Hầu hết các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) đã phân vùng cấp độ rủi ro dịch bệnh và nới lỏng hoạt động giao thương, vận chuyển hàng hóa theo Nghị quyết 128 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế. Ðây là bước ngoặt quan trọng để hoạt động xuất khẩu thủy sản khu vực bứt phá trong những tháng cuối năm.
Ðể hiện thực hóa mục tiêu cao nhất về xuất khẩu các ngành hàng chủ lực, trong đó có thủy sản, chính quyền và các doanh nghiệp vùng ÐBSCL đang tìm mọi cách để kết nối, duy trì nguồn nguyên liệu đầu vào, tránh tình trạng "hẹp đầu vào" nhưng "rộng đầu ra".
Ngành hàng cá tra khó khăn
Từ giữa tháng 7 đến nay, tất cả các tỉnh ÐBSCL áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19. Ðiều này ảnh hưởng lớn đến ngành thủy sản, trong đó có cá tra. Theo Tổng cục Thủy sản, tính đến ngày 15/9, diện tích thả nuôi cá tra toàn vùng đạt 3.516 ha, chỉ bằng 74,3% so với cùng kỳ. Trong đó, riêng tháng 7 và 8 diện tích thả nuôi giảm từ 50 - 55% so với trước khi thực hiện giãn cách xã hội và giảm từ 25,9 - 33,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Tại TP Cần Thơ, diện tích thả nuôi cá tra là 576 ha, giảm 10% so với cùng kỳ. Sản lượng cá hơn 95.000 tấn, giảm hơn 6% so với năm 2020 và chỉ đạt 58% kế hoạch năm. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) TP Cần Thơ, từ đầu năm đến giữa tháng 7/2021, các cơ sở nuôi cung cấp đủ nguồn cá tra nguyên liệu cho thị trường xuất khẩu và chế biến tiêu dùng trong nước. Từ tháng 7 đến tháng 10, thành phố giãn cách xã hội nên việc tiêu thụ bị gián đoạn do các công ty chế biến và thương lái chưa hoạt động hoặc thu mua với số lượng rất ít. Người nuôi cá chưa mạnh dạn thực hiện việc thả giống cho vụ nuôi mới. Do đó, thời gian nuôi kéo dài, làm tăng chi phí sản xuất. Giá bán cá tra nguyên liệu dao động từ 22.000 - 22.500 đồng/kg (kích cỡ 700 - 800 g/con), tăng 4.500 đồng/kg so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá thành bình quân từ 22.000 - 23.000 đồng/kg, người nuôi lỗ khoảng 500 - 1.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm Hợp tác xã cá tra Thới An (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) cho biết: Ðể duy trì nghề nuôi cá tra cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy, hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp để họ cung cấp giống, thức ăn và bao tiêu sản phẩm nhằm ổn định đầu ra. Hiện có hơn 60% hộ nuôi cá tra ở các tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn thành phố liên kết với doanh nghiệp nhằm giảm giá thành nuôi, tăng hiệu quả sản xuất. Những hộ nuôi nhỏ lẻ không còn trụ nổi với nghề vì thua lỗ liên miên. Tuy nhiên, dịch bệnh kéo dài, nhiều doanh nghiệp phải tạm đóng cửa, một số doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng từ 20 đến 30% công suất nên việc tiêu thụ cá tra chậm, cá quá lứa nhiều, chi phí tăng thêm, nông dân và doanh nghiệp đều gặp khó. Do vậy, để nghề nuôi cá tra phát triển bền vững, chuỗi cung ứng nguyên liệu không bị đứt gãy, điều quan trọng lúc này là các địa phương kiểm soát tốt dịch bệnh, khôi phục lại chuỗi sản xuất, tiêu thụ ngành hàng cá tra phục vụ xuất khẩu.
Hiện TP Cần Thơ có hơn 10 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản hoạt động trở lại, chiếm một phần ba so với trước khi dịch bệnh. Các doanh nghiệp chỉ hoạt động từ 30% đến 50% công suất, chủ yếu đáp ứng những đơn hàng đã ký kết, giải phóng nguồn nguyên liệu còn tồn đọng ở doanh nghiệp. Ông Võ Ðông Ðức, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản TP Cần Thơ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (Caseamex) đề xuất: Từ nay đến cuối năm, nhu cầu nhập khẩu thủy sản của thế giới tăng cao, để khôi phục ngành hàng cá tra, các địa phương trong vùng cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hoạch, vận chuyển cá tra từ ao nuôi đến nhà máy chế biến và xuất khẩu. Chứ hiện tại, mỗi tỉnh có quy định riêng phòng, chống dịch nên việc vận chuyển hàng hóa khó khăn, chậm trễ trong tiêu thụ, gây khó cho người nuôi và doanh nghiệp. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng tiếp tục xem xét hỗ trợ về vốn, hạ lãi suất cho vay và cho vay tiếp để người dân, doanh nghiệp tiếp tục sản xuất, kinh doanh, tăng cường liên kết với nhau xây dựng chuỗi cá tra ổn định, không bị đứt gãy...
