Tìm giải pháp phát triển bền vững cho mô hình kinh tế trang trại kết hợp du lịch sinh thái

STNN - Tọa đàm “Phát triển du lịch trang trại và những vấn đề pháp lý liên quan” đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ các nông hộ, trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp phát triển bền vững cho mô hình kinh tế trang trại kết hợp du lịch sinh thái và du lịch nông nghiệp.

Ngày 24/9/2024, tại TP.HCM, Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam phối hợp với Trung tâm Tư vấn pháp lý Minh Sơn tổ chức tọa đàm "Phát triển du lịch trang trại và những vấn đề pháp lý liên quan". Theo đó, thông qua tọa đàm, Ban tổ chức muốn tìm ra các giải pháp nhằm hỗ trợ các nông hộ, trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp phát triển bền vững cho mô hình kinh tế trang trại kết hợp du lịch sinh thái và du lịch nông nghiệp.

1-1727230508.JPG
Toàn cảnh buổi tọa đàm "Phát triển du lịch trang trại và những vấn đề pháp lý liên quan".

Tham gia tọa đàm có các đại diện các đơn vị Sở, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp... về lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, văn hóa... Đồng thời, buổi tọa đàm cũng có sự tham dự của các khách mời đặc biệt và cũng là diễn giả của chương trình như: Tiến sĩ Bùi Đặng Dũng - Nguyên Phó chủ nhiệm UBTCNS Quốc hội; Tiến sĩ Trần Anh Tuấn - Phó trưởng ban Ban phong trào cơ quan UBMTTQ Việt Nam; Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Quang Hải - Nguyên phó vụ trưởng Vụ Đào tạo Bộ VHTTDL; Thạc sĩ Lê Xuân Thăng - Nguyên Phó Chủ tịch Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam, Cố vấn Viện IMRIC, Giảng viên Trường ĐH Văn Lang; Thạc sĩ, Luật sư Đặng Thị Ngọc Hạnh - Trưởng Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế; Nhà báo, Tiến sĩ Hồ Minh Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường - Truyền thông quốc tế, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, Tiến sĩ Hồ Minh Sơn cho biết, buổi tọa đàm với mong muốn làm nhịp cầu nối thêm cơ hội để các địa phương cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong chuỗi giá trị ngành du lịch giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về các khó khăn, vướng mắc, chính sách thu hút, phát triển du lịch, thiết lập quan hệ hợp tác, đề xuất giải pháp đẩy mạnh kết nối, xúc tiến phát triển du lịch.

“Tôi mong muốn nhận được ý kiến phát biểu, thảo luận cũng như chia sẻ kinh nghiệm từ đại diện các doanh nghiệp, các chuyên gia đến từ các trường đào tạo du lịch. Tôi hy vọng rằng sau buổi tọa đàm hôm nay, mối quan hệ giữa các địa phương sẽ ngày càng thân thiết hơn, những chương trình, dự án hợp tác kinh doanh, đầu tư du lịch sẽ ngày càng phát triển cả về chất lượng và số lượng. Đồng thời, đây là một sự kiện quan trọng trong chuỗi sự kiện toạ đàm, tuyên truyền chuyên đề về đề tài nông nghiệp, trang trại và du lịch tại nhiều địa phương như: Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Bến Tre, Cần Thơ, An Giang và một số tỉnh thành phố khác” - Tiến sĩ Hồ Minh Sơn chia sẻ thêm.

2-1727230507.JPG
Nhà báo, Tiến sĩ Hồ Minh Sơn - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam phát biểu khai mạc buổi tọa đàm.

