Mặt bằng giá cả thị trường từ đầu năm đến nay tăng giảm đan xen, một số mặt hàng có mức tăng cao do chịu tác động của các yếu tố cung cầu trong nước và giá thế giới.
CPI bước đầu được kiểm soát hiệu quả
Tổng cục Thống kê vừa dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 có thể giảm 0,1-0,15%. Bình quân 10 tháng CPI tăng 1,81-1,83% so với cùng kỳ năm ngoái. Với dữ liệu này, từ nay đến cuối năm CPI bình quân tăng khoảng 2%.
Ông Tạ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết thêm: “Mặt bằng giá cả thị trường trong 10 tháng đầu năm cơ bản nằm trong kịch bản”.
Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, giá thuê nhà giảm; Học phí năm học 2021-2022 được miễn, giảm tại một số địa phương. Bên cạnh đó, một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu tiếp tục được đề xuất giảm giá để hỗ trợ nền kinh tế, như kéo dài quy định miễn thu, hoặc giảm giá đối với một số dịch vụ chứng khoán. Hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 4 cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Đây chính là các nguyên nhân chính làm CPI tháng 9/2021 giảm 0,62% so với tháng trước, tăng 1,88% so với tháng 12/2020. Mặc dù vậy, đã xảy ra hiện tượng tăng giá một số mặt hàng, chủ yếu do nguồn cung bị gián đoạn. Bên cạnh đó, là nhu cầu mua sắm tích trữ tăng đột biến tại một số thời điểm do yếu tố tâm lý.
Mặt bằng giá cuối năm đang chịu tác động từ việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu như thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng, giá xăng dầu... Các mặt hàng này tăng chủ yếu do chi phí nguyên vật liệu đầu vào, vận chuyển logistics và giá thế giới tăng mạnh đẩy giá trong nước đi lên.
Không chủ quan với các rủi ro gây lạm phát
Khi khủng hoảng năng lượng có thể trở nên trầm trọng, xu hướng đầu cơ, tích trữ các mặt hàng chiến lược của một số nước tác động toàn diện đến kinh tế thế giới và trong nước.
Chịu tác động giá từ các mặt hàng thiết yếu, song cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá cho rằng, lạm phát năm nay vẫn đảm bảo trong tầm kiểm soát và ở mức thấp.
Lạm phát cơ bản tháng 9/2021 giảm 0,26% so với tháng 8/2021, tăng 0,74% so với cùng kỳ 2020. Bình quân 9 tháng năm 2021, lạm phát cơ bản tăng 0,88% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,82%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, giá xăng, dầu và giá gas tăng. Mức lạm phát cơ bản tháng 9 và 9 tháng năm 2021 so với cùng kỳ 2020 đều là mức thấp nhất kể từ năm 2011.
Các tháng còn lại của năm 2021 và thời gian đầu năm 2022 phải thận trọng, linh hoạt theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp. Chủ động tháo gỡ khó khăn và có phương án điều tiết nguồn hàng để tăng lượng cung ứng cho các địa phương có dịch bệnh cần cách ly hoặc giãn cách xã hội, bảo đảm cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân.
Gỡ khó cho sản xuất kinh doanh, trong lưu thông để chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ, bình ổn giá cả thị trường, nhất là dịp cuối năm 2021. Tăng cường công tác tổng hợp, phân tích, dự báo thị trường giá cả và thực hiện chế độ báo cáo kịp thời theo quy định. Cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường giá cả, quản lý kê khai giá, niêm yết giá theo quy định pháp luật.
Theo Thu Hà/Kinh tế môi trường
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/du-bao-den-cuoi-nam-cpi-binh-quan-tang-khoang-2-a3825.html