Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân trong xây dựng nông thôn mới ở Nghệ An

STNN - Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tại Nghệ An. Điều này không chỉ giúp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống mà còn gắn với phát triển du lịch nông thôn, hướng đến sự phát triển bền vững.

nang-cao-chat-luong-doi-song-van-hoa-nguoi-dan-tai-nghe-an-stnn-3-3-1737428374.jpg
Bản sắc văn hóa độc đáo tạo nên sự đa dạng và phong phú trong đời sống văn hóa cơ sở – Hình minh họa.

Năm 2024, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng NTM ở Nghệ An tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo từ các cấp, ngành. Các câu lạc bộ văn hóa, nghệ thuật, mô hình văn hóa ở cơ sở cùng nhiều chương trình nghệ thuật, thể thao quần chúng đã được tổ chức với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, nhằm lan tỏa các giá trị văn hóa, khích lệ tinh thần đoàn kết trong cộng đồng.

Phong trào xây dựng thôn, bản văn hóa, gia đình văn hóa ngày càng phát triển sâu rộng và thiết thực. Việc quy hoạch và quản lý quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở; rà soát đề xuất phương án xử lý các cơ sở vật chất văn hóa dôi dư theo quy định của pháp luật đang được chính quyền địa phương các cấp chỉ đạo triển khai thực hiện nhằm từng bước hoàn thiện thiết chế văn hóa, thể thao, đáp ứng nhu cầu tổ chức các hoạt động cộng đồng sau sáp nhập các đơn vị xóm, thôn, bản. Nhiều hoạt động bảo vệ, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đã được tổ chức, góp phần vào sự phát triển văn hóa cộng đồng, bảo tồn những phong tục tập quán tốt đẹp.

Các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở ngày càng phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Toàn tỉnh hiện có 21 đội tuyên truyền lưu động cấp huyện, tổ chức 1.050 buổi phục vụ khoảng 340.000 lượt người; 3.905 đội văn nghệ quần chúng cấp xã, thôn, bản, khối, xóm và 2.302 câu lạc bộ cấp huyện, cấp xã đã được thành lập. Các hoạt động văn nghệ, thể thao quần chúng, sinh hoạt câu lạc bộ, thông tin cổ động, đọc sách và xây dựng nếp sống văn hóa được tổ chức thường xuyên, đều đặn.

Hàng năm, mỗi xã tổ chức từ 20 đến 30 buổi hoạt động văn hóa, thể thao tại chỗ. Nhiều mô hình đã được xây dựng và nhân rộng nhằm phát huy hiệu quả của các thiết chế văn hóa, với 205 mô hình văn hóa tiêu biểu cấp tỉnh và 286 mô hình văn hóa cấp huyện.

nang-cao-chat-luong-doi-song-van-hoa-nguoi-dan-tai-nghe-an-stnn-3-2-1737428374.jpg
Các hoạt động văn hóa thu hút đông đảo bà con tham gia – Hình minh họa.

Các hoạt động tại nhà văn hóa và khu thể thao xóm, bản do Chi đoàn Thanh niên, Chi hội Phụ nữ, Chi hội Cựu chiến binh, Chi hội Người cao tuổi và Chi hội Nông dân tổ chức thu hút hàng nghìn lượt người tham gia. Đặc biệt, các hoạt động thể thao quần chúng như bóng chuyền hơi, bóng đá, dân vũ và sinh hoạt câu lạc bộ phát triển mạnh mẽ tại các thiết chế văn hóa, thể thao thôn.

Ngoài ra, nhiều sự kiện như ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, chúc thọ người già, và các nội dung họp thôn, họp chi bộ cũng được triển khai thường xuyên. Các hoạt động cho thiếu nhi, sinh hoạt của Hội Người cao tuổi và Hội Phụ nữ, cùng với việc xây dựng và tôn vinh gia đình văn hóa, làng, bản, và đơn vị văn hóa, đều góp phần thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở khu dân cư.

Tính đến tháng 10/2024, toàn tỉnh có 204 mô hình văn hóa tiêu biểu cấp tỉnh được công nhận. Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ mục tiêu bảo tồn và phát triển được đặc biệt quan tâm.

nang-cao-chat-luong-doi-song-van-hoa-nguoi-dan-tai-nghe-an-stnn-3-1-1737428374.jpg
Bên gian hàng sản phẩm truyền thống địa phương - Hình minh họa.

Toàn tỉnh đang lưu giữ một hệ thống di sản phong phú và đa dạng với 2.602 di tích - danh thắng, trong đó có 485 di tích đã được xếp hạng, bao gồm 6 di tích quốc gia đặc biệt, 145 di tích cấp quốc gia và 334 di tích cấp tỉnh, gần 50.000 hiện vật, di vật và cổ vật.

Ngoài ra, tỉnh có 546 Di sản văn hóa phi vật thể, bao gồm 89 di sản lễ hội, 6 di sản tiếng nói và chữ viết, 68 di sản nghề thủ công truyền thống, 47 di sản nghệ thuật trình diễn dân gian, 29 di sản ngữ văn dân gian, 147 di sản tập quán xã hội, và 160 di sản tri thức dân gian.

Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngoài ra, nghi lễ hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu cũng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và có mặt tại Nghệ An, cùng với 09 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia khác.

Nhiều Di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu đã được đồng bào các dân tộc gìn giữ và phát huy tốt trong đời sống cộng đồng. Cụ thể:

•    Dân tộc Kinh: Có kho tàng văn học dân gian phong phú; dân ca Ví, Giặm; ca trù, cùng các lễ hội và nghề truyền thống.

•    Dân tộc Thổ: Điệu “Đu đu - điềng điềng”, lễ xuống đồng và mừng cơm mới.

•    Dân tộc Thái: Chữ Thái cổ, kho tàng truyện cổ; các điệu múa nhuôn, lăm, khắp, suối; nghề dệt thổ cẩm.

•    Dân tộc Khơ Mú: Hát tơm, ru con, re ré; nghề đan lát mây tre.

•    Dân tộc Mông: Gắn liền với hát kể, cứ xia, lù tẩu, vàng hủa, cùng các nhạc cụ như khèn, kèn, đàn môi, sáo, và nghề rèn.

•    Dân tộc Ơ Đu: Lễ hội đón tiếng sấm đầu năm, các điệu múa dân gian.

Những di sản này đã tạo nên sự đa dạng và phong phú trong đời sống văn hóa cơ sở. Sự đa dạng này không chỉ phản ánh bản sắc văn hóa độc đáo của từng dân tộc mà còn góp phần xây dựng cộng đồng vững mạnh, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa cho các thế hệ mai sau.

Bảo Nguyên

Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/nang-cao-chat-luong-doi-song-van-hoa-cua-nguoi-dan-trong-xay-dung-nong-thon-moi-o-nghe-an-a32729.html