Rừng lim Tháp Sơn - báu vật vô giá của thiên nhiên

STNN - Khu rừng lim nguyên sinh tại xã Hậu Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) có diện tích hơn 18 ha và tuổi đời hàng trăm năm, được người dân nơi đây coi như một “báu vật” mà thiên nhiên ban tặng cho quê lúa Yên Thành.

Biểu tượng của sức sống bền bỉ 

Rừng lim Tháp Sơn (còn được gọi là Tháp Lĩnh), tọa lạc tại xã Hậu Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, là một trong những khu rừng nguyên sinh nổi bật trong hệ thống sinh thái rừng địa phương. Với diện tích hơn 18 ha, khu rừng này chủ yếu được hình thành từ cây lim cổ thụ, trong đó nhiều cây có tuổi đời lên tới hàng trăm năm.

Theo người dân xóm Thọ Trà, xã Hậu Thành, nguồn gốc của khu rừng lim vẫn còn là một điều bí ẩn không ai biết rõ. Tuy nhiên, từ đời này sang đời khác, người dân nơi đây đã kiên trì bảo vệ khu rừng, để cho đến ngày nay, những cây lim lớn vẫn đứng sừng sững, thân cây to đến mức hai, ba người mới ôm xuể.

Giữa vùng đồng bằng, nơi được coi là “cái nôi” của vùng trồng lúa tỉnh Nghệ An, bất ngờ hiện lên một ngọn đồi xanh tươi với hàng trăm cây gỗ quý. Thật kỳ diệu, trải qua bao thế hệ, rừng lim không những không bị chặt phá mà còn tiếp tục “trường tồn” mạnh mẽ, như biểu tượng của sức sống bền bỉ trên mảnh đất quê hương Yên Thành.

rung-lim-thap-son-stnn-3-1736910955.jpg
 

Ông Lại Xuân Ngân (sinh năm 1961, trú tại xóm Thọ Trà, xã Hậu Thành) là một trong những người gắn bó sâu sắc với cánh rừng lim Tháp Sơn. Ông kể lại rằng: Năm 1986, sau khi rời quân ngũ trở về địa phương, ông đã được chính quyền xã và cộng đồng phân công nhiệm vụ bảo vệ khu rừng lim Tháp Sơn. Trải qua hàng chục năm gắn bó, rừng lim Tháp Sơn đã trở thành một phần đặc biệt quan trọng trong cuộc sống của ông. Với những bữa cơm đạm bạc, những giấc ngủ không sâu giấc dưới tán lim nguyên sinh, ông cùng người dân Hậu Thành đã gìn giữ khu rừng một cách trọn vẹn. 

Theo chân ông Ngân, chúng tôi được khám phá khu rừng lim độc đáo này. Càng đi sâu vào rừng, những cây lim cổ thụ lần lượt hiện ra với kích thước ấn tượng: có cây một người ôm không hết, trong khi những cây lớn thì phải hai hay ba người mới có thể ôm xuể.

Khu rừng lim có độ dốc không lớn. Những cây lim cổ thụ mọc xen kẽ nhau với khoảng cách có vẻ như được tính toán kỹ lưỡng, tạo điều kiện cho chúng có đủ không gian để vươn lên cao và phát triển những tán lá rộng rãi, xanh mướt. Hình ảnh này khiến cả khu rừng trở thành một “tấm màn nhung” xanh mềm mại, rợp mát.

Dưới tán rừng già này, hệ sinh thái thực vật khá hạn chế, chủ yếu do người dân thường xuyên phát xẻ để đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy. Bên cạnh cây lim, khu rừng này còn có sự hiện diện của nhiều cây gỗ quý khác như trai, gụ và dạ hương, góp phần làm phong phú thêm đa dạng sinh học của khu vực.