Sau phần khai mạc, các diễn giả và khách mời đã đưa ra những góc nhìn, ý kiến góp phần vào chung tay xây dựng ngành du lịch và ngành nông nghiệp có sự phối hợp và triển khai xây dựng chương trình chung về phát triển du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Cụ thể, Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Quang Hải đã trình bày chủ đề “Phát triển du lịch trang trại bền vững - Thực trạng và giải pháp”. Tiến sĩ Trần Anh Tuấn trình bày về chủ đề “Trang trại nông nghiệp - Hoạt động du lịch & những vấn đề pháp lý liên quan”. Thạc sĩ Lê Xuân Thăng trình bày chủ đề “Xây dựng thương hiệu, nhận diện hình ảnh du lịch nông nghiệp, nông thôn”. Thạc sĩ, Luật sư Đặng Thị Ngọc Hạnh trình bày chủ đề “Những vấn đề pháp lý liên quan trong phát triển du lịch nông nghiệp”. Nhà báo Tiến sĩ Hồ Minh Sơn trình bày chủ đề “Tháo gỡ khó khăn về chính sách đất đai cho phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn”.

Bên cạnh đó, buổi tọa đàm cũng nhận được các ý kiến góp ý chú trọng đến một số hoạt động như chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn, công nghệ, đầu tư hạ tầng, bồi dưỡng tập huấn nhân lực cho một số điểm du lịch nông nghiệp; xây dựng và ban hành bộ tiêu chuẩn, xếp hạng, gắn sao cho các sản phẩm du lịch nông nghiệp chất lượng cao; xây dựng kế hoạch truyền thông thương hiệu cho sản phẩm du lịch nông nghiệp; chọn lọc đưa sản phẩm nông nghiệp được sản xuất tại địa phương, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, có tem nhãn bao bì mẫu mã riêng phục vụ khách du lịch...

31-1727230352.JPG
Các diễn giả, khách mời chủ trì buổi tọa đàm.

Trong những năm trở lại đây, du lịch và nông nghiệp là hai ngành có mối quan hệ chặt chẽ và đều là ngành mũi nhọn được ưu tiên phát triển. Đồng thời, Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị đã xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Mặt khác, những năm gần đây, mô hình kinh tế trang trại kết hợp du lịch sinh thái hay du lịch sinh thái nông nghiệp là sự kết hợp của du lịch sinh thái và du lịch nông nghiệp hiện đang trở thành xu hướng phát triển hướng đến trách nhiệm với xã hội và lối sống thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch bền vững.

Theo các chuyên gia, để khai thác phát triển hoạt động du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp và nông thôn, theo các chuyên gia cần phải bảo đảm được rất nhiều yếu tố. Bao gồm: Không gian tổ chức các hoạt động du lịch nông nghiệp (điểm đến); chủ thể cung ứng hoạt động du lịch nông nghiệp; các hoạt động của du lịch nông nghiệp cung ứng cho du khách; chia sẻ lợi ích giữa các bên tham gia hoạt động du lịch nông nghiệp; vai trò cầu nối của các công ty lữ hành; hoạt động xúc tiến quảng bá, truyền thông điểm đến.

4-1727230507.JPG
Nhiều kiến nghị, góp ý cũng được chủ các nông hộ, trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp đề cập tại buổi toạ đàm.

Đặc biệt, các chuyên gia cũng cho rằng, tại Việt Nam, du lịch nông nghiệp đang dần trở thành một xu hướng mới, một “món ăn lạ” bên cạnh các loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch thể thao biển, du lịch văn hóa tâm linh, khám phá... Tuy nhiên, để phát triển mạnh mẽ du lịch nông nghiệp cần được hiện thực hóa bởi khung khổ pháp lý.

Việc phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch trang trại, du lịch làng nghề sẽ mang lại lợi ích cho du khách du lịch và người dân địa phương, tạo ra cơ hội kết nối và nhiều trải nghiệm thực tế. Từ đó, tạo ra sự thúc đẩy phát triển kinh tế và du lịch ở những vùng quê giúp đảm bảo phát triển bền vững và bảo tồn môi trường tự nhiên. Điều này giúp ổn định cuộc sống cho phần lớn dân cư nông thôn, còn là nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội và ổn định chính trị, tạo tiền đề để hiện thực hóa khát vọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Anh Đức

Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/tim-giai-phap-phat-trien-ben-vung-cho-mo-hinh-kinh-te-trang-trai-ket-hop-du-lich-sinh-thai-a32219.html