Trong kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, Bộ Nông nghiệp và PTNT đặt ra mục tiêu 80% cơ sở dữ liệu về nông nghiệp được xây dựng, cập nhật trên nền tảng dữ liệu lớn có sự đóng góp của tổ chức, cá nhân, cộng đồng; trong đó sẽ cơ bản hoàn thành cơ sở dữ liệu về cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Đẩy mạnh hình thành hệ sinh thái nông nghiệp số nhằm khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia vào chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp. Đồng thời xây dựng bản đồ số nông nghiệp sẵn sàng kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở để thực hiện dịch vụ công trực tuyến…
Hiệu quả từ mô hình ứng dụng công nghệ số
Sớm nhận ra vai trò quan trọng của khoa học công nghệ, chị Lê Thị Dung (xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh, Ninh Bình) đã mạnh dạn ứng dụng IOT (Internet vạn vật) vào trang trại của mình, nhờ đó, nắm bắt được tất cả các thông số của đất, môi trường, đề xuất thời gian tưới, thời gian chiếu sáng phù hợp theo từng giai đoạn của cây trồng. Trước đây, chị cần khoảng 40 công nhân, nhưng giờ đây chỉ cần 10 người là có thể điều hành và làm được mọi việc từ xa, hiệu quả công việc thay đổi rõ rệt. Chị Dung cho biết: “Những năm đầu thua lỗ nhưng hai năm gần đây thì doanh thu của trang trại đạt khoảng 19 tỷ đồng, trừ chi phí, lãi gần 2 tỷ đồng/năm”.
Trải qua nhiều lần thất bại, ông Hoàng Mạnh Ngọc (ở xã Liên Hà, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội), Giám đốc Công ty cổ phần Giống gia cầm Ngọc Mừng, quyết tâm đầu tư dây chuyền sản xuất gà giống, áp dụng công nghệ khép kín, sử dụng điều chỉnh nhiệt, hệ thống ăn, uống cho gà tự động. Ứng dụng công nghệ thông tin kiểm soát nhiệt độ trong chuồng nuôi, trạm ấp qua phần mềm kết nối mạng internet. Nhờ khoa học công nghệ, hàng năm doanh nghiệp cho ra đời 45 vạn con gà giống, doanh thu đạt 4,5 tỷ đồng. “Thời đại số bùng nổ, không chỉ đơn giản bắt gà về thả vườn như trước đây, cần thay đổi tư duy từ chăn nuôi truyền thống sang tiếp cận công nghệ thông tin, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật”, ông Ngọc nói.
Ở vùng đất cao nguyên Lâm Đồng, khí hậu tương đối thuận lợi cho việc trồng trọt, gia đình ông Lê Công Thôn (thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng) đã liên kết cùng với trang trại Phong Thúy phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Nhờ ứng dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt, phun sương, gia đình ông thu được 200 tấn sản phẩm các loại, doanh thu hơn 2 tỷ đồng/ha/năm, trừ chi phí, lợi nhuận đạt 1 tỷ đồng/ha.
Với diện tích 500 ha, VinEco Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đã dùng 24,5ha đầu tư xây dựng nhà kính PE, sử dụng công nghệ nhà kính của Israel và 80ha được lắp đặt nhà kính, nhà lưới theo công nghệ Nhật Bản; 400ha còn lại được tận dụng làm những cánh đồng mẫu lớn, ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, đồng thời, xây dựng các khu sơ chế, bảo quản rau quả sau thu hoạch.
Thời gian qua, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, nhưng công ty vẫn tạo việc làm với mức thu nhập ổn định cho hơn 200 lao động địa phương, nhờ nông sản được phân phối đến các bếp ăn tập thể, chuỗi siêu thị VinMart và cửa hàng tiện lợi VinMart+ tiêu thụ.
Dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm
Đứng trước ý thức ngày càng cao của người tiêu dùng về truy xuất nguồn gốc nông sản và thực phẩm, mới đây, Bộ Công Thương đã có kết quả của một cuộc khảo sát cho thấy, 49% người tiêu dùng quan tâm đến truy xuất nguồn gốc sản phẩm, 47% muốn tra cứu nhưng không có đủ thông tin, 74,8% cho rằng rất khó để truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Do đó, rất cần phải minh bạch hóa quy trình sản xuất và chuỗi cung ứng.
Đây được xem là giải pháp cho người tiêu dùng trực tiếp kiểm tra, thu thập đầy đủ thông tin về sản phẩm đã mua, truy ngược dòng từ thành phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu, rà soát từng công đoạn (sinh ra, chăn nuôi, xuất trại, giết mổ, xử lý, đóng gói và phân phối).
