Nông nghiệp bền vững: Kinh nghiệm từ Hà Lan và Nhật Bản

STNN – Hà Lan và Nhật Bản, hai quốc gia Âu, Á với những thách thức riêng về đất đai và tài nguyên, đã áp dụng nhiều công nghệ hiện đại và chiến lược sáng tạo để phát triển nông nghiệp hiệu quả và thân thiện với môi trường.

Hà Lan: Công nghệ tiên tiến và chiến lược phát triển hướng tới tương lai xanh

ha-lan-2-1730347965.webp
 

Nông nghiệp ở Hà Lan chủ yếu tập trung vào chăn nuôi và trồng trọt. Quốc gia này đã áp dụng nhiều công nghệ đổi mới, bao gồm canh tác không cần đất, bón phân chính xác, thu thập nước mưa, tái chế nguồn nước và các giải pháp dinh dưỡng tiên tiến. Đồng thời, Hà Lan cũng chú trọng phát triển các phương pháp trồng trọt và chăn nuôi bền vững.

Hướng tới nông nghiệp với mức ô nhiễm thấp nhất

Hà Lan đang tích cực hướng tới nông nghiệp với mức ô nhiễm thấp, đặc biệt là trong việc sử dụng phân bón từ gia súc và gia cầm một cách hiệu quả. Việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu đã giảm đáng kể. Các loại thuốc trừ sâu hiệu quả cao được áp dụng rộng rãi, các phương pháp phòng ngừa sâu bệnh kết hợp sinh học, vật lý và hóa học đã giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông nghiệp.

Năm 2016, Hà Lan đã đề xuất kế hoạch về một nền kinh tế tuần hoàn năm 2050, coi phát triển nông nghiệp tuần hoàn là giải pháp quan trọng để đối phó với biến đổi khí hậu và thiếu hụt tài nguyên. 

Đến năm 2018, kế hoạch phát triển nông nghiệp tuần hoàn đã được công bố nhằm xây dựng một hệ thống liên kết giữa các ngành trồng trọt, làm vườn, chăn nuôi và thủy sản, góp phần giảm thiểu tác động đến môi trường.

Nông nghiệp tự động hóa được ưu tiên

ha-lan-1730347965.webp
 

Hà Lan đã kết hợp công nghệ thông tin và công nghiệp hóa với quy trình sản xuất nông nghiệp. Quốc gia này sử dụng 7% diện tích đất canh tác để xây dựng các nhà kính hiện đại, với tổng diện tích gần 170.000 mẫu, được điều khiển tự động bằng máy tính, chiếm ¼ tổng diện tích nhà kính trên toàn thế giới. Khoảng 60% diện tích nhà kính được dùng để trồng hoa, trong khi 40% còn lại chủ yếu phục vụ cho việc trồng cây ăn quả và rau. Các nhà kính này được trang bị hệ thống kiểm soát tự động hóa toàn diện, bao gồm chiếu sáng, sưởi ấm, tưới tiêu, bón phân lỏng, cung cấp carbon dioxide, thu hoạch cơ giới và hệ thống giám sát, nhằm đảm bảo sản xuất với hiệu quả cao.

Nâng cấp quy trình xử lý phân 

Hà Lan không chỉ chú trọng vào sản xuất phân bón mà còn quan tâm đến việc sử dụng tài nguyên phân bón một cách hợp lý. Quốc gia này phát triển các công nghệ mới nhằm giảm nồng độ photphat trong thức ăn chăn nuôi. Khi giá cỏ khô ngày càng tăng, Hà Lan đã chuyển sang sử dụng phân bón hữu cơ thay thế cho phân bón hóa học. Đồng thời, quốc gia này cũng nâng cấp quy trình xử lý phân để sản xuất các sản phẩm phân tương đương với phân bón, sử dụng nguồn tài nguyên tái tạo và giảm lượng khí thải carbon.

Nhật Bản: Sáng tạo trong khó khăn, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường

nhat-ban-1-1730347964.webp
 

Nhật Bản là một quốc đảo với dân số đông nhưng đất đai hạn chế, trong đó 80% diện tích là núi và đồi. Nông nghiệp chủ yếu dựa vào lúa gạo và chăn nuôi, nhưng bị hạn chế do đất đai cằn cỗi và diện tích canh tác giảm. 

Để tăng năng suất, Nhật Bản đã áp dụng công nghệ như cải tiến giống cây trồng và giảm sử dụng phân bón hóa học, chuyển sang phân hữu cơ. Quốc gia này cũng khuyến khích kiểm soát sinh học để bảo vệ môi trường. 

Vào những năm 1990, Nhật Bản đã đề xuất khái niệm “nông nghiệp bảo vệ môi trường” nhằm tối ưu hóa tái chế tài nguyên và đảm bảo sự bền vững. Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ nông nghiệp với khoản trợ cấp hàng năm lên tới hơn 4 nghìn tỷ yên và đã ban hành nhiều luật để ngăn ngừa ô nhiễm và tăng cường chức năng chu kỳ của nông nghiệp.

Tận dụng chất thải nông nghiệp

Tại Nhật Bản, chất thải nông nghiệp được tái chế thành các vật liệu hữu ích, không chỉ cải thiện hàm lượng chất hữu cơ trong đất mà còn giảm áp lực lên môi trường. Sử dụng công nghệ ủ phân và lên men nhanh tại nhà máy, phân từ lợn, bò và gà được trộn với trấu để tạo ra phân hữu cơ hiệu quả. Ngoài ra, rơm rạ và các loại hạt cũng được xử lý an toàn để làm thức ăn cho gia súc và tái chế nước thải cho hệ thống tưới tiêu nông nghiệp.

Kết hợp nhiều nhóm sinh vật trong các hệ sinh thái đa dạng

nhat-ban-2-1730347965.webp
 

Mô hình này tạo nên một cấu trúc sản xuất đa tầng và theo nhiều thời điểm khác nhau, bao gồm việc trồng lúa, nuôi vịt và cá, đồng thời kết hợp với nhân giống vi khuẩn lam trên ruộng lúa. Các trang trại kết hợp sản xuất không chỉ tạo ra cảnh quan nông nghiệp hấp dẫn mà còn thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của các ngành sản xuất nguyên liệu, chế biến và dịch vụ.

Công nghệ nông nghiệp hữu cơ

Trong sản xuất nông nghiệp, Nhật Bản giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường và tuân thủ các quy luật tự nhiên cũng như nguyên lý sinh thái. Thay vì sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu và các chất phụ gia nhân tạo, người Nhật dùng phân hữu cơ và thức ăn hữu cơ để cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng và gia súc.

Ngoài ra, người Nhật chọn giống cây trồng có khả năng kháng cỏ dại và áp dụng các biện pháp vật lý, sinh học để kiểm soát sâu bệnh. Việc đưa rơm vào ruộng, bón phân xanh và phân chuồng sẽ giúp duy trì chu trình dinh dưỡng; canh tác hợp lý cũng góp phần ngăn ngừa xói mòn đất và bảo vệ đa dạng sinh học.

Thu Huyền (dịch, t/h)

Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/nong-nghiep-ben-vung-kinh-nghiem-tu-ha-lan-va-nhat-ban-a32390.html