Nếp than - giống nếp truyền thống của người Cơ Tu
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang hướng tới giá trị bền vững, đồng thời duy trì và bảo vệ hệ sinh thái đất cũng như sức khỏe của người tiêu dùng. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, một số địa phương đang chuyển đổi sang mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, áp dụng cho nhiều loại thực phẩm. Trong số đó, lúa nếp than - một giống nếp truyền thống với màu đen, hương vị thơm ngon và giá trị kinh tế cao - được phát triển làm cơ sở để xây dựng thương hiệu OCOP cho địa phương của người Cơ Tu tại xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông.
Thượng Lộ là một trong 6 xã của huyện Nam Đông có người Cơ Tu sinh sống, chiếm hơn 95% dân số toàn xã. Hoạt động kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Do điều kiện địa hình, đất đai, tài nguyên nước và khí hậu có nhiều bất lợi nên năng suất, sản lượng thấp và diện tích lúa nước toàn xã chỉ khoảng 20 ha, vì vậy việc chuyển đổi mô hình sản xuất là một vấn đề khó khăn. Nhưng với sự quan tâm của chính quyền địa phương, huyện Nam Đông đã hướng dẫn người dân chuyển đổi chuyển đổi 08 ha lúa nước (đồng Kazan 05 ha, đồng Khe Lá 03 ha) sang mô hình trồng lúa nếp than. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân bảo tồn, giữ gìn giống lúa nếp truyền thống này.
Cùng với đó, các phòng, ban liên quan đã phối hợp, hướng dẫn kỹ thuật, chăm sóc, phát triển giống lúa quý. Trong thời gian tới sẽ nhân rộng mô hình, xây dựng thương hiệu OCOP để từng bước giới thiệu, đưa sản phẩm ra thị trường và kết hợp phục du lịch địa phương, tạo nguồn thu nhập cho cộng đồng dân cư. Chỉ mới mùa đầu canh tác, trong vụ Đông Xuân 2024 năng suất đạt 39,37 tạ/ha, mặc dù chưa cao, nhưng chất lượng nếp dẻo, thơm, sạch, giàu chất dinh dưỡng và có giá trị kinh tế cao, hiện nếp than trên thị trường có giá dao động từ 35-40 nghìn đồng/kg. So với gạo và các loại nếp khác thì nếp than cao gấp nhiều lần.
Bảo tồn xây dựng thương hiệu OCOP của địa phương
Nhằm bảo tồn giống nếp than và phát triển mô hình trồng trọt, bà Trần Thị Hoài Trâm, Bí thư Huyện ủy Nam Đông, đã chỉ đạo UBND xã Thượng Lộ tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hiệu quả và bền vững, nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Cùng với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân huyện, xã sẽ tiếp tục hướng dẫn người dân về kỹ thuật và quy trình sản xuất để đảm bảo năng suất và chất lượng, đồng thời phát triển giống và xây dựng thương hiệu OCOP cho địa phương. Điều này được xem là biện pháp tối ưu để hạn chế và kiểm soát ô nhiễm, đảm bảo phát triển nông nghiệp bền vững trong tương lai.
Để phát triển mô hình trồng lúa nếp than tại xã Thượng Lộ, địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền nhằm khuyến khích người dân bảo tồn giống lúa truyền thống với hương vị đặc trưng và giá trị kinh tế cao. Các phòng, ban liên quan sẽ phối hợp hướng dẫn bà con về kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc và phát triển giống lúa. Qua đó, địa phương sẽ từng bước nhân rộng mô hình trồng lúa nếp than, xây dựng thương hiệu OCOP và giới thiệu sản phẩm ra thị trường, kết hợp với phát triển du lịch và dịch vụ. Mô hình này không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định mà còn góp phần bảo tồn và phát triển giống lúa truyền thống. Đặc biệt, mô hình sẽ áp dụng phương pháp sử dụng phân chuồng ủ và quản lý dịch hại tổng hợp, nhằm duy trì mức chất hữu cơ trong canh tác ở phạm vi cho phép.
Trong thời gian tới, Làng văn hóa dân tộc Cơ Tu tại thôn Dỗi sẽ đi vào hoạt động, kết hợp với chợ phiên vùng cao ở huyện Nam Đông. Tại đây, nếp than sẽ là một trong những mặt hàng nông sản sạch được đưa vào thực đơn ẩm thực phục vụ du khách.
Phi Hoàng - Đức Sáng
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/nguoi-co-tu-bao-ton-nhung-hat-ngoc-den-o-huyen-mien-nui-nam-dong-a32728.html