Nông nghiệp Việt Nam: Đảm bảo an ninh lương thực, mở rộng thị trường xuất khẩu

STNN - Bộ NN-PTNT cho biết, năm 2024 giá trị sản xuất (GO) toàn ngành có mức tăng trưởng ước đạt 3,3%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản (NLTS) đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023; xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục mới 17,9 tỷ USD, tăng 46,8%.

z6106013135004e914bd2abcf94bf39160d456180cd0a1-1735266415237686812795-1735280483.jpg
Xuất khẩu rau quả ước đạt 7,2 tỷ USD năm 2024 - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

7 nhóm hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD

Xuất khẩu nông sản chính trong năm qua đạt 32,8 tỷ USD, tăng 22,4%; chăn nuôi: 533,6 triệu USD, tăng 6,5%; lâm sản chính: 17,28 tỷ USD, tăng 19,4%; thủy sản: 10,07 tỷ USD, tăng 12,2%. Đặc biệt so với năm 2023 đã có thêm 1 nhóm hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD (tăng 1 sản phẩm so với năm 2023) đó là gỗ và sản phẩm gỗ, rau quả, gạo, cà phê, hạt điều, tôm và cao su.

Bộ NN&PTNT nhìn nhận, trong năm 2024, cơ cấu kinh tế ngành, cơ cấu sản xuất nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch, điều chỉnh phù hợp, tích hợp đa giá trị, hiệu quả hơn gắn với thị trường, tăng tỷ trọng các tiểu ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và giá trị cao.

Năng suất, sản lượng lúa Đông xuân, lúa Hè thu và một số cây ăn quả, cây công nghiệp chủ lực đều tăng so với cùng kỳ năm 2023; sản lượng thịt hơi các loại, sản lượng thủy sản đều tăng..., trong đó, sản lượng lúa cả năm đạt gần 43,7 triệu tấn, tăng 0,4%; năng suất đạt 61,4 tạ/ha, tăng 0,3 tạ/ha (tăng 0,5%), đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, chế biến, làm thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu gạo khoảng 9 triệu tấn.

Cây công nghiệp, cây ăn quả chủ lực, như sầu riêng đạt 1,45 triệu tấn, tăng 21,2%; Thanh Long đạt1,35 triệu tấn, tăng 13,3%; Cao su đạt gần 1,37 triệu tấn, tăng 7,5%; Cà phê đạt 1,95 triệu tấn, giảm 0,3 %; Điều đạt 340,1 nghìn tấn, giảm 2,2%.

Về Chăn nuôi, sản lượng thịt hơi các loại ước đạt 8,1 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm 2023; trong đó thịt lợn hơi 5 triệu tấn, tăng 3,7%; thịt gia cầm hơi 2,4 triệu tấn, tăng 3,8%; Sản lượng sữa tươi 1,2 triệu tấn, tăng 2,1%; trứng 19,7 tỷ quả, tăng 2,8%. Sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi 21,5 triệu tấn, tăng 3,4%.

Sản xuất thủy sản phát triển ổn định nhờ thời tiết thuận lợi cho cả nuôi trồng và khai thác. Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 9,6 triệu tấn, tăng 2,4%; trong đó khai thác 3,86 triệu tấn, tăng 0,6% và nuôi trồng 5,75 triệu tấn, tăng 3,7%.

Về Lâm nghiệp, năm 2024 diện tích rừng trồng tập trung ước 282 nghìn ha, tăng 0,2% và 130 triệu cây phân tán; sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng ước 22,88 triệu m3, tăng 9,8%; thu dịch vụ môi trường rừng trên 3.400 tỷ đồng (vượt 7% kế hoạch); cấp chứng chỉ rừng quản lý bền vững (FSC và VFCS/PEFC) lũy kế đến nay 610 nghìn ha, vượt 20% mục tiêu đến năm 2025. Diêm nghiệp, năm 2024, diện tích sản xuất muối ước 10.872 ha, giảm 0,11%; sản lượng khoảng 1.100 nghìn tấn, tăng 23,6%.

