STNN - Tỉnh Tây Ninh đang có diện tích trồng sắn hiện nay lên đến hơn 61.000 ha, hàm lượng tinh bột luôn ở mức cao và sản lượng hàng năm trên 2 triệu tấn, giá thu mua nguyên liệu sắn cũng đang tăng. Điều này giúp đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân trồng sắn ở Tây Ninh, góp phần vào việc phát triển kinh tế.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh (Sở NN-PTNT) thì Tây Ninh là tỉnh thành có diện tích trồng sắn đứng thứ hai cả nước, chỉ sau tỉnh Gia Lai. Diện tích sản xuất sắn hiện nay trên 61.000 ha, chiếm 23% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Theo đó, tính đến tháng 6/2024, diện tích sắn trên địa bàn tỉnh đã xuống giống được 45.975 ha, bằng 74,6% so với kế hoạch.
Diện tích đất trồng sắn qua từng năm tại Tây Ninh từ năm 2021 đến 2024 lần lượt là 59.168 ha, 61.696 ha, 62.333 ha và 61.600 ha. Sản lượng sắn thu vào hàng năm trên 2 triệu tấn. Năng suất bình quân đạt được 33,2 tấn/ha, cao nhất từ 2021 đến nay.
Dù có diện tích đất trồng sắn đứng thứ hai sau tỉnh Gia Lai nhưng năng suất mang lại lại cao nhất cả nước. Bởi, Tây Ninh là địa phương có điều kiện đất đai phù hợp, khí hậu và nguồn nước tưới tiêu dồi dào rất thuận lợi việc phát triển cho cây sắn. Vì vậy, cây sắn được trồng và thu hoạch hầu như quanh năm, nhưng vẫn tập trung vào 2 vụ chính là vụ Đông Xuân và Hè Thu.
Bên cạnh đó, Tây Ninh cũng có rất nhiều loại giống được trồng rộng rãi, thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên và phù hợp với điều kiện canh tác tại tỉnh mang lại năng suất và hàm lượng tinh bột cao. Vụ Đông Xuân 2023 – 2024, các loại trồng phổ biến như: KM 505 (49,7%), KM 140 (32,0%), HN1 (9,0%), KM 419 (4,4%) và một số loại giống khác HLS-14, KM94, HN5…(4,9%).
Mặt khác, giá thu mua nguyên liệu củ sắn từ năm 2023 trên địa bàn tỉnh dao động từ 3.300 – 4.000 đồng/kg, hàm lượng bột mì đạt 30%. Điều này đã và đang đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân trồng sắn tại địa phương này và góp phần vào sự phát triển tình hình kinh tế chung của tỉnh Tây Ninh.
Tuy nhiên, tình hình sắn nhiễm bệnh khảm lá vẫn còn là vấn nạn khá lớn đối với nghề trồng sắn ở Tây Ninh, tuy nhiên diện tích sắn nhiễm bệnh khảm lá đã giảm mạnh. Tỉnh đã tập trung chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp, Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT), Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc khảo nghiệm các giống sắn có khả năng kháng bệnh khảm lá.
Để khắc phục, tỉnh Tây Ninh đã phối hợp với Viện Di truyền Nông nghiệp, Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT), Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc nghiên cứu khảo sát giống sắn kháng bệnh khảm lá từ năm 2019.
Ngay sau khi được Viện Di truyền Nông nghiệp chuyển giao các giống sắn kháng bệnh khảm, nông dân trồng sắn trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận và phát triển diện tích trồng các giống kháng khảm.
Trong năm 2024, Tây Ninh có tổng diện tích trồng các giống kháng bệnh khảm lá lên 3.277 ha. Ngoài ra, Tây Ninh đã thực hiện nhân nhanh giống HN1 kháng bệnh khảm lá bằng nhà màng Tunnel (4 nhà, mỗi nhà 50 m2), cung cấp khoảng 150.000- 180.000 cây giống để sản xuất.
Đồng thời, tỉnh Tây Ninh cũng đã xây dựng mô hình nhân giống sắn mới gắn với nhà máy tiêu thụ tại Tây Ninh với quy mô 75 ha, sử dụng giống HN5 và HN1, thực hiện (năm 2023-2024) tại huyện Tân Châu và Châu Thành.
Trong thời gian tới, Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh đang tiến hành xây dựng Đề án “Nghiên cứu, lai tạo, khảo nghiệm và sản xuất thương mại khoai mì giống trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2030” với quy mô 23 ha tại xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu và đang trình UBND tỉnh để thông qua Đề án.
Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT cũng sẽ triển khai 2 mô hình khuyến nông về thâm canh khoai mì (sắn), sử dụng các giống khoai mì kháng khảm được lưu hành nhằm nhân rộng các giống khoai mì mới đến với người nông dân trồng khoai mì tại 2 huyện: Tân Châu và Tân Biên. Tiếp tục phối hợp triển khai dự án “Nhân giống khoai mì mới kháng bệnh gắn với nhà máy tiêu thụ tại Tây Ninh” (nguồn vốn Khuyến nông Quốc gia) đã được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phê duyệt tại Công văn số 299/KN-KHTC ngày 08/5/2023.
Tiếp tục phối hợp với các cơ quan nghiên cứu đánh giá, chọn lọc và nhân nhanh các giống khoai mì mới kháng bệnh khảm lá để phục vụ cho nhu cầu sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục thực hiện tuyên truyền, khuyến khích người dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến như: sử dụng giống sạch, kháng/chống chịu với bệnh khảm lá, bón phân đúng quy trình, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, tưới tiết kiệm nước..., góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây khoai mì, khả năng chống chịu sâu bệnh hại, đặc biệt là bệnh khảm lá. Đồng thời tiếp tục cơ giới hóa các khâu trồng, chăm sóc và thu hoạch khoai mì để giảm công lao động.
Anh Đức - Viết Cừu
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/tay-ninh-cay-san-dang-gop-phan-dem-lai-nguon-thu-nhap-dang-ke-cho-nguoi-dan-a30171.html