Mặc dù vỏ sầu riêng có thể dùng để làm phân bón cho cây, nhưng quá trình này tốn nhiều thời gian và công sức. Vì thế, nhiều người chọn vứt vỏ sầu riêng đi, và mỗi năm có hàng nghìn tấn vỏ bị lãng phí.
Văn phòng Xúc tiến Khoa học và Công nghệ Thái Lan đã cấp kinh phí cho Đại học Hoàng gia Rambhai Barni để hỗ trợ thiết kế và phát triển các sản phẩm từ vỏ sầu riêng, phục vụ cho mô hình kinh tế BCG (Bio - Circular - Green) - đã được giới nghiên cứu và Chính phủ Thái Lan xem như mô hình kinh tế mới - tăng trưởng bền vững, là chìa khóa cùng lúc mở 3 cánh cửa: Kinh tế sinh học, Kinh tế tuần hoàn và Kinh tế xanh, thông qua việc sử dụng mô hình kinh tế mới để phá vỡ giới hạn, tạo ra tăng trưởng kinh tế bền vững (ND).
Nhóm nghiên cứu tập trung vào quy trình sản xuất ở cấp cộng đồng hoặc doanh nghiệp gia đình và có kế hoạch chuyển giao kiến thức cho những người hành nghề có liên quan, lãnh đạo cộng đồng, nông dân hoặc bất kỳ ai quan tâm đến sản phẩm vỏ sầu riêng ở tỉnh Chanthaburi nhằm giúp các doanh nghiệp du lịch địa phương, dịch vụ lưu trú, phát triển các cửa hàng lưu niệm…
Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, vỏ sầu riêng có chứa bột xenlulo, đây là nguyên liệu thô quan trọng để điều chế carboxymethylcellulose trong các ngành công nghiệp khác nhau. Giống sầu riêng có hàm lượng cellulose cao nhất là sầu riêng Mon Thong, đạt 53%. Ngoài ra, vỏ sầu riêng còn được dùng làm giấy nhưng do sợi sầu riêng rất ngắn nên độ bám dính giữa các màng không mạnh và phải trộn với các loại màng khác.
Vỏ sầu riêng thích hợp để phát triển thành đồ nội thất và các sản phẩm thiết thực. Sầu riêng Mon Thong, Chanee và Gradoomthong là những loại dễ tìm thấy nhất. Chúng có thể được ép nóng và chế biến thành bìa cứng, ván ép, chế tạo thành nhiều dụng cụ khác nhau và được tạo hình tự do và có thể được phủ một lớp nhựa để làm cho vật liệu sáng bóng và không bám bụi. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn phát hiện ra rằng vỏ sầu riêng có chứa lưu huỳnh nên có thể bảo quản từ 3-6 tháng, và nếu thay nước rửa thường xuyên sẽ giảm được tình trạng thối vỏ.
Ngành nội thất được hưởng lợi khi các nhóm nghiên cứu phát triển các sản phẩm như kệ, khung tranh, chậu hoa, giỏ từ vỏ sầu riêng. Do vỏ sầu riêng rất cứng và chiếm nhiều chỗ, lại mất nhiều thời gian để phân hủy, nên việc sử dụng chúng hiệu quả sẽ giảm lượng rác thải vỏ trong khu vực. Việc làm này có thể giúp giảm hơn 3.000 tấn rác mỗi năm, giúp người dân có thêm thu nhập và hỗ trợ các chính sách của Chính phủ, thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo.
Nhóm nghiên cứu cho biết: "Người tiêu dùng hiện đại thích những đồ trang trí đơn giản nhưng phải toát lên vẻ sang trọng. Qua khảo sát thị trường, họ thấy rằng sản phẩm từ vỏ sầu riêng rất mới lạ, thú vị và giá cả hợp lý. Tuy nhiên, cần cải thiện trọng lượng, độ bền và chú ý đến sự đa dạng về màu sắc, hoa văn để đáp ứng sở thích và gu thẩm mỹ của người tiêu dùng. Thái Lan có nhiều tài nguyên, nhưng ít khi có ý tưởng phát triển sản phẩm tốt, khó lòng vừa đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế vừa giữ được nét đặc trưng riêng. Việc thiết kế và phát triển sản phẩm từ vỏ sầu riêng có thể giải quyết đồng thời cả hai vấn đề này."
Chử Cường (theo The Sing Sian Yer Pao)
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/thai-lan-nghien-cuu-phat-trien-cac-san-pham-tu-vo-sau-rieng-a32112.html