Với dự báo khả năng cung ứng và nhu cầu một số nhóm hàng thiết yếu cần chuẩn bị trong dịp Tết 2021 đối với khoảng 10,33 triệu người sinh sống, làm việc, học tập tại Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội đã chuẩn bị lượng hàng hoá ước tính khoảng 39.000 tỷ đồng để phục vụ Tết trên địa bàn Thành phố.
Giống như Hà Nội, nhiều địa phương đang tích cực chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán. Theo Bộ Công Thương, dịch COVID-19 trong năm 2021 diễn biến phức tạp và kéo dài tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước gây ảnh hưởng tới nhiều hoạt động kinh tế, thương mại và dịch vụ. Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ cả nước đạt 3.367,7 nghìn tỷ đồng, giảm 7,11% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó các nhóm giảm mạnh nhất là nhóm du lịch, dịch vụ (giảm từ 19,4-64%) do các hoạt động này bị dừng kinh doanh trong các giai đoạn các địa phương áp dụng biện pháp pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch; hầu hết nhóm hàng hóa khác đều giảm từ 6,4-10,5%, chỉ riêng nhóm hàng lương thực, thực phẩm (là nhu yếu phẩm thiết yếu) còn giữ được mức tăng 5%.
Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì sản xuất, nhiều lao động mất việc làm, thu nhập của người dân nhìn chung đều giảm, do vậy dự kiến sức mua trong các tháng cuối năm nay sẽ giảm so với cùng kỳ năm trước và chủ yếu tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày và trong dịp Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022. Sau đợt dịch vừa qua, phương thức mua hàng cũng có nhiều thay đổi. Bên cạnh phương thức mua sắm truyền thống, nhiều hình thức mua bán hàng hóa trực tuyến tiếp tục được nhiều người tiêu dùng lựa chọn nhằm tránh đến những nơi đông người, giảm nguy cơ dịch bệnh...
Tiếp nối những kết quả đã đạt được trong công tác chỉ đạo, điều hành nhằm bảo đảm hàng hóa thiết yếu cho người dân trong thời gian chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 vừa qua, để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022 sắp tới, Bộ Công Thương sẽ triển khai một số biện pháp như chỉ đạo các địa phương, các doanh nghiệp và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, chủ động rà soát cung cầu hàng hóa, chuẩn bị tốt nguồn hàng và các phương án cung ứng hàng hóa kể cả trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, triển khai chương trình bình ổn thị trường, chú trọng bảo đảm nguồn cung thực phẩm thiết yếu với giá cả ổn định; thực hiện chương trình kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm an toàn thực phẩm...
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình giá cả, thị trường hàng hóa tại các địa phương, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... để kịp thời ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động; Đôn đốc các địa phương sớm có phương án mở lại hoạt động của các chợ truyền thống với điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19. Chủ động làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình cung cầu một số sản phẩm nông nghiệp thiết yếu, chú trọng đến tình hình chăn nuôi gia súc và rau, củ quả nhằm bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân trong dịp Tết.
Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, UBND và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, đơn vị có liên quan trên cả nước kịp thời xử lý các khó khăn trong lưu chuyển hàng hóa nhằm không làm đứt gẫy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu trong trường hợp dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp; Phối hợp với các doanh nghiệp phân phối lớn để có phương án điều tiết nguồn cung hàng hóa khi cần thiết hoặc hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch (nếu có)... Đặc biệt, phối hợp với các cơ quan báo chí, thông tin truyền thông tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về các Chương trình phục vụ Tết, thông tin giá cả, thị trường để tạo tâm lý ổn định cho người dân, tránh hiện tượng đầu cơ găm hàng.
Người dân không cần tích trữ hàng hoá
Theo Bộ Công Thương, kinh nghiệm trong các đợt dịch vừa qua cho thấy, nguồn cung hàng hóa thiết yếu vẫn luôn được bảo đảm, kể cả trong giai đoạn phải giãn cách xã hội tại các địa phương để phòng chống dịch. Việc thiếu hàng chỉ xảy ra cục bộ tại một số thời điểm do người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Công Thương, việc chủ động có các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu của các địa phương và các doanh nghiệp, tiểu thương trên cả nước và kinh nghiệm trong việc điều tiết hàng hóa trong đợt dịch thứ 4 vừa qua, nguồn cung, dự trữ hàng hóa thiết yếu hiện nay cũng như trong các tình huống diễn biến của dịch bệnh COVID-19 theo kịch bản đã được chuẩn bị tốt.
Do đó, Bộ Công Thương khuyến cáo người dân có thể yên tâm, không nên mua tích trữ nhiều hàng hóa, đồng thời chấp hành nghiêm chỉ đạo của Chính phủ và địa phương trong công tác phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt luôn chú ý thực hiện yêu cầu 5K (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế) và thông điệp 5T (Tuân thủ nghiêm 5K - Thực phẩm đủ tại nhà - Thầy, thuốc đến tại gia – Test Covid tất cả - Tiêm chủng) của Bộ Y tế để đảm bảo an toàn, phòng chống dịch.
Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/dam-bao-hang-hoa-cho-dip-tet-nguyen-dan-2022-a3716.html