STNN - Ghé thăm đồng muối Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) trong những ngày đầu hè, giữa tiết trời miền Trung nắng chang chang, chúng ta không khó để bắt gặp hình ảnh những diêm dân đang miệt mài giữa cánh đồng, vắt mồ hôi, làm ra hạt muối mặn.
Làng muối hơn 50 năm tuổi
Theo người dân địa phương kể, nghề muối ở xã Kỳ Hà đã có từ lâu, gắn bó với nhiều thế hệ. Được biết, làng muối Kỳ Hà hình thành sơ khai vào khoảng năm 1964 đến năm 1977 khi xã Kỳ Hà được tách ra từ xã Kỳ Hải. Cũng thời điểm này, Hợp tác xã Diêm Hải được thành lập với khoảng hơn 100 hộ dân tham gia làm muối. Từ đó, nghề làm muối được xem là nghề chính của người dân nơi đây.
Trải qua suốt quá trình phát triển với bao khó khăn, thử thách, nghề muối vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Có thể nói, nghề làm muối vẫn là một trong những nghề chính mang lại thu nhập cho người dân xã Kỳ Hà. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, số lượng các hộ dân tham gia làm muối đang giảm dần. Hiện nay, trên toàn xã Kỳ Hà, có khoảng 100 hộ dân tham gia làm muối với diện tích khoảng 20 ha tập trung chủ yếu ở thôn Tây Hà. Do thu nhập từ việc làm muối bấp bênh, nguồn nhân lực trẻ lựa chọn những công việc khác có thu nhập ổn định hơn, do đó, nghề muối ở Kỳ Hà ngày càng “nhạt” dần.
Ông Nguyễn Quốc Lập, 77 tuổi, ở thôn Tây Hà - người đã gắn bó với nghề làm muối hơn nửa đời người, chia sẻ: “Nghề làm muối rất vất vả, với nhiều công đoạn mà không phải thời tiết nào cũng có thể sản xuất muối, chỉ khi thời tiết nắng ráo thì người dân mới ra đồng được. Thời điểm hiện tại, muối được bán với giá 2.500 đồng/kg, công việc vất vả mà giá cả thì bấp bênh cho nên hiện nay chỉ có người già và trung niên còn chịu khó “bám” ruộng muối, lớp trẻ thì chẳng ai còn mặn mà với nghề muối nữa”.
Giữ gìn và phát huy sản phẩm mũi nhọn của Kỳ Hà
Mùa muối chính vụ ở đây bắt đầu từ tháng 5 cho tới tháng 8; cao điểm nhất là vào tháng 6, tháng 7, khi nền nhiệt độ trung bình từ 39 - 40 độ C. Gắn bó với cái vị mặn mòi của nghề làm muối từ nhiều năm nay, không giống như những nghề khác, với bà con diêm dân xã Kỳ Hà thì nắng càng to bà con càng vui mừng, phấn khởi vì năm đó sẽ được mùa muối.
Những đồng muối ở xã Kỳ Hà không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn gắn bó với nhiều thăm trầm lịch sử, chứng kiến sự hình thành và phát triển của xã nhà, do đó chính quyền địa phương xã Kỳ Hà cũng đau đáu trong việc có những chính sách hỗ trợ hợp lý, động viên người dân tiếp tục bám nghề muối, xây dựng muối trở thành một sản phẩm nông nghiệp mũi nhọn của xã.
Ông Nguyễn Tiến Luật, Chủ tịch Hội Nông dân xã Kỳ Hà cho biết, với những khó khăn trước mắt của những người dân làm muối trên địa bàn, vừa qua, địa phương cũng đã tổ chức đoàn khảo sát, đánh giá để có những hỗ trợ, động viên người dân bám nghề. Trong đó, địa phương sẽ có chính sách hỗ trợ 1 tạ vôi/100m2 cho những hộ dân làm muối. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đang có kế hoạch xây dựng làng nghề làm muối nhằm bảo tồn và phát huy nghề truyền thống và tăng giá trị sản phẩm muối, tăng thu nhập cho người dân.
Hoàng Nghĩa
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/giu-gin-va-phat-trien-nghe-lam-muoi-ky-ha-a30369.html