Liên hợp quốc cho biết tình trạng sa mạc hóa, hạn hán, lũ lụt và biến đổi khí hậu trên diện rộng đang gây áp lực lớn hơn lên chuỗi lương thực toàn cầu. Đất nước vùng Trung Đông, UAE cũng không phải là ngoại lệ.
Là một quốc gia sa mạc, UAE thường xuyên gặp phải tình trạng thiếu nước và nhiệt độ cao, với khoảng 80% thực phẩm phải nhập khẩu. Công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp "Pure Harvest" muốn thay đổi tình hình này bằng cách đưa ra giải pháp sáng tạo - trồng rau trong nhà kính, nhằm đóng góp cho sự phát triển nông nghiệp ở khu vực Trung Đông.
Năm 2016, "Pure Harvest" đã sử dụng khoản tài trợ 1,1 triệu USD để mua một trang trại có diện tích 3,3 ha ở Nahel, một thị trấn nông thôn phía bắc Al Ain. Tại đây, công ty đã thành lập nhà kính công nghệ cao đầu tiên của UAE, cho phép sản xuất các loại rau quả thương mại như cà chua, ớt, cà chua bi, dưa chuột, cà tím và dâu tây, có thể trồng quanh năm.
Công ty áp dụng công nghệ cao một cách hợp lý để ứng phó với các thách thức từ khí hậu khắc nghiệt. Công nghệ này giúp kiểm soát chính xác nhiệt độ và độ ẩm trong nhà kính, đồng thời sử dụng cảm biến để xác định nhu cầu về nước và chất dinh dưỡng của cây. Nhờ vậy, năng suất cây trồng tăng cao.
Chất lượng là ưu tiên hàng đầu của "Pure Harvest". Công ty sử dụng công nghệ xử lý nước tiên tiến để đảm bảo an toàn cho thực phẩm mà họ sản xuất. "Pure Harvest" cũng tự thực hiện việc đóng gói sản phẩm. Sau khi thu hoạch, nông sản sẽ được làm lạnh ngay để kéo dài thời gian sử dụng và giữ được độ tươi ngon. Thêm vào đó, sản phẩm tươi không thuốc trừ sâu của Pure Harvest còn sạch hơn thực phẩm hữu cơ và không chứa bất kỳ hóa chất nào.
Hiện tại, "Pure Harvest" đang hợp tác với chính phủ, các trường học và tổ chức nghiên cứu để phát triển nông nghiệp bền vững tại Trung Đông. Công ty chọn sử dụng năng lượng mặt trời để giảm chi phí và tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh đó, "Pure Harvest" cũng nỗ lực cải thiện việc sử dụng nước và giảm lãng phí nước.
"Pure Harvest" cho biết hiệu quả kỹ thuật của công ty cao gấp 7 lần so với các trang trại nhà kính thông thường ở sa mạc, và hiệu suất sản xuất gấp 30 lần so với canh tác trên cánh đồng truyền thống.
Khi biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng thực phẩm, nông nghiệp thông minh sẽ tiếp tục là lĩnh vực quan trọng để đầu tư. Tại Mỹ, nhiều công ty như AppHarvest, Backyard Farms, Bright Farms, Lufa Farms, Plenty và Square Roots đã nhận được tài trợ. Đặc biệt, Plenty đã hoàn thành khoản tài trợ 401 triệu USD cho hệ thống canh tác nông nghiệp trong nhà của mình. Tại Pháp, công ty Agricool cũng nhận được 38 triệu USD để phát triển công nghệ canh tác trong nhà.
Hiện nay, nhu cầu đổi mới trong lĩnh vực nông nghiệp trên toàn cầu đang gia tăng mạnh mẽ. Cuộc khủng hoảng COVID-19 gần đây đã gây ra sự gián đoạn trong một số chuỗi cung ứng thực phẩm, làm tăng cường nhu cầu toàn cầu về sản xuất thực phẩm bền vững theo mô hình "local – for - local" (mô hình sản xuất thực phẩm nhằm mục tiêu cung cấp sản phẩm cho cộng đồng địa phương, từ nguồn nguyên liệu được sản xuất ngay tại khu vực đó), đặc biệt là các sản phẩm tươi ngon và bổ dưỡng. Công ty sẽ sử dụng nguồn vốn mới này để tiếp tục phát triển công nghệ nhà kính, mở rộng các giải pháp công nghệ và thu hút thêm nhân tài.
Chử Cường (theo: zhihuinongfu)
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/uae-trong-rau-tren-sa-mac-a32397.html