Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), năm 2021 sản lượng điều Việt Nam sản xuất chiếm gần 11% tổng sản lượng điều thế giới, năng suất đứng thứ nhất thế giới (13,5 tạ/ha) so với tổng năng suất điều thế giới là 5,4 – 5,8 tạ/ha. Trong đó, Bình Phước được xem là “thủ phủ điều” của Việt Nam với diện tích và sản lượng điều lớn nhất cả nước, đóng vai trò quan trọng cho nguồn nguyên liệu cung cấp xuất khẩu thế giới.
Cụ thể, theo số liệu thống kê, Bình Phước có 500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến, xuất - nhập khẩu sản phẩm điều, chiếm 70% số doanh nghiệp và chiếm 50–80% năng lực chế biến hạt điều của cả nước, với 03 dòng sản phẩm chính gồm: hạt điều nhân trắng với sản lượng 216.613 tấn, chiếm 99% sản lượng hạt điều nhân; hạt điều nhân chế biến như rang muối, phủ wasabi, mật ong, nước cốt dừa… với sản lượng 2.004 tấn, chiếm 1% sản lượng hạt điều nhân và Chế biến dầu vỏ hạt điều (CNSL) chưa tinh lọc có sản lượng khoảng 29.412 tấn, chiếm 1% trong kim ngạch xuất khẩu của điều.
Trong quá trình sản xuất nhân hạt điều, lượng phụ phẩm vỏ lụa được tạo ra khá lớn, ước tính khoảng 80 kg hạt thô sẽ thu được 1 kg vỏ lụa. Với sản lượng này, việc sản xuất và tiêu thụ hạt điều xuất khẩu hiện nay tại Bình Phước tạo ra một lượng phụ phẩm vỏ lụa hạt điều khá lớn, theo số liệu ước tính là hơn 2.000 tấn/năm. Tuy nhiên, lượng vỏ lụa hạt điều hiện nay chủ yếu được dùng làm nhiên liệu đốt rẻ tiền và sử dụng làm phân bón hoặc bỏ đi. Việc làm trên không những làm mất đi giá trị kinh tế của vỏ lụa hạt điều mà còn góp phần gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường sống của con người.
Vỏ lụa hạt điều được nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh rất giàu polyphenol, đặc biệt là các hợp chất catechin, epicatechin, epigallocatechin, epigallocatechin galate. Bên cạnh đó trong vỏ lụa hạt điều còn chứa hàm lượng lớn các steroid (myo-inositol, cholesterol, campesterol, stigmasterol, sitosterol), β-carotene, lutein, α-zeaxanthin, α-tocopherol và thiamine và nổi bật các nhóm như terpene, flavonoid, terpenoid.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã báo cáo hàm lượng polyphenol trong vỏ lụa hạt điều cao hơn rất nhiều trong socola đen và trà xanh. Cụ thể hoạt chất catechin và epicatechin trong vỏ lụa hạt điều cao gấp 20 lần và 5 lần trong socola đen với giá trị lần lượt là 5,70 và 4,46 g/kg chất khô.
Các nhóm hợp chất trên mang đến nhiều hoạt tính sinh học có giá trị cho vỏ lụa hạt điều, đặc biệt là các hợp chất phenolic được coi là hợp chất chính trong các tác động dược lý, sinh học, cụ thể là khả năng chống oxy hóa, chống viêm, giảm đau, chống dị ứng, khả năng kháng vi khuẩn gây bệnh, chống loét, sát trùng vết thương. Bên cạnh đó, các hoạt chất này được sử dụng như một chất khử trùng cho các bệnh về da. Do đó vỏ lụa hạt điều có nhiều ứng dụng đa dạng trong ngành hóa dược liệu, công nghiệp thực phẩm, mỹ phẩm, hóa chất công nghiệp và các lĩnh vực khác.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng đã chiết xuất thu nhận thành phần hoạt chất sinh học và phân tích hàm lượng các dẫn xuất catechin trong mẫu vỏ lụa hạt điều, nhận thấy rằng hàm lượng catechin, epicatechin và epigallocatechin được tìm thấy trong các mẫu cao chiết từ vỏ lụa hạt điều ở các điều kiện chiết xuất thu nhận khác nhau có hàm lượng khác nhau và hàm lượng hoạt chất của vỏ lụa hạt điều ở các vùng khác nhau là khác nhau. Nhiều nhà khoa học cũng báo cáo rằng hàm lượng hoạt chất catechin trong vỏ lụa hạt điều thường cao hơn trong hạt điều nguyên vỏ hoặc nhân hạt. Điều này cho thấy giá trị ứng dụng của vỏ lụa hạt điều là rất tiềm năng.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Dung - Trưởng phòng Công nghệ Sinh học (Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM) được công bố tại Hội thảo “Thu nhận cao chiết giàu dẫn xuất catechin có hoạt tính sinh học từ vỏ lụa hạt điều (Anacardium occidentale L.) phế phẩm tại Bình Phước ứng dụng tạo sản phẩm chứ năng, nhóm nghiên cứu của Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM đã bước đầu nghiên cứu đã chỉ ra rằng chiết xuất vỏ lụa hạt điều rất giàu các hợp chất polyphenol, đặc biệt là catechin và các dẫn xuất của nó. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy các đặc tính nổi bật của chiết xuất này như kháng oxy hóa, kháng khuẩn, kháng viêm và ức chế enzyme elastase. Nghiên cứu đã hoàn thiện được quy trình thu nhận chiết xuất giàu catechin từ vỏ lụa hạt điều và bước đầu tạo được sản phẩm thử nghiệm dang kem bôi da hỗ trợ làm mờ thâm, sẹo và tái tạo cấu trúc da.
“Tại Việt Nam, hầu như ít nghiên cứu thu nhận hoạt chất sinh học, đặc biệt là catechin có hoạt tính sinh học từ vỏ lụa hạt điều và ứng dụng của nó theo hướng công nghiệp mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và y dược. Do đó việc nghiên cứu mở rộng thêm nhiều hướng ứng dụng mới về vỏ lụa hạt điều trong hướng công nghệ y dược, mỹ phẩm vừa nâng cao giá trị của cây điều, vừa giải quyết vấn đề tận dụng nguồn nguyên liệu phụ phẩm từ việc sản xuất hạt điều, góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân, mang lại hiệu quả kinh tế cho các địa phương trồng điều, đặc biệt mang đến hiệu quả kinh tế cho tỉnh Bình Phước. Điều này hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn của Nhà nước ta” - Thạc sĩ Nguyễn Thị Dung chia sẻ.
Có thể thấy, vỏ lụa hạt điều cũng đã từng được nghiên cứu để ứng dụng vào nhiên liệu đốt rẻ tiền, làm phân bón, tạo màu... Tuy nhiên, với những nghiên cứu này từ Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM, chúng ta có thể kỳ vọng vào những ứng dụng mới mang lại giá trị, hiệu quả kinh tế từ vỏ lụa hạt điều trong tương lai gần. Điều này sẽ góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân, mang lại hiệu quả kinh tế cho các địa phương trồng điều.
Anh Đức
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/tiem-nang-ung-dung-moi-nham-mang-lai-hieu-qua-kinh-te-tu-vo-lua-hat-dieu-a32511.html