Vợ chồng nữ giảng viên dệt “vải xanh từ lá dứa”, tạo sinh kế cho nông dân

STNN - Là giảng viên đại học ngành Môi trường tại Hà Nội, ThS Vũ Thị Liễu đau đáu, trăn trở trước tình trạng phát thải từ các vùng trồng dứa. Chị khát khao chế biến lá dứa – phụ phẩm nông nghiệp thành “vải xanh” thân thiện môi trường. May mắn, tâm huyết của chị luôn được chồng hết lòng ủng hộ...

Khát vọng sản xuất “vải xanh” từ “rác thải nông nghiệp”

Nhân vật trong câu chuyện là chị Vũ Thị Liễu (sinh năm 1984) – nữ giảng viên đại học, nhà sáng lập Ecosoi – doanh nghiệp sản xuất sợi, vải từ lá dứa, góp phần bảo vệ môi trường và tạo sinh kế cho nông dân.

Chị Liễu tốt nghiệp ngành Môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2010. Sau đó, chị trở thành giảng viên của một trường đại học lớn tại Hà Nội. Trong quá trình công tác, ngoài giờ giảng dạy, chị đã dày công nghiên cứu về sợi thực vật. Tình cờ, năm 2020, trong một chuyến công tác cùng chồng, anh Trịnh Văn Bẩy (sinh năm 1973, là cán bộ của một doanh nghiệp thuộc Quân đội), chị dừng chân tại vùng trồng dứa ở Bắc Trung Bộ. Chứng kiến bà con phay và đốt lá dứa, chị Liễu trăn trở và nảy ra ý tưởng: “Làm sao để biến lá dứa, một phụ phẩm nông nghiệp hay còn gọi là rác thải nông nghiệp, trở thành dòng vải thân thiện và nguyên liệu tốt cho ngành thời trang?”.

vo-chong-chi-lieu-1734881702.jpg
Vợ chồng CEO Vũ Thị Liễu cùng nhau nỗ lực mỗi ngày vun đắp cho Ecosoi phát triển.
ceo-vu-thi-lieu-1734881782.jpg
Nữ giảng viên, nhà sáng lập Ecosoi Vũ Thị Liễu say sưa kể về hành trình sản xuất sợi, vải dứa.

Chị chia sẻ: “Nước ta có hơn 47.000 ha trồng dứa. Mỗi năm, nông dân thu hoạch hơn 1 triệu tấn quả. Có đến vài triệu tấn lá dứa thải ra môi trường, người ta phay và đốt hoặc sử dụng thuốc để phun rồi đốt để giảm thời gian và công sức xử lý. Hệ quả của việc này là hàng trăm nghìn tấn CO2 được thải ra môi trường, gây ô nhiễm không khí và ô nhiễm nguồn nước ngầm, lâu dài sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người. Vợ chồng mình trăn trở làm thế nào để bà con nông dân không xử lý lá dứa như vậy nữa? Tìm tòi, suy tính và rồi ý tưởng sản xuất sợi, vải từ lá dứa lóe lên”.

Để tìm hiểu vùng nguyên liệu cho dự án “khởi nghiệp xanh”, quãng thời gian năm 2020 đến tháng 02/2021, tranh thủ các ngày nghỉ vợ chồng chị Liễu đã đi khảo sát hàng chục vùng trồng dứa trên cả nước. Quyết tâm chuyển đổi phụ phẩm nông nghiệp thành sản phẩm hữu ích, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị nông sản Việt, đồng thời tạo thêm sinh kế cho nông dân, tháng 03/2021, vợ chồng chị Liễu và cộng sự thành lập Công ty CP Nghiên cứu sản xuất và Phát triển sợi Eco (Ecosoi). “Doanh nghiệp ra đời với sứ mệnh chế biến, cung cấp cho thị trường trong nước và quốc tế các loại sợi thiên nhiên, góp phần xanh hóa ngành dệt may và thời trang, giảm lãng phí phụ phẩm nông nghiệp, bảo vệ môi trường”, chị Liễu chia sẻ.

Gian nan khởi nghiệp

Những ngày khởi nghiệp của nhà sáng lập Ecosoi và các cộng sự chồng chất khó khăn. Huy động vốn được 1 tỷ đồng, công ty nhanh chóng tiêu tốn hết 800 triệu đồng cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển sản phẩm. Chị Liễu hồi tưởng: “Chúng tôi xuất phát rất khó khăn bởi nguồn vốn eo hẹp. Là một startup, chúng tôi vừa phải đổ tiền vào nghiên cứu phát triển sản phẩm, vừa phải tiếp thị để chinh phục thị trường. Muốn tách sợi và sản xuất vải, chúng tôi phải chế tạo các loại máy gồm máy tách sợi, máy đánh bông, máy chải sợi vô cùng gian nan”.

