quanh các cơ sở sản xuất công nghiệp tại Biên Hòa, Việt Trì, Dung Quất...; Nông nghiệp sinh thái tại Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ...

Anh Đức - Viết Cừu

Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/thuc-trang-cua-nong-nghiep-do-thi-tai-viet-nam-hien-nay-a30039.html