Chuyển đổi số hướng đến hợp tác xã thông minh

Cùng với đầu tư công nghệ chế biến, chú trọng phát triển thị trường thì chuyển đổi số và áp dụng công nghệ thông tin được xem là giải pháp hiệu quả cho phát triển nông nghiệp Việt Nam nói chung và các HTX nông nghiệp nói riêng trong giai đoạn hiện nay.

Thu hoạch nhãn tại HTX nhãn lồng Miền Thiết (xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Nguồn:TTXVN

Còn thiếu liên kết chuỗi giá trị

Theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo, trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam hiện nay, phát triển kinh tế tập thể, HTX đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, ổn định giá cả và kiềm chế lạm phát, tăng kim ngạch xuất khẩu, tái cơ cấu nền kinh tế… Tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể, HTX vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, tốc độ tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác, tỉ lệ đóng góp vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chưa đáp ứng yêu cầu.

Thống kê cho thấy, trong 1.718 HTX ứng dụng công nghệ cao, chỉ có 240 HTX sử dụng phần mềm quản lý và sản xuất thông minh, chiếm 1,5%; trong đó, các HTX này chỉ tập trung vào ứng dụng công nghệ tưới tiêu, hệ thống nhà lưới, dán tem truy xuất nguồn gốc. Còn ứng dụng chuyển đổi số vào khâu chế biến, quản lý HTX, kinh doanh sản phẩm chưa thực sự được chú trọng…

Điều này khiến các HTX nông nghiệp rơi vào tình trạng không quản lý hiệu quả các nguồn lực và hạn chế sự tương tác giữa các tác nhân liên quan đến hệ sinh thái. Hơn nữa, mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị vẫn luôn là rào cản trong phát triển các HTX nông nghiệp.

Theo số liệu khảo sát, đánh giá tình hình chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin tại 153 HTX nông nghiệp trên địa bàn các tỉnh Hòa Bình, Quảng Trị và Sóc Trăng, ông Trần Tuấn Việt, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin tuyên truyền Liên minh HTX Việt Nam cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý và điều hành chỉ ở mức cơ bản. Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác quản lý, điều hành, cũng như xúc tiến thương mại chưa đạt kỳ vọng. Hơn nữa, các HTX này chủ yếu là ứng dụng các công nghệ tự động hóa, hoạt động xúc tiến thương mại thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin chưa đa dạng, chủ yếu là sử dụng các trang mạng xã hội theo hướng đơn giản, chi phí thấp.

Do vậy, để tháo gỡ những rào cản này, bên cạnh đầu tư công nghệ chế biến, chú trọng phát triển thị trường thì chuyển đổi số và áp dụng công nghệ thông tin được xem là giải pháp hiệu quả cho phát triển nông nghiệp Việt Nam nói chung và các HTX nông nghiệp nói riêng trong giai đoạn hiện nay.

Xây dựng HTX thông minh dựa trên công nghệ cao

Đánh giá cao việc chuyển đổi số có ý nghĩa quan trọng, thúc đẩy sản xuất hàng hóa có chất lượng và mở ra cơ hội phát triển nhanh, bền vững của các doanh nghiệp, HTX, ông Phạm Quang Tú, Phó Giám đốc Tổ chức Oxfam tại Việt Nam (tổ chức phi chính phủ quốc tế hàng đầu hoạt động trong các lĩnh vực phát triển nông thôn) cho biết, Tổ chức Oxfam đã, đang và sẽ làm việc với các bên liên quan nhằm tận dụng sức mạnh của công nghệ thông tin trong các hoạt động hỗ trợ người dân tham gia hiệu quả vào nền kinh tế số và xã hội số.

Theo Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam Nguyễn Thành Thực, việc liên kết các nông hộ sản xuất nhỏ lẻ theo ngành nghề thành khối kinh tế hợp tác hình thành các HTX trên cơ sở số hóa, minh bạch thông tin, giám sát thuận tiện, mục tiêu “Cùng mua - Cùng làm - Cùng bán” sẽ tiết giảm các chi phí sản xuất, kết nối thị trường, thuận tiện hơn. Không chỉ vậy, các hộ nông dân sẽ kết nối với nhau trên nền tảng số, giám sát trực tiếp, minh bạch thông tin. Đặc biệt, sẽ bảo đảm tránh việc giả mạo sản phẩm của những cơ sở có chứng chỉ chất lượng cao, nhất là việc giả mạo mã vùng trồng, mã xưởng khi xuất khẩu.

PGS.TS. Phạm Quang Hà, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Hợp tác xã nông nghiệp số Việt Nam cũng đã gợi ý việc xây dựng HTX thông minh dựa trên công nghệ cao, công nghệ sinh học, nông nghiệp chính xác. Ngoài ra, các HTX này cần xây dựng chuỗi cung ứng và tiêu thụ sản phẩm thông qua hệ thống bán buôn và bán lẻ, xây dựng sản phẩm thương hiệu riêng.

Là một trong những đơn vị xây dựng thành công HTX thông minh với việc tích hợp nhiều nhất có thể các hoạt động sản xuất, kinh doanh cả về nông nghiệp lẫn đầu tư công vào cổng thông tin điện tử, Giám đốc HTX Công nghệ Thông tin Huế (HueTechCo.op) Đặng Văn Chính cho biết, hiện, HTX triển khai trên 50 sản phẩm, dịch vụ ở hơn 20 tỉnh, thành phố, trong đó chú trọng thông tin thông suốt tại Liên minh HTX tỉnh Thừa Thiên Huế. Một số sản phẩm tiêu biểu của HTX là: sàn thương mại điện tử kinh tế hợp tác, hệ thống tổng hợp báo cáo, cổng thông tin, hệ thống quản lý hội nhóm, truy xuất nguồn gốc gỗ...

Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh về sự quan trọng trong hợp tác giữa Liên minh HTX Việt Nam với các đối tác trong đó có tổ chức Oxfam tại Việt Nam nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông minh trong phát triển các HTX thời kỳ mới. Theo ông Bảo, giải pháp đặt ra trong thời gian tới là sẽ nâng cao chất lượng nhân lực tại các HTX nông nghiệp; sử dụng một số nền tảng ứng dụng chuyển đổi số và thành lập HTX cung ứng dịch vụ công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp; xây dựng Đề án chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong khu vực HTX Việt Nam.

Theo Thảo Anh/Báo điện tử Đại biểu Nhân dân

Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/chuyen-doi-so-huong-den-hop-tac-xa-thong-minh-a4047.html