Chị Liễu nhận định, khó nhất là phải nghiên cứu từ đầu, làm chủ công nghệ. Quá trình phát triển ý tưởng, thiết kế máy khiến chị và các cộng sự nhiều đêm không ngủ. Sau nhiều lần đặt hàng chế tạo theo ý tưởng riêng tiêu tốn hàng trăm triệu đồng mới thành công. “Máy tách sợi dứa của Ecosoi có công suất xử lý 300 kg lá dứa/8 giờ. Lượng lá dứa trên sẽ cho ra 5 kg xơ khô. Từ xơ, chúng tôi nghiên cứu công nghệ bông hóa, kéo sợi và dệt vải, rất công phu”, chị nói.

tach-soi-1-1734882071.JPG
Nông dân liên kết với Ecosoi đang thao tác tách sợi dứa.

Anh Trịnh Văn Bẩy (Giám đốc sản xuất Công ty Ecosoi, người chồng luôn sát cánh cùng chị Liễu “dệt sự sống bằng sợi xanh”) tâm sự: “Từ khâu kéo sợi đến bông hóa sợi là một quá trình gian truân. Phải mất đến hàng năm nghiên cứu, cải tiến, chúng tôi mới biến sợi thô thành sợi bông và kéo sợi vải được. Sau những vất vả ngóng trông, đầu năm 2023, những cuộn sợi thô thành phẩm đầu tiên ra đời. Công ty tiếp tục nghiên cứu để chế biến sợi thô thành vải thời trang. Để sản xuất vải, nhân sự công ty phải “chạy như con thoi” đến các làng dệt, các doanh nghiệp may mặc mời gọi liên kết, đồng hành cùng dự án. Chúng tôi đến nhiều nơi gặp nhiều doanh nghiệp, rất ít người ủng hộ, đa phần họ hoài nghi".

"Với tâm niệm sản xuất dòng “vải xanh” lành tính cho cả người sử dụng lẫn môi trường, công ty không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào trong vùng nguyên liệu cũng như các công đoạn sản xuất sợi, vải dứa. Muốn thực hiện, được công ty phải tổ chức nhiều buổi tập huấn, tuyên truyền để thay đổi thói quen canh tác của các nông hộ liên kết trong vùng nguyên liệu”, anh Bẩy nói.

anh-bay-gioi-thieu-san-pham-soi-tho-1734882116.jpg
Anh Trịnh Văn Bẩy cho biết, do không sử dụng hóa chất từ vùng trồng cho đến sản xuất sợi nên sản phẩm sợi của công ty có màu vàng ngà đặc trưng.

Quá trình sản xuất sản phẩm đã đầy gian truân, vậy nhưng có sản phẩm rồi bán cũng chẳng dễ dàng. Chị Liễu tâm sự: “Thời gian đầu sản xuất, nhiều đơn vị kéo sợi từ chối hợp tác, họ hoài nghi liệu chúng tôi có kéo sợi thành công hay chỉ tốn công vô ích? Sợi và vải dứa là sản phẩm mới mẻ, kỳ công mới sản xuất được nhưng tiêu thụ chẳng dễ chút nào. Chúng tôi đến đâu giới thiệu sản phẩm người ta cũng trầm trồ, song họ không mua. Người tiêu dùng, doanh nghiệp trong nước chưa có niềm tin vào sản phẩm mới. Không nản chí, chúng tôi tham gia các hội chợ nông sản, tích cực giao lưu với các trường học, tổ chức. Đồng thời, chúng tôi xây dựng kênh quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội lan tỏa giá trị về sản phẩm và tâm huyết của Ecosoi”.

Liên kết tạo sinh kế cho nông dân

Giám đốc Ecosoi chia vui, công ty phát triển 2 dòng máy tách sợi gồm dòng máy lớn phục vụ cho xưởng, máy nhỏ di động trên mọi địa hình thuận tiện cho nông dân tuốt lá dứa kéo sợi. “Một máy chỉ có giá chỉ vài chục triệu đồng, một ngày có thể xử lý 300 kg lá dứa tươi, cho sản lượng xơ khô khoảng 5 kg. Một hộ với 3-5 ha dứa có thể có thêm thu nhập 200-300 triệu đồng bởi tách sợi từ lá dứa. Hộ nào trồng ít cũng có thể thu nhập thêm vài triệu đồng mỗi tháng”, chị nói.