Tín hiệu mừng từ ngành tôm
Là một trong những tỉnh có lợi thế sản xuất nguyên liệu thủy sản, Sóc Trăng luôn chú trọng khai thác và tạo điều kiện để các chủ thể tham gia chuỗi sản xuất này hoạt động hiệu quả. Theo Sở NN và PTNT tỉnh Sóc Trăng, toàn tỉnh đã thả nuôi 66.930 ha thủy sản, đạt 90,4% kế hoạch. Sản lượng 246.445 tấn, trong đó tôm nước lợ 49.141 ha, đã thu hoạch 32.345 ha, sản lượng đạt 142.478 tấn. Sản lượng thủy sản được tiêu thụ ổn định thông qua các nhà máy chế biến xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Hiện Sóc Trăng có hơn 20 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, trong đó 5 doanh nghiệp lớn chuyên chế biến, xuất khẩu tôm, chiếm đến 75% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Sóc Trăng hiện đang dẫn đầu cả nước về xuất khẩu thủy sản với kim ngạch đạt 740 triệu USD trong chín tháng, tăng 24% so cùng kỳ và chiếm 11,3% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước. Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Ngọc Nhã cho biết, ngay từ thời gian đầu thực hiện giãn cách, Sóc Trăng đã quan tâm thực hiện các phương án tổ chức sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm thủy sản như kết nối chặt với Tổ 970 của Bộ NN và PTNT. Trong tỉnh, các địa phương thành lập các tổ đội thu hoạch, thu mua tại chỗ.
Tại Cà Mau, nơi được xem là vựa tôm lớn nhất của vùng và cả nước, trong hơn hai tháng giãn cách xã hội, giá tôm nguyên liệu mua tại ruộng giảm sâu. Trong đó, tôm sú loại 30 con/kg thu mua mức 180.000 đồng/kg, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg khoảng 80.000 đồng/kg. Mức giá trên giảm từ 10 đến 20% so với điều kiện bình thường mọi năm. Nguyên nhân do thương lái cộng thêm chi phí test Covid-19 định kỳ cho người lao động và một số chi phí phát sinh khác. Ðến hết tháng 9/2021, diện tích nuôi tôm thâm canh ở Cà Mau đạt hơn 8.268 ha, với hơn 12.638 hộ nuôi. Tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 456.300 tấn, bằng 73,9% kế hoạch và tăng 3,8% so cùng kỳ. Trong đó, có 160.798 tấn tôm, bằng 71,5% kế hoạch, tăng 7,2% so cùng kỳ năm 2020. Giám đốc Sở Công thương Cà Mau Nguyễn Văn Ðô đánh giá: Mặt bằng chung về thủy sản vẫn tăng là nhờ sản lượng những tháng đầu năm "kéo lại". Tổng sản lượng tôm chế biến lũy kế trong chín tháng đầu năm 2021 được 128.354 tấn, đạt 84,4% kế hoạch, tăng 9,3% so với cùng kỳ.
Gần đây, các địa phương trong vùng đã áp dụng các biện pháp phòng dịch linh hoạt trong tình hình mới. Các doanh nghiệp xuất khẩu đã và đang đẩy mạnh các hoạt động sản xuất trở lại. Tuy nhiên, lo lắng lớn nhất của doanh nghiệp là thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Minh Cường (xã Tắc Vân, TP Cà Mau) cho biết, hầu hết công nhân đã được huy động trở lại làm việc nhưng chỉ chạy được từ 30 đến 50% công suất vì không đủ nguyên liệu. Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú Lê Văn Quang cùng chung khó khăn: Dư địa xuất khẩu tôm còn rất lớn nhưng các doanh nghiệp lo lắng trong những tháng tới không có đủ nguyên liệu để phục vụ chế biến. Vì thế, công ty ưu tiên cho các đơn hàng hiện có chứ chưa mạnh dạn nhận thêm hợp đồng mới với bên nhập khẩu.
Trong điều kiện dịch bệnh, vận chuyển khó khăn nhưng giá tôm xuất khẩu tăng giúp doanh nghiệp bù lại phần nào chi phí logistics và các chi phí phòng, chống dịch Covid-19. Tuy doanh thu, lợi nhuận có thể ít hơn nhưng theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, đà xuất khẩu sẽ tăng trưởng tốt trong những tháng cuối năm nhờ lợi thế mang lại từ các hiệp định thương mại mà nước ta tham gia như CPTPP, EVFTA… Ðể tránh đứt gãy chuỗi nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu, các tỉnh trong vùng đang đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền, hỗ trợ kỹ thuật, khuyến cáo và vận động nông dân thực hiện đúng lịch thời vụ thả tôm, không để tái diễn tình trạng treo đầm, treo ao. Cùng với đó là tạo điều kiện thuận lợi nhất trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa nội tỉnh, liên tỉnh, tránh tình trạng "người mua giảm giá, người nuôi khó bán nhưng người dùng trả giá cao". Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chi nhánh Cần Thơ Nguyễn Phương Lam khuyến nghị: Các địa phương trong vùng cần chủ động liên kết trong sản xuất tiêu thụ thủy sản để phát huy lợi thế của mỗi địa phương ở từng ngành hàng, chứ không cạnh tranh nhau. Vấn đề quan trọng lúc này là Hội đồng điều phối vùng cần phát huy vai trò "nhạc trưởng" để điều phối, liên kết toàn vùng với nhau trong phát triển kinh tế, xã hội, sớm khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống người dân.
Theo Nhân dân
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/bao-dam-chuoi-nguyen-lieu-thuy-san-o-dbscl-a3628.html