Những ngày cuối năm 2024, vườn bưởi Diễn rộng hơn 1,5 ha của gia đình anh Trịnh Đình Mão, sinh năm 1987, ở thôn Trịnh Xá 1, xã Yên Ninh, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa lại vào mùa, cây nào cây ấy trĩu quả. Chính nhờ áp dụng phương pháp chăm sóc hữu cơ, không sử dụng hóa chất, mà cây đạt năng suất vượt trội, giá trị của vườn bưởi được nâng cao.
Anh Mão cho biết, vườn bưởi anh trồng vào năm 2005 với 300 gốc. Trước đây, anh thường sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu để chăm bón cho cây. Tuy nhiên, cách làm này hiệu quả không cao, lại ảnh hưởng xấu đến môi trường tự nhiên, vì vậy anh quyết định thay thế việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu bằng các phương pháp hữu cơ bền vững hơn.
Đầu năm 2024, anh Mão phối hợp với Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng khu IV (Cục Bảo vệ thực vật) và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Định (Thanh Hóa) triển khai mô hình kỹ thuật nuôi kiến vàng. Kể từ đó, vườn bưởi của anh nhiều trái, chất lượng và năng suất hơn hẳn những vụ trước. Phương pháp anh áp dụng đã tiết kiệm được 30 triệu đồng/vụ so với phương pháp dùng thuốc trừ sâu.
“Ngay sau khi tìm hiểu và tiếp cận mô hình nuôi kiến vàng thay thế thuốc trừ sâu, tôi cảm thấy bất ngờ và có phần hoài nghi. Tuy nhiên, sau khi được các cán bộ Trung tâm Bảo vệ thực vật hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật, tôi quyết định thực hiện thử nghiệm. Ban đầu, tôi sử dụng chai nhựa chứa tép và ruột gà để dẫn dụ đàn kiến về làm tổ. Trên thân cây, tôi căng dây cước để tạo điều kiện cho đàn kiến di chuyển dễ dàng. Sau vài tuần, hàng vạn con kiến vàng đã kéo về làm tổ trong vườn bưởi của tôi,” - anh Mão chia sẻ.
Theo anh Mão, quá trình áp dụng kỹ thuật nuôi đàn kiến vàng đã mang lại hiệu quả rõ rệt; cây bưởi không còn tình trạng sâu bệnh. Nhờ đó, anh đã tiếp tục nhân đàn kiến sang các vườn bưởi khác. Anh Mão lưu ý rằng, để bổ sung chất dinh dưỡng cho đàn kiến, anh thường sử dụng vỏ nhựa chứa thức ăn và đặt trên thân cây. Bên cạnh đó, suốt quá trình thực hiện mô hình nuôi đàn kiến vàng, anh tuyệt đối không sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật để tránh hao hụt đàn và ảnh hưởng tới sức khỏe của đàn kiến vàng. "Nhược điểm duy nhất của việc nuôi kiến vàng trong vườn là thu hoạch có phần khó khăn, vì nếu không cẩn thận, người thu hoạch có thể bị kiến đốt" - anh Mão chia sẻ thêm.
Nhờ triển khai bài bản việc nuôi kiến vàng trong vườn bưởi, đến nay, mô hình của anh Mão đã mang lại lợi ích kép: trái bưởi tăng độ ngọt do không bị côn trùng tấn công; cây khỏe mạnh, phát triển tốt. Dự kiến, vụ bưởi năm nay, gia đình anh Mão thu hoạch khoảng 10 tấn bưởi, sản lượng đạt cao hơn 20% so với năm 2023. Với vườn bưởi 1,5 ha cùng 10 ha lúa, mỗi năm gia đình anh Mão thu nhập dao động trong khoảng 200 – 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Ông Trịnh Xuân Quý, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Định cho biết: "Toàn huyện hiện có hơn 300 ha cam và bưởi, chủ yếu phân bổ ở các xã Yên Ninh, Yên Phong, Yên Lâm. Phương pháp nuôi kiến vàng thay thế thuốc trừ sâu đã được địa phương áp dụng trong 2 năm qua, nhờ đó đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân."
Một số hình ảnh vườn bưởi Diễn hữu cơ của anh Mão:
Minh Chí
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/anh-nong-dan-bo-tui-ca-tram-trieu-dong-nho-dan-kien-vang-a32489.html