An Giang: Sản xuất phân hữu cơ từ cây lục bình

STNN - Trung tâm Công nghệ sinh học tỉnh An Giang đã xây dựng quy trình sản xuất phân hữu cơ từ cây lục bình, kết hợp với phụ phẩm nông nghiệp (phân bò, rơm rạ), cho hiệu quả tốt trên rau màu trong thử nghiệm.

Lục bình hay bèo tây, bèo Nhật Bản… là loài thủy sinh phổ biến ở miền Tây, có tốc độ sinh trưởng và phát triển rất nhanh. Trong môi trường tự nhiên, lục bình có vai trò lọc nước, giúp giảm ô nhiễm môi trường do có khả năng hấp thụ những kim loại nặng như chì, thủy ngân,…

Tuy nhiên, nếu lục bình phát triển nhanh, tạo thành lớp dày đặc trên mặt nước thì lại cản trở việc đi lại bằng ghe, thuyền. Ngoài ra, nếu lục bình che phủ mặt nước, lưu thông của dòng chảy sẽ bị hạn chế, gây tắc nghẽn cống rãnh, kênh mương, ảnh hưởng đến việc tưới tiêu nông nghiệp. Bên cạnh đó, các đám lục bình dày đặc là nơi trú ngụ của muỗi và côn trùng, tăng nguy cơ bùng phát bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết. Đó là chưa kể, khi chết và phân hủy, lục bình làm giảm oxy trong nước, ảnh hưởng đến hệ sinh thái dưới nước, gây nguy cơ ô nhiễm và làm chết cá, tôm,...

Tại An Giang, việc khai thác và sử dụng lục bình hiện nay chưa đa dạng và bền vững. Chỉ một số ít lục bình được dùng làm hàng thủ công hoặc ủ phân hữu cơ, còn lại chủ yếu bị vứt bỏ. Trong khi đó, lục bình chứa một số nguyên tố như nitơ, phốt pho, chất hữu cơ,… có lợi cho sự phát triển của cây trồng. Vì vậy, Trung tâm Công nghệ sinh học tỉnh An Giang đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu sản xuất phân hữu cơ từ nguyên liệu lục bình sử dụng trong sản xuất rau, màu”.

an-giang-san-xuat-phan-huu-co-tu-cay-luc-binh-1-1733469909.gif
Ủ phân hữu cơ từ cây lục bình. Ảnh: NNC

Ngoài việc sử dụng nguyên liệu lục bình (độ ẩm 70%) được cắt nhỏ, nhóm thực hiện phối trộn thêm rơm, phân bò khô, bổ sung chế phẩm emuniv và trichoderma, có tác dụng giúp phân giải nhanh các chất hữu cơ, tăng cường hệ vi sinh vật có lợi trong phân bón, khử mùi hôi và loại bỏ được các khuẩn gây hại,...

Sau 12 tháng thực hiện (từ tháng 8/2023 đến tháng 7/2024), nhóm đã xây dựng được quy trình sản xuất phân hữu cơ từ nguyên liệu lục bình, với thời gian ủ dưới 30 ngày và giá thành sản phẩm thấp hơn 20% so với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Chất lượng phân hữu cơ này đảm bảo theo TCVN 7185:2002 (độ ẩm ≤ 35%, pH từ 6,0 - 8,0, N ≥ 25%, P= 2,5%, K ≥ 1,5%, Pb < 200 mg/kg, Hg ≤ 2 mg/kg, Salmonella = 0).

an-giang-san-xuat-phan-huu-co-tu-cay-luc-binh-2-1733469909.gif
Thử nghiệm bón phân trên rau cải ngọt. Ảnh: NNC

Thử nghiệm cho thấy, cải ngọt được trồng bằng phân hữu cơ sản xuất từ lục bình sinh trưởng và phát triển tốt, đáp ứng yêu cầu về hàm lượng Nitrate ≤ 500 mg/kg, theo Quyết định số 99/2008/QĐ-BNN về quy định quản lý sản xuất, kinh doanh rau, quả và chè an toàn. Tỷ lệ phối trộn 75% phân hoá học NPK và 25% phân lục bình cho năng suất thực tế cao nhất là 1,5kg/m2. Nếu chỉ dùng phân lục bình thì năng suất đạt 1,29kg/m2.

Trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm còn tổ chức tập huấn cho người dân, cán bộ kỹ thuật về quy trình sản xuất phân hữu cơ và quy trình canh tác cải ngọt sử dụng phân hữu cơ từ nguyên liệu lục bình.

Đề tài đã được Sở KH&CN An Giang đánh giá cao và nghiệm thu để chuyển giao cho Trung tâm Khuyến nông, Hội Nông dân, hợp tác xã, người dân sản xuất rau, màu trên địa bàn tỉnh nhằm nhân rộng mô hình và thay thế phân bón hóa học phân hữu cơ.

Thạch Thảo

Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/an-giang-san-xuat-phan-huu-co-tu-cay-luc-binh-a32555.html