Hiện đã có nhiều nghiên cứu tìm hiểu về sự xuất hiện của vi nhựa ở nhiều hệ sinh thái khác nhau, ví dụ như trầm tích bờ biển Đà Nẵng, Tiền Giang, Vũng Tàu sông Sài Gòn và kênh, lõi trầm tích sông Hồng và Tiên Yên… Lo ngại về vi nhựa trên nhuyễn thể hai mảnh vỏ ở Việt Nam, đã có nghiên cứu đánh giá ở Thanh Hóa ghi nhận các nồng độ vi nhựa ở vẹm xanh châu Á (Perna viridis), nghêu Bến (Meretrix lyrata), ngao hai cồi (Tapes dorsatus)…
Tuy nhiên vẫn chưa rõ ảnh hưởng của mùa (mùa khô và mùa mưa) và vùng địa lý với sự phân bố của vi nhựa. Nhóm nghiên cứu đặt giả thuyết có thể là cơ chế mùa và vùng địa lý sẽ đem lại những gợi ý về quản lý môi trường và bảo vệ sức khỏe con người. Họ đã thu thập sò huyết và vẹm xanh từ các bãi lầy triều thuộc cửa Ba Lạt, Vân Đồn, Cát Bà, nơi có liên quan trực tiếp đến những hoạt động nhân sinh rất đa dạng như nuôi trồng thủy sản, du lịch, vận tải… Mẫu được lấy trong mùa mưa (tháng 7/2020) và mùa khô (tháng 1/2021).
Phân tích cho thấy, nồng độ vi nhựa ở sò huyết từ 1,25 đến 2,67 mảnh/con và từ 0,38 đến 1,48 mảnh/gam khô. Vi nhựa dạng sợi chiếm nhiều nhất trong tổng số vi nhựa với 93 % trong khi dạng mảnh chỉ 7%. Phần lớn dạng sợi có nhiều màu sắc như hồng 26 %, tía 18 %, xanh lam 17%, xám 11% và đen 10%. Dẫu không có xu hướng khác nhau về hình dạng, màu sắc vi nhựa ở ba địa điểm lấy mẫu cũng như theo mùa nhưng có một số thông tin khác như vi nhựa nhỏ nhất là 50 µm, vi nhựa lớn nhất là 2.000 µm và các vi nhựa nhỏ dưới 1 mm chiếm tới hơn 90 % vi nhựa ở mẫu sò huyết.
Ở vẹm xanh, nồng độ vi nhựa từ 2,13 đến 6,75 trên một con và từ 0,33 đến 1,36 vi nhựa/gam khô. Tương tự sò huyết, không có sự khác biệt về nồng độ trên các con vẹm xanh, vi nhựa dạng sợi lấn át, chiếm 93 %, còn lại là dạng mảnh. Họ quan sát được 10 dạng màu sắc phổ biến và một nửa vi nhựa ở vẹm xanh từ 100 đến 300 µm (46 %), còn lại là 300 đến 1000 µm (43 %).
Phân tích thành phần hóa học cho thấy, chủ yếu là các dạng polymer với 53 % polyethylene (PE) – loại nhựa phổ biến trong bao bì đóng gói; 35 % polypropylene (PP) – loại nhựa nhiệt dẻo thường làm đồ gia dụng, và 12 % polyvinyl chloride (PVC) – loại nhựa nhiệt dẻo trong sản xuất công nghiệp.
Sự lấn át của vi nhựa dạng sợi của cả vẹm xanh lẫn sò huyết cho thấy xu hướng ô nhiễm của môi trường nước và trầm tích, từng được khẳng định trong nghiên cứu lấy mẫu ở bốn địa điểm khác nhau trên vịnh Bắc Bộ. Sự khác biệt về các dạng polymer ở hai loài có thể liên quan đến nơi sống của từng loại.
Các nhà khoa học cho rằng, nguồn ô nhiễm có thể chủ yếu từ hoạt động du lịch, sinh hoạt và một phần đáng kể của nuôi trồng, đánh bắt thủy sản.
Vậy lượng vi nhựa này có ảnh hưởng đến sức khỏe con người? Ước tính, việc ăn các loài sò vẹm chứng tỏ con người có thể phơi nhiễm 900 đến 11.500 vi nhựa/người/năm, không tính đến việc ăn các tạo vật của biển khác, như cá, muối… Tuy nhiên, mức độ phơi nhiễm vi nhựa qua uống nước chai và bia cao gấp 15 lần, còn hít thở, nguồn nhiễm lớn nhất cho người, gấp 3.000 lần so với uống.
Nghiên cứu chỉ dấu con người đang phải đối mặt với nguy cơ rủi ro cao do phơi nhiễm vi nhựa qua ba đường chính: ăn uống, hít thở và uống nước. Do đó, họ cho rằng cần có những nghiên cứu tương lai để bổ sung thêm vào cơ sở dữ liệu về nhựa ở Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh vào việc quản lý tốt hơn trong việc sử dụng, tái chế và quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam để bảo vệ môi trường và sức khỏe. Trong quá trình này, có thể sử dụng các loài hai mảnh vỏ như một chỉ thị sinh học về vi nhựa.
Bài báo được xuất bản trên Regional Studies in Marine Science, “Occurrence of microplastics in bivalves from the northern coast of Viet Nam”.
Link bài viết gốc: Ô nhiễm vi nhựa trong các loài sò vẹm có ở mức đáng lo ngại?
Theo Tia Sáng
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/o-nhiem-vi-nhua-trong-cac-loai-so-vem-co-o-muc-dang-lo-ngai-a32262.html