Làng mai vàng dưới chân núi Hoành Sơn vào xuân

STNN - Dưới chân núi Hoành Sơn, làng mai vàng Kỳ Nam đang vào những ngày rộn ràng, tất bật chăm sóc từng gốc mai để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán. Những cây mai năm cánh khoe sắc vàng rực rỡ như những ngọn lửa ấm áp thắp sáng mùa xuân này không chỉ mang lại vẻ đẹp cho ngày Tết, mà còn là nguồn thu nhập giúp người dân nơi đây vươn lên, cải thiện đời sống.

Nét riêng của mai vàng Kỳ Nam

lang-mai-vang-duoi-chan-nui-sinhthainongnghiep-2-min-1736909628.jpg
Mai vàng Kỳ Nam có năm cánh to, màu vàng rực và rất sai hoa.

Núi Hoành Sơn – ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh – ẩn chứa dưới chân núi một ngôi làng trồng mai đã tồn tại từ lâu đời. Người dân xã Kỳ Nam (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, nhờ đặc thù về thổ nhưỡng, cây mai nơi đây phát triển thành ba sắc thái độc đáo: mai rừng (mọc giữa những tán cây hoang dã trong rừng), mai biển (chọn lớn lên dọc bờ biển) và mai cồn (sinh sống trên các cồn cát). Mai vàng Kỳ Nam nổi bật với lá to, bầu, dày, màu xanh đậm, hoa năm cánh nở thành chùm, mang sắc vàng rực rỡ, lâu phai; thân cành cứng cáp, màu nâu đậm. Những đặc điểm này khiến mai vàng Kỳ Nam trở nên khác biệt so với các giống mai ở vùng khác, thường có lá nhỏ, mỏng, xanh ánh vàng, cành nâu nhạt và chủ yếu nở hoa đơn.

lang-mai-vang-duoi-chan-nui-sinhthainongnghiep-6-min-1736909628.jpg
Những búp mai vàng “thức giấc” sớm.

Đặc biệt, mai vàng Kỳ Nam nổi bật với khả năng chịu hạn, chịu úng và thích ứng với khí hậu khô nóng, thiếu nước. Nhờ đặc thù của thổ nhưỡng nơi đây - mảnh đất cằn cỗi và khí hậu khắc nghiệt - mà cây mai vàng đã tự thích nghi để tồn tại và tự “kiến tạo” nên vẻ đẹp độc đáo, không nơi nào sánh được, làm say lòng người mê hoa.

Anh Nguyễn Viết Xuân, một nông dân tại thôn Tân Thành, xã Kỳ Nam, chủ nhân của một trong những vườn mai lớn nhất nhì xã, chia sẻ rằng, anh đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề trồng mai. Hiện tại, vườn của anh sở hữu khoảng 2.000 gốc mai, và những ngày này, gia đình anh đang tất bật chuẩn bị cho các công đoạn chăm sóc nhằm đảm bảo mai nở đúng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Theo kinh nghiệm của anh, để một cây mai phát triển và ra hoa, cần khoảng 5 - 7 năm. Đặc biệt, để đảm bảo mai nở đúng thời điểm, anh thường căn cứ vào yếu tố thời tiết để trảy lá, thường diễn ra vào khoảng từ 15 - 20 tháng 11 âm lịch. Bình quân, mai vàng được anh bán với giá từ 5 - 7 triệu đồng mỗi cây, nhưng cũng có những cây “lão đại” có thể đạt giá lên tới 40 triệu đồng, trong khi những cây nhỏ hơn có giá chỉ khoảng 1 triệu đồng. Vườn mai của anh luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.

lang-mai-vang-duoi-chan-nui-sinhthainongnghiep-3-min-1736909628.jpg
Anh Nguyễn Viết Xuân đang gấp rút hoàn thiện những khâu chăm sóc cuối cùng, để những gốc mai vàng nở đúng dịp Tết Nguyên đán.

Từ tháng 11 âm lịch, đã có nhiều thương lái ghé vườn để đặt những gốc mai cho thị trường Tết Nguyên đán sắp tới, và cũng có những người dân tới đặt cọc sớm để sở hữu những cây mai ưng ý nhất. Theo lời anh Xuân, nếu vụ mai Tết năm nay thắng lợi, gia đình anh có thể thu về khoảng 400 triệu đồng.

Cây mai "đưa" đời sống người dân ngày một đi lên

lang-mai-vang-duoi-chan-nui-sinhthainongnghiep-5-min-1736909628.jpg
Năm nay, gia đình anh Xuân có khoảng 2.000 gốc mai. Mỗi gốc mai là tâm huyết, là niềm hy vọng của cả gia đình trong mùa xuân này.

Mai vàng năm cánh được yêu thích không chỉ bởi vẻ đẹp hoang sơ, thanh thoát mà còn bởi hương thơm dịu nhẹ. Chính vì vậy, người dân xã Kỳ Nam đã trồng loại cây này một cách đại trà để phục vụ cho dịp Tết. Cây mai đã mang lại nguồn thu nhập lớn, giúp vùng quê nghèo ngày nào khởi sắc, thay da đổi thịt.

Khi Tết Nguyên đán đang đến gần, thời điểm này, nông dân nơi đây đang tất bật chăm sóc để hoa nở rực rỡ. Mỗi dịp Tết đến, xuân về, dưới chân núi Hoành Sơn, mai vàng lại khoe sắc, vượt ra khỏi giới hạn của mảnh đất Kỳ Nam, như một lời chào, một thông điệp yêu thương từ những người dân chịu thương, chịu khó gửi đến mọi miền đất nước.

Ông Nguyễn Ngọc Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Nam cho biết: “Hiện nay, trong xã có khoảng 120 hộ trồng mai vàng. Loài cây này, có thể nói, đã trở thành cây kinh tế chủ lực của địa phương trong suốt 10 năm qua. Nhờ vào những lợi ích mà cây mai vàng mang lại, người dân đã chuyển đổi từ những loại cây năng suất thấp sang trồng mai. Sở dĩ mai bản địa được ưa chuộng bởi cánh hoa dày, màu vàng rực rỡ và thời gian nở lâu, tạo nên nét đẹp rất riêng biệt”.

lang-mai-vang-duoi-chan-nui-sinhthainongnghiep-1-min-1736909628.jpg
Làng mai vàng Kỳ Nam dưới chân núi Hoành Sơn.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Nam, hiện tại, địa phương đang đề xuất xây dựng mai vàng trở thành sản phẩm OCOP, đồng thời chuẩn bị hồ sơ trình Sở Khoa học và Công nghệ nhằm bảo tồn làng nghề mai vàng Kỳ Nam.

Hoàng Nghĩa

Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/lang-mai-vang-duoi-chan-nui-hoanh-son-vao-xuan-a32707.html