Mặc dù thời tiết bất lợi (nắng nóng, hạn mặn… do Elnino và thiệt hại nặng nề từ cơn Bão số 3 - khoảng 83.746 tỷ đồng), nhưng Bộ NN&PTNT đã quyết liệt, chủ động chỉ đạo đồng bộ các giải pháp từ sớm, từ xa; do đó đã hạn chế được tối đa thiệt hại trên các cây trồng chủ lực. Kịp thời phối hợp với các bộ, ngành và địa phương có liên quan tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai đồng bộ các nhóm chính sách, giải pháp hỗ trợ, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 để nhanh chóng ổn định đời sống người dân, khôi phục sản xuất nông nghiệp.

lua-17352664980411547634880-1735280483.jpg
Từ trung ương đến địa phương đã chuyển đổi tư duy sang kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng hàng nông sản - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Chuyển đổi sang tư duy kinh tế nông nghiệp

Một trong những thành tựu Bộ NN-PTNT đánh giá trong năm 2024 là toàn ngành đã tạo ra sự chuyển biến tích cực, thống nhất từ trung ương đến địa phương về chuyển đổi tư duy sang kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng hàng nông sản.

Cụ thể, nhiều diện tích lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang cây trồng khác, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả hơn; áp dụng cơ giới hóa, tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất hữu cơ, sử dụng giống lúa chất lượng cao nên năng suất lúa bình quân năm 2024 tăng 0,3 tạ/ha; áp dụng thành công quy trình rải vụ cho hiệu quả kinh tế cao hơn từ 1,5 đến 2 lần tại các tỉnh ĐBSCL; tỷ lệ diện tích rừng trồng được kiểm soát chất lượng giống đạt 85- 90%.

Các địa phương đã thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã đạt được nhiều kết quả tích cực phục vụ nhu cầu của thị trường xuất khẩu; Nhiều mô hình nông nghiệp sinh thái, xanh, hữu cơ có hiệu quả kinh tế được phát triển; Nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả; số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp gia tăng; Số lượng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên tăng mạnh tạo điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Các địa phương đang từng bước thay đổi từ cách tiếp cận nông nghiệp nâu sang nông nghiệp xanh, tăng cường áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, giảm thâm dụng tài nguyên và vật tư đầu vào (tăng sử dụng thuốc BVTV sinh học và phân bón hữu cơ, giảm sử dụng thuốc BVTV và phân bón vô cơ...); các mô hình lúa chuyên canh cho kết quả, hiệu quả tốt; phát triển chăn nuôi bền vững theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học.

Việc phê duyệt, triển khai các Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang các thị trường lớn (Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU) từ năm 2023, kết hợp triển khai các giải pháp mở cửa thị trường mới còn nhiều tiềm năng và đàm phán, ký kết các đơn hàng mới trong năm 2024 đã có hiệu quả. Tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS và thặng dư thương mại toàn ngành lập kỷ lục mới, lần lượt đạt 62,5 tỷ USD tăng 18,7% và 17,9 tỷ USD, tăng 46,8%.

Ngành nông nghiệp đã tổ chức triển khai có hiệu quả Đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao; đã tập trung xây dựng và trình ban hành nhiều chính sách quan trọng và 4 Quy hoạch Ngành cấp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc phát triển Ngành theo đúng định hướng tại Nghị quyết số 19/NQ-TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chiến lược 150 về phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững.

Một số dự án đầu tư công triển khai vượt tiến độ, như: Cống âu Nguyễn Tấn Thành, tỉnh Tiền Giang: Hoàn thành công trình chính kịp phục vụ chống hạn mặn mùa khô 2024; các công trình kè chống sạt lở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vượt tiến độ 2-4 tháng...

Theo Báo Chính phủ

Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/nong-nghiep-viet-nam-dam-bao-an-ninh-luong-thuc-mo-rong-thi-truong-xuat-khau-a32644.html