Ông Đỗ Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ XNK Bé Dũng ở xã Mương Mán (Hàm Thuận Nam - Bình Thuận), cho biết: Trung bình mỗi năm doanh nghiệp xuất sang thị trường Trung Quốc 400-500 tấn thanh long. Do thị trường nước bạn yêu cầu thực hiện truy xuất nguồn gốc, công ty đã tuân thủ và thực hiện ứng dụng công nghệ vào việc dán tem truy xuất nguồn gốc, xuất xứ trái thanh long. Nhờ vậy, thanh long xuất khẩu của doanh nghiệp sang thị trường Trung Quốc đều được làm thủ tục nhập khẩu nhanh chóng.
Ông Nguyễn Văn Vinh, Chủ tịch HĐQT HTX dịch vụ nông nghiệp và Điện năng xã Hoằng Hợp (Hoằng Hóa - Thanh Hóa), cho biết: Các sản phẩm của HTX đều được đóng gói, thông tin đầy đủ về sản phẩm in trên bao bì... Người tiêu dùng chỉ cần thông qua ứng dụng quét mã trên điện thoại thông minh là có thể kiểm tra thông tin về cơ sở sản xuất, lịch sử canh tác, thu hoạch, sơ chế đóng gói, quá trình vận chuyển, hạn sử dụng... Nhờ truy xuất được nguồn gốc, các sản phẩm rau an toàn do HTX sản xuất đã tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, các địa phương đã và đang khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, người dân áp dụng, sử dụng hệ thống QR code để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa nhằm hướng đến một nền nông nghiệp sạch, an toàn, thông minh, nâng giá trị thương hiệu sản phẩm.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, việc ứng dụng phần mềm hệ thống quản lý thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm của Hà Nội còn giúp nâng cao khả năng cạnh tranh, hiệu quả kinh tế đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh. Sở dĩ vậy là bởi chính sự ràng buộc về chất lượng sản phẩm và các yêu cầu về nguồn gốc, xuất xứ sẽ thúc đẩy các tổ chức, DN, người sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm nhằm đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe. Qua đó, kiểm soát hiệu quả vấn đề an toàn thực phẩm.
Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử
Đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản trên nền tảng số, ứng dụng thương mại điện tử đang là giải pháp giúp người nông dân giải quyết được lượng hàng hóa bị ùn ứ, mở rộng thị trường và tiếp cận với xu thế thương mại thời đại công nghệ số.
Vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) được mở bán ngay trên trang chủ với vị trí ưu tiên trên sàn thương mại điện tử Voso thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến” cùng chính sách giá ưu đãi, hấp dẫn, hướng tới thị trường người tiêu dùng trong cả nước. Nhờ đó đã tiêu thụ được sản lượng vải của năm nay tại thị trường trong và ngoài nước.
Khi mùa vải thiều ở vùng “tâm dịch” Bắc Giang năm nay vào vụ với sản lượng lớn, cùng với các đơn vị khác của Bộ Công Thương, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế đã sớm lên phương án làm việc, phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Bắc Giang hợp tác với các sàn thương mại điện tử như Sendo, Voso, Postmart, Lazada… và các đối tác để tiếp tục hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm vải thiều Bắc Giang qua phương thức thương mại điện tử. Hiệu quả là hàng trăm nghìn tấn vải thiều được thị trường trong và nước ngoài tiêu thụ, đây có thể nói là thắng lợi lớn của tỉnh Bắc Giang, vải thiều đã không còn phải “giải cứu” như những năm trước nữa.
Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, cho biết: Từ trung tuần tháng 6/2021 đến nay, Lạng Sơn đã giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND huyện Chi Lăng, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel triển khai thí điểm kinh tế số, cửa hàng số tại địa bàn xã Chi Lăng và thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng. Đến nay, kết quả đã vượt chỉ tiêu đề ra với trên 1.000 cửa hàng số bán nông sản trên các sàn giao dịch điện tử của các gia đình đã được thiết lập.
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhấn mạnh, chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các sàn thương mại điện tử đang triển khai rộng khắp các tỉnh, thành phố và được đánh giá là giải pháp hiệu quả, bền vững giúp các DN tại địa phương ứng dụng công nghệ số để tiếp cận và mở rộng thị trường tiêu thụ trên toàn quốc.
Theo ông Chu Quang Hào, Thành viên Hội đồng thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost),bước ngoặt về chuyển đổi số trong thương mại nông sản bắt đầu từ việc tiêu thụ vải thiều Bắc Giang trên sàn Voso (Viettel Post) và Postmart (VnPost). Điều này cho thấy người dân lên sàn thương mại điện tử tăng đột biến.
Ngoài việc có hàng trăm nghìn người mua nông sản trên sàn thương mại điện tử, người tiêu dùng còn rất yên tâm khi biết nguồn gốc sản phẩm nông sản được trồng ở đâu? Trồng như thế nào? có bảo đảm an toàn thực phẩm hay không? Tất cả chỉ cần quét mã QR code để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
PV
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/khuyen-khich-nguoi-dan-va-doanh-nghiep-tham-gia-vao-chuyen-doi-so-trong-nong-nghiep-a4236.html