Không chỉ có mức giá cao hơn đáng kể so với các năm trước, giá gạo Việt Nam hiện nay còn thuộc nhóm cao nhất thế giới. Tính đến ngày 4/12/2024, giá gạo 5% tấm của Việt Nam là 517 USD/tấn, vượt xa Thái Lan (499 USD/tấn), Ấn Độ (451 USD/tấn) và Pakistan (453 USD/tấn).
Theo các doanh nghiệp, thành công này phản ánh sự chuyển biến trong cơ cấu sản xuất. Người nông dân ngày càng chú trọng vào các giống lúa thơm, chất lượng cao để phục vụ xuất khẩu. Nhờ vào chất lượng vượt trội, gạo Việt Nam được thị trường quốc tế ưa chuộng và thường đạt giá cao hơn so với nhiều quốc gia khác, thậm chí nhiều lúc đứng đầu thế giới.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 95% giống lúa trồng tại Việt Nam là giống chất lượng cao, trong khi 89% sản lượng gạo cũng thuộc phân khúc này. Giá xuất khẩu bình quân duy trì ở mức 627 USD một tấn, bất chấp sự cạnh tranh từ Ấn Độ khi nước này trở lại thị trường.
Về thị trường xuất khẩu, Philippines dẫn đầu với 46,1% thị phần, tiếp theo là Indonesia (13,5%) và Malaysia (8,2%). Ngược lại, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu gạo từ Myanmar, Pakistan và Campuchia để tận dụng nguồn cung giá rẻ, nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và ổn định sản xuất. Những con số này không chỉ cho thấy sự linh hoạt trong chiến lược mà còn khẳng định vị thế ngày càng lớn của Việt Nam trên thị trường lúa gạo toàn cầu.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhìn nhận: "Tôi nghĩ đó là kết quả của một quá trình dài ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương bền bỉ thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đặc biệt là sản xuất lúa gạo theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng, tiến tới giảm phát thải bằng Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp đang được Bộ NN-PTNT phối hợp với các địa phương triển khai mạnh mẽ ở khu vực ĐBSCL".
Thu Huyền (t/h)
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/ky-luc-moi-cua-xuat-khau-gao-viet-nam-a32569.html