“Có máy rồi, Ecosoi triển khai chuyển giao công nghệ tách sợi, đặt hàng các hợp tác xã có sẵn vùng nguyên liệu, nguồn lao động địa phương… để họ chủ động sản xuất và bán lại sợi thô cho công ty. Lúc mới triển khai, công ty cho mượn máy đổi sản phẩm sợi; sau này, để nâng cao trách nhiệm nông hộ liên kết, công ty chuyển sang bán máy và hỗ trợ bà con trả góp một nửa giá trị máy bằng sản phẩm sợi. Hiện, công ty đang mở rộng chuyển giao công nghệ vào tới Tây Nguyên”, chị chia sẻ tiếp.

rua-soi-1734882362.JPG
Sau khi tách sợi, nông dân tiến hành rửa sợi thô trước khi phơi.
phoi-soi-1734882420.JPG
Nông dân phơi khô sợi dứa thô. Hợp tác với Ecosoi tận dụng nguồn lá dứa để tách sợi, nông dân có thêm một nguồn thu nhập để cải thiện đời sống và cùng chung tay giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường sống.

Vượt lên những khó khăn, công ty đã dệt vải thành công qua 2 phương thức. Thứ nhất, thông qua xưởng kéo sợi của công ty kết hợp các làng dệt thủ công như Nha Xá (Hà Nam). Thứ hai, cung cấp sợi đặt hàng một doanh nghiệp dệt may lớn tại Nam Định dệt vải. Anh Trịnh Văn Bẩy thông tin: “Hiện nay, công ty bao tiêu sợi dứa cho khoảng 5.000 ha trồng dứa ở Thanh Hóa và hơn 2.000 ha ở Nghệ An. Về sản phẩm, công ty có đa dạng sản phẩm từ sợi cho đến các loại vải chất lượng cao phục vụ dệt kim, dệt hoa”.

Xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững

Tâm sự về câu chuyện xây dựng, vận hành doanh nghiệp, chị Vũ Thị Liễu bảo, chị may mắn khi có anh Bẩy, người chồng luôn thấu hiểu, “hy sinh sự nghiệp bản thân” để toàn tâm toàn ý hỗ trợ vợ khởi nghiệp. Chuyện là, anh Bẩy, vốn đang ở “độ chín” của sự nghiệp với tiền đồ rộng mở, nhưng đã xin về hưu sớm để “sát cánh” cùng vợ dựng xây doanh nghiệp. Vợ chồng chị và cộng sự xác định phát triển công ty theo chiến lược bền vững. Trong đó, 03 trụ cột là Môi trường, Xã hội và Quản trị.

tham-vung-trong-1734882482.JPG
Nữ giảng viên, CEO Vũ Thị Liễu thường xuyên xuống thăm vùng nguyên liệu.

Về mặt môi trường: Ecosoi có sự vượt trội về công nghệ khi chỉ cần 55 kg lá dứa để sản xuất 1 kg xơ thô, trong khi các đơn vị khác cần tới 67 kg. Hơn nữa, để sản xuất 1 mét vải, Ecosoi chỉ tiêu tốn 30 lít nước cho công đoạn chế biến sợi, còn các đơn vị khác tiêu tốn đến 65 lít. “Chuyển đổi 1 kg lá dứa sẽ giảm phát thải khoảng 6 kg CO2, và việc xử lý hàng nghìn tấn lá dứa sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho môi trường. Đặc thù của vải dứa là xơ sợi thiên nhiên, lành tính, an toàn cho da, thấm hút mồ hôi tốt, kháng khuẩn, kháng tia UV và có độ bền cao. Bã dứa cũng được nông dân tận dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc ủ thành phân vi sinh. Với việc tận dụng và tái chế phụ phẩm nông nghiệp thành sản phẩm thân thiện với môi trường, công ty đã góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và chống biến đổi khí hậu”, Giám đốc Ecosoi chia sẻ.

ba-dua-1734882519.JPG
Liên kết với Ecosoi nông dân còn sử dụng nguồn "mùn" dứa làm thức ăn chăn nuôi, ủ phân vi sinh rất ích lợi cho kinh tế nông hộ và góp phần bảo vệ môi trường.

