Ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách

Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đang diễn ra tại Glassgow (Anh) là một sự kiện quan trọng nhằm hướng tới việc làm chậm quá trình Trái Đất nóng lên quá nhanh hiện tại.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại COP26. Ảnh: TTXVN

Hội nghị COP26 lần này diễn ra với sự tham dự trực tiếp của hơn 120 nguyên thủ quốc gia và Thủ tướng trên thế giới. Hội nghị diễn ra với kỳ vọng mở ra được bước đi tiếp theo trong việc ngăn cản việc biến đổi khí hậu khi mà hệ quả của nó đối với cuộc sống hiện tại của con người ngày càng hiện hữu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị với vai trò là một thành viên tích cực trong việc ngăn chặn biến đổi khí hậu. Trong khuôn khổ của Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã có bài phát biểu quan trọng nhằm khẳng định quan điểm của Việt Nam về biến đổi khí hậu.

Trong bài phát biểu của mình tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tái khẳng định tầm quan trọng của việc ngăn chặn biến đổi khí hậu đối với sự tồn vong của Trái Đất và khẳng định rằng các quốc gia phải có những hành động cụ thể nhằm ngăn chặn vấn đề này: “Biến đổi khí hậu đã thực sự trở thành thách thức lớn nhất đối với nhân loại. Các hiện tượng thời tiết cực đoan và tình trạng nước biển dâng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, đến sự phát triển bền vững, thậm chí đe dọa sự tồn vong của nhiều quốc gia và cộng đồng dân cư của chúng ta. Lời cảnh báo này của tự nhiên buộc chúng ta phải hành động mạnh mẽ, có trách nhiệm và không chậm trễ trên phạm vi toàn cầu”.

Thủ tướng cũng đã nêu ra những giải pháp để có thể ngăn tình trạng biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp hơn và khẳng định rằng “phục hồi tự nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu phải trở thành mối ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển”.

Thủ tướng đã kêu gọi các nước chung tay đoàn kết và có những hành động trách nhiệm, quyết liệt hơn về “giảm phát thải khí nhà kính dựa trên quy tắc chung” nhưng có những thay đổi linh hoạt để “phù hợp với hoàn cảnh của từng quốc gia” và hướng tới mục tiêu cao nhất là “kiềm chế mức tăng nhiệt độ của Trái Đất”.

Về phần mình, Thủ tướng khẳng định Việt Nam dù là nước đang trong quá trình công nghiệp hóa nhưng sẽ là thành viên tích cực trong khả năng của mình để thực hiện “Công ước Paris” nhằm đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Bên lề của Hội nghị, Thủ tướng Italia Mario Draghi tuyên bố các nước G20 sẽ dừng cung cấp tài chính cho các dự án điện than vào cuối năm nay. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đề nghị các nước cam kết ở mức cao nhất, cần xây dựng các liên minh về tài chính và công nghệ để hỗ trợ các nước đang phát triển tăng trưởng xanh, bảo vệ những người dễ bị tổn thương trước các tác động của biến đổi khí hậu.

Hội nghị COP26 được các chuyên gia đánh giá như một nỗ lực cuối cùng của các nước nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và được coi như một phép thử cho quan tâm của con người đối với tự nhiên.

Hoàng Sơn (t/h)

 

Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-phuc-hoi-tu-nhien-phai-tro-thanh-uu-tien-cao-nhat-trong-moi-quyet-sach-a4325.html