Ngày 9/9, Bộ NN-PTNT đã có Công văn số 6671 về việc tăng cường công tác chủ động khắc phục, khôi phục cho đàn vật nuôi sau cơn bão số 3 năm 2024 gửi UBND các tỉnh/thành: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Công văn nêu rõ, thời gian qua, thời tiết tại nhiều địa phương miền Bắc đã diễn biến phức tạp, mưa lớn gây lũ lụt, đặc biệt từ ngày 07/9/2024, cơn bão số 3 (hay còn gọi là bão Yagi) đã đổ bộ vào các tỉnh phía Bắc, gây ra những đợt mưa lớn, lũ lớn và gây thiệt hại nghiêm trọng tại nhiều địa phương. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nêu trên chỉ đạo quyết liệt công tác khắc phục, khôi phục cho đàn vật nuôi nhằm ổn định phát triển sản xuất như sau:
1. Chỉ đạo Sở NN-PTNT và các sở, ban ngành, đoàn thể liên quan triển khai tích cực các biện pháp trong phòng chống thiệt hại do bão, lũ cho đàn vật nuôi trên địa bàn. Cử ngay các đoàn công tác đến các huyện, xã kiểm tra việc thực hiện các biện pháp khắc phục, khôi phục cho đàn vật nuôi và phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi bằng các nguồn lực sẵn có tại địa phương.
- Chủ động sử dụng nguồn ngân sách dự phòng của địa phương để phục vụ kịp thời cho công tác khắc phục hậu quả sau bão lũ, xây dựng các giải pháp khắc phục phù hợp với điều kiện ở địa phương.
- Chỉ đạo chính quyền cơ sở có trách nhiệm thống kê đầy đủ số lượng gia súc, gia cầm bị thiệt hại và thực hiện hỗ trợ kịp thời cho người sản xuất theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
2. Thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết khí hậu trên các phương tiện thông tin đại chúng để người chăn nuôi biết, không chủ quan, bị động trong việc khắc phục, khôi phục cho đàn vật nuôi.
3. Hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp khôi phục, khắc phục
- Tái đàn: Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho tái đàn, khôi phục sản xuất, người chăn nuôi cần lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, được cung cấp bởi những cơ sở cung ứng có uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định. Không tái đàn khi chưa đảm bảo về môi trường và an toàn dịch bệnh.
- Thức ăn, nước uống: Sau bão lũ lụt, nguồn thức ăn, nước uống cho gia súc, gia cầm có thể bị lũ cuốn, hư hỏng, đồng cỏ bị ô nhiễm do mầm bệnh từ nơi khác đến, bùn đất nổi lên bám vào có cây, sức khỏe của đàn vật nuôi giảm sút. Do vậy, vật nuôi cần được chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo, không bị bỏ đói, không cho ăn những loại thức ăn bị mốc, kém chất lượng. Đối với gia súc già yếu và gia súc non cần có chế độ chăm sóc đặc biệt như tăng cường các loại thức ăn bổ sung và các loại thức ăn giàu dinh dưỡng khác nhằm tăng cường quá trình hồi phục. Nước uống phải sạch và đầy đủ.
- Vệ sinh môi trường: Khi nước rút phải thực hiện vệ sinh, khử trùng bằng vôi bột, hóa chất và tiêu độc khu vực chăn nuôi trước khi đưa vật nuôi trở lại chuồng nuôi. Chính quyền và các cơ quan chuyên môn các cấp tổ chức tổng vệ sinh, thu gom xác động vật chết để xử lý, sát trùng, tiêu độc vùng chăn nuôi bị bão, lũ ngập để tổng tẩy uế môi trường, tiêu diệt các loại mầm bệnh.
- Quản lý vật nuôi:
+ Thực hiện tốt việc quản lý, chăm sóc đàn vật nuôi; tuyệt đối không chăn thả vật nuôi ở những khu vực bị ô nhiễm; chủ động triển khai công tác giám sát để phát hiện sớm, kịp thời xử lý trường hợp vật nuôi mắc bệnh, nghi mắc bệnh nguy hiểm như Dịch tả lợn Châu Phi, Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Tai xanh,...;
+ Tuyên truyền, hướng dẫn chủ vật nuôi báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn thú y để điều tra, xử lý ổ dịch theo đúng quy định; không giết mổ, mua bán động vật ốm, chết, không vứt xác động vật chết do mắc bệnh ra ngoài môi trường;
+ Tăng cường cán bộ về tận các thôn, xã cùng với lực lượng thú y cơ sở kiểm tra các cơ sở chăn nuôi để hướng dẫn người dân chôn lấp, tiêu hủy gia súc, gia cầm bị chết do bão, lũ. Tổ chức vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng ở những vùng trũng, ngập lụt kéo dài, vùng có nguy cơ cao...; đồng thời tiếp tục triển khai tiêm phòng định kỳ đến tận các thôn, xóm, hộ chăn nuôi.
PV
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/chu-dong-khac-phuc-khoi-phuc-cho-dan-vat-nuoi-sau-con-bao-so-3-a32144.html