Về mặt xã hội: Ecosoi tạo thêm sinh kế cho nông dân, tăng thu nhập cho nông dân, những người yếu thế, phụ nữ nông thôn. “Ngoài tạo thêm thu nhập cho nông dân, thúc đẩy phát triển làng nghề dệt thủ công, các chính sách liên kết của công ty luôn chú trọng đến bình đẳng giới. Ecosoi xây dựng văn hóa “Hợp tác – Trách nhiệm – Sáng tạo” đề cao sự hợp tác bền vững, luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng và môi trường, đồng thời không ngừng sáng tạo để mang lại những giải pháp đột phá trong sản xuất”.

Về mặt quản trị, CEO Vũ Thị Liễu cho hay: “Công ty chú trọng xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp, phân quyền, trách nhiệm rõ ràng. Công ty đề cao tính minh bạch, có quy trình nghiêm ngặt kiểm soát chất lượng sản phẩm, quy trình ra quyết định, chính sách quản lý rủi ro. Xác định còn những tiêu chí phải xây dựng theo hướng phát triển bền vững nên chúng tôi nỗ lực từng ngày để công ty ngày một tốt hơn”, chị tâm sự.

Những thành quả ngọt ngào...

Nhìn lại 3 năm vượt khó, Ecosoi đã ghi nhiều dấu ấn thành công. Sản phẩm của công ty đã xuất khẩu sang nhiều nước như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ… Sản phẩm của Ecosoi còn “góp mặt” trong các sự kiện “thời trang xanh” tại nhiều nơi trên thế giới. Từ những “dòng sợi xanh”, Ecosoi đã phát triển đa dạng sản phẩm gồm: sợi, hàng chục loại vải dứa, khăn tắm, khăn quàng cổ. Được biết, sắp tới công ty sẽ ra mắt lô áo thun đầu tiên... Vui hơn, từ chỗ “trắng khách hàng” tại thị trường Việt, mới đây, doanh nghiệp đã có đơn đặt hàng 1,5 tấn sợi từ khách hàng trong nước. Đây là tín hiệu vui cho những nỗ lực của tập thể lãnh đạo, nhân viên Ecosoi.

chi-lieu-gioi-thieu-san-pham-vai-1734883267.jpg
Chị Vũ Thị Liễu phấn khởi chia sẻ về các sản phẩm của Ecosoi.
san-pham-soi-den-vai-1734883302.jpg
Từ những chiếc lá dứa tưởng như phế thải Ecosoi và nông dân đã tạo nên sản phẩm sợi dứa và hàng chục loại vải đẹp mắt, chất lượng cao phục vụ nhu cầu phát triển của ngành dệt may.
cac-loai-vai-1-1734883383.jpg
Đa sắc màu các loại vải dứa của Ecosoi.
san-pham-thoi-trang-1734883891.jpg
Sợi vải dứa của Ecosoi hiện góp mặt trong bộ sưu tập thời trang “Bình Minh” của Nhà thiết kế Vũ Việt Hà trình diễn tại Tokyo, Nhật Bản (tháng 11/2023) nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản.

Không ngừng cố gắng, Ecosoi và CEO Vũ Thị Liễu đã đoạt được nhiều giải thưởng danh giá như: Dự án “Ecosoi Nguyên liệu bền vững - Thời trang cao cấp” giải Nhì “Chương trình Phát triển Dự án khởi nghiệp Quốc gia năm 2021”; “Top 15 Cuộc thi Giải pháp tương lai 2021 Bảng Doanh nghiệp – TECHFEST 2021”; Giải thưởng Én xanh 2021 chứng nhận Ecosoi “Cánh én kiên cường - Vượt bão giông”…

chung-nhan-3-1734882649.png

Chị Vũ Thị Liễu và Ecosoi đoạt nhiều giải thưởng danh giá, trong đó, tiêu biểu là giải Nhì “Chương trình Phát triển Dự án khởi nghiệp Quốc gia năm 2021”.

Dấu ấn đặc biệt, hơn 2 năm trước, tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 5, nhà sáng lập Ecosoi đã gây ấn tượng bằng sự chân thành, nhiệt huyết với dự án giàu trách nhiệm xã hội. Chị “chốt deal” gọi vốn thành công và lan tỏa ý nghĩa dự án kinh tế xanh bền vững tới hàng triệu khán giả truyền hình. CEO Vũ Thị Liễu nói, vợ chồng chị và các cộng sự nỗ lực từng ngày để tô điểm cuộc đời bằng sắc vải tươi đẹp, như thông điệp slogan công ty đã viết: “Weaving life with green fibers - Dệt sự sống bằng sợi xanh”.

Đăng Trình

Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/vo-chong-nu-giang-vien-det-vai-xanh-tu-la-dua-tao-sinh-ke-cho-nong-dan-a32621.html