Ông Nguyễn Hồng Chính, Chủ tịch UBND xã Hậu Thành cho biết: “Khu rừng lim được người dân nơi đây gìn giữ như một báu vật của thiên nhiên và là niềm tự hào của cộng đồng. Để có được khu rừng quý giá này, chính nhờ vào ý thức bảo vệ và gìn giữ của người dân qua nhiều thế hệ. Hàng năm, các tổ chức đoàn thể trong xã đều tham gia phát quang và dọn dẹp thực bì nhằm phòng chống cháy rừng trong mùa hè. Địa phương xác định rằng rừng là tài sản vô giá, như báu vật mà cha ông để lại, vì vậy đã tập trung mọi nỗ lực vào công tác bảo vệ khu rừng này”.

Đền Cả, điểm đến đặc biệt dưới tán rừng lim nguyên sinh

Dưới tán rừng lim cổ thụ hàng trăm năm tuổi, xanh mướt ấy, có một ngôi đền gắn liền với nhiều giai thoại, truyền thuyết. Ngôi đền là điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân địa phương, được biết đến với tên gọi Đền Cả. Hiện tại, do ngôi đền nằm trong khu vực rừng đặc dụng và rừng nguyên sinh, chính quyền địa phương đề xuất quy hoạch để phục dựng nhằm bảo tồn giá trị văn hóa và lịch sử của nó.

rung-lim-thap-son-stnn-2-1736910954.jpg
 

Ông Nguyễn Hồng Chính, Chủ tịch UBND xã Hậu Thành cho biết: Đền Cả có tuổi đời song hành với Đình Mõ tại làng Đức Hậu. Đây là một di tích lịch sử quốc gia, thờ phụng các vị thần Cao Sơn, Cao Các, Thượng tướng quân Phan Ngọc Đệ, Thần khai khẩn Nguyễn Hữu Chỉ, cùng những anh hùng có công với đất nước.

Đình Mõ được xây dựng vào năm 1675, dưới triều đại vua Lê Gia Tông, ban đầu chỉ là một ngôi nhà tranh ba gian. Đến năm 1884, nhân dân xã Hậu Thành đã cùng nhau tôn tạo và xây dựng đình thành ba tòa nhà bằng gỗ lớn, vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

Đình Mõ, rừng lim cổ thụ và Đền Cả đã trở thành những điểm đến trong các tuyến du lịch hấp dẫn khi du khách ghé thăm huyện Yên Thành. Đến với xã Hậu Thành, du khách không chỉ được hòa mình vào cánh rừng già cổ thụ hàng trăm năm tuổi mà còn có cơ hội trải nghiệm văn hóa tâm linh tại di tích quốc gia trong một không gian hết sức đặc biệt.

Với tiềm năng to lớn này, xã Hậu Thành đã từ lâu đưa Đền Cả, nằm dưới tán rừng lim quý hiếm, vào quy hoạch phát triển. Mục tiêu là tái hiện một ngôi đền hàng trăm năm tuổi, linh thiêng giữa rừng lim già, và biến nơi đây thành một trong những điểm đến hấp dẫn cho du khách, kết hợp giữa du lịch sinh thái và tâm linh. Điều này không chỉ giúp bảo tồn cánh rừng nguyên sinh mà còn tạo cơ hội cho mảnh đất gắn liền với nhiều di tích lịch sử và cách mạng “bén duyên” với ngành du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế cho người dân và địa phương.

Hiện nay, huyện Yên Thành đã giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với xã Hậu Thành thực hiện công tác chăm sóc và bảo vệ khu rừng lim Tháp Sơn. Chính quyền huyện Yên Thành xác định khu rừng lim là tài sản vô giá và nghiêm cấm mọi hành vi có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của rừng, đặc biệt là cấm tuyệt đối việc khai thác gỗ trên núi Tháp Sơn” - ông Vũ Tuấn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành khẳng định.

Nguyên Bảo

Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/rung-lim-thap-son-bau-vat-vo-gia-cua-thien-nhien